Một hệ thống giám sát video phủ khắp Bắc Kinh đã biến thành phố thành một cơn ác mộng giống như tiểu thuyết 1984 của George Orwell.
Theo một tuyên bố của Văn phòng Công an Bắc Kinh, họ có hơn 4.300 nhân viên trông coi những camera ghi hình tại “mỗi góc” đến “100% thủ đô” trong toàn bộ kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần để kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10. Không rõ là sự giám sát hoàn toàn Bắc Kinh này sẽ duy trì sau những kỳ nghỉ lễ hay không.
Các loại máy camera được gắn kết với cột đèn, đèn giao thông và cột điện sẽ giám sát các khu vực có lưu lượng giao thông cao như các chợ, trung tâm mua sắm, công viên và điểm dừng xe buýt.
Chế độ cộng sản Trung Quốc nói đây là động thái bảo mật mới nhất như là một nỗ lực để kiềm chế hoạt động tội phạm. Tuy nhiên, sự tăng cường giám sát của nhà nước có thể đã được sử dụng cho các mục đích bất chính như khóa chặt những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, cùng những nhóm người bị đàn áp.
ĐCS Trung Quốc lần đầu tiên thiết lập một chương trình giám sát trên toàn quốc với tên gọi “Skynet” vào năm 2005, theo một báo cáo của tờ National Public Radio. Hàng trăm hàng nghìn máy quay an ninh đã được lắp đặt nổi bật ở những nơi công cộng của một số tỉnh.
Theo Ming Pao, một tờ báo tại Bắc Kinh, đã có hơn 300.000 camera được lắp ở địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 2008, không tính những cái được lắp trong xe taxi. Hai năm sau đó, đã có hơn 400.000. Trong Tháng 5, cảnh sát ở thủ đô lắp đặt thêm 30.000 máy ảnh.
“Giờ đây, chúng ta hoàn toàn bị bao phủ bởi ‘Skynet’, một mạng lưới khổng lồ nhằm kiểm soát hành vi của người dân trên đường phố“, Hu Jia, một người bất đồng chính kiến Trung Quốc đang sống ở Bắc Kinh, nói với Đài Á châu Tự do.
Giám sát công từ lâu đã bị chế độ cộng sản chiếm đoạt để theo dõi và kiểm soát chặt chẽ các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội, tổ chức xã hội dân sự, và bức hại dân tộc thiểu số và tôn giáo. Camera giám sát được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt, điều đó làm chúng dễ dàng chọn lọc ra những cá nhân là mục tiêu của các nhà chức trách Trung Quốc.
Ví dụ, các trạm xe lửa ở Bắc Kinh được trang bị các công nghệ giám sát để nhận dạng khuôn mặt của các học viên Pháp Luân Công là mục tiêu của lực lượng an ninh địa phương, theo Minh Huệ, một trang web cung cấp thông tin về Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn khí công truyền thống của Trung Quốc mà các học viên đang bị ĐCS Trung Quốc bức hại tàn bạo trong một chiến dịch kéo dài 16 năm. Các học viên Pháp Luân Công báo cáo rằng điện thoại di động và nhà cửa của họ đã bị lục soát, và họ thường bị các cảnh sát theo dõi bằng camera.
Trung Quốc không chỉ theo dõi các học viên Pháp Luân Công và những nhóm bị gắn nhãn là “lật đổ” mà còn hơn thế nữa. Trong năm 2014, một trang web tin tức tiếng Trung có trụ sở tại Vancouver, Canada đã tiết lộ rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đã có một chương trình giám sát bí mật gọi là “Đại Trí Tuệ” (Big Intelligence) bao gồm cả việc thu thập dữ liệu cá nhân và giám sát toàn bộ người dân Trung Quốc.
Theo BBC chế độ Trung Quốc có ý định nhập khẩu mô hình “giám sát 100%” ở Bắc Kinh áp dụng lên toàn bộ nước này vào năm 2020.
Thanh Phong dịch từ The Epoch Times