Tinh Hoa

‘Tá hoả’ phát hiện tượng Đức Thánh Trần giá 15 triệu nhưng dát vàng giả bên trong nhét xi măng

Nhiều phật tử sau một thời gian mang về thờ cúng, ngỡ ngàng khi phát hiện tượng đồng mạ vàng Đức Thánh Trần, Phật Hoàng bị nhồi xi măng sau khi bỏ ra hàng chục triệu đồng tham gia lễ dâng hương Đền Trần do một đơn vị truyền thông tổ chức.

Ông Ngô Xuân Tự bức xúc khi nhận về các bức tượng đồng được giới thiệu là “nguyên khối mạ vàng” nhưng bên trong là xi măng. (Ảnh qua vnexpress)

Năm 2016, ông Ngô Xuân Tự (cựu chiến binh, trú tại nhà số 10, tổ 1 phố Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại của một người tự giới thiệu đến từ ‘Giáo hội Phật giáo’.

Lúc đó hội này đang khởi xướng lễ dâng hương báo công Đức Thánh Trần tại khu di tích đền Trần (Nam Định) do công ty CP truyền thông CMA (trụ sở ở đường Mạc Thái Tổ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức và mời ông Tự tham dự buổi lễ này.

Sau khi tìm hiểu các nguồn tin bên ngoài, ông Tự cảm thấy tin tưởng và quyết định tham gia. Ông còn định giới thiệu cho bạn bè, người thân cùng tham dự vì nghĩ rằng đó là hoạt động có ý nghĩa cần nhân rộng.

Bỏ ra cả chục triệu, nhận về tượng ‘vàng’ bên trong nhồi toàn xi-măng

Được biết, ngoài khoản tiền 4 triệu đồng đóng góp cho ban tổ chức để có thể tham dự buổi lễ trên trong 2 ngày, ông Tự còn được mời ‘phát tâm đức’ 15 triệu đồng để nhận về tặng phẩm tượng Đức Thánh Trần mạ vàng có chiều cao 30cm.

Theo lời của ban tổ chức buổi lễ dâng hương này thì các tặng vật tâm linh có giá trị như tượng Đức Thánh Trần, mặt trống đồng, bảo tháp, tháp văn xương, ấn rồng phong thủy… đều được đúc bằng đồng nguyên khối, mạ vàng hoặc khảm tam khí, là những vật phẩm quý giá, làm kỷ vật lưu lại mai sau…

Với niềm tin tâm linh to lớn rằng sẽ được các đấng tối cao che chở, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, thành đạt trong công việc. Ông Tự mang tượng phật về nhà và đặt ở nơi trang trọng nhất nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, mặt tượng bỗng bị rỗ nham nhở, bong tróc từng mảng…khiến ông hết sức hoang mang.

Những vật phẩm tâm linh ông Tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nhận về. (Ảnh qua vnexpress)

Cầm tượng phật lên kiểm tra, ông Tự tá hỏa khi thấy phần chân đế của tượng vốn được ‘che’ bằng một lớp vải đỏ bị bong ra, để lộ cả mảng xi-măng được ‘nhồi’ bên trong tượng.

“Tôi rất bức xúc, hơn cả bức xúc đó là việc tâm linh bị mạo danh để lừa đảo, làm ảnh hưởng cả uy danh của Đức Thánh Trần – biểu tượng tâm linh mà cả thế giới và nhân dân ngưỡng mộ”, ông Tự nói.

Khi đưa tượng mạ vàng đi xét nghiệm, các chuyên gia cho biết lớp ‘vàng 24K’ mạ bên ngoài là một loại hóa chất trộn với vàng non, ‘bôi’ cho có. Chất liệu đúc tượng cũng không phải đồng nguyên khối như khẳng định của ban tổ chức mà chỉ là tạp chất. 

Khi đưa tượng mạ vàng đi xét nghiệm, các chuyên gia cho biết lớp ‘vàng 24K’ mạ bên ngoài là một loại hóa chất trộn với vàng non, ‘bôi’ cho có. (Ảnh qua vnexpress)

Nguyên nhân khiến lớp phủ vàng của tượng bị bong tróc là do khối xi măng bên trong tượng hút ẩm, khiến mức độ oxy hóa diễn ra nhanh hơn. 

“Tượng Đức Thánh Trần đã được hô thần nhập tượng, người phát tâm không quan trọng đắt rẻ, nhưng nhìn bức tượng loang lổ, xấu xí, chất liệu giả dối như vậy, không dám đưa lên thờ. Vứt bỏ thì không ai dám”, ông Tự buồn bã nói.

Mượn danh tâm linh để thương mại hóa, bán hàng kém chất lượng…?

Trao đổi với phóng viên, ông Tự cho biết, sau khi tham dự lễ hội tại khu di tích đền Trần trên, ông còn tham gia nhiều sự kiện khác cũng do đơn vị này tổ chức và đều bỏ ra hàng chục triệu đồng để nhận về các vật phẩm tâm linh. 

Tính đến thời điểm hiện tại thì số tiền ông bỏ ra để nhận được những bức tượng ‘mạ vàng nguyên khối’ kia đã lên đến cả trăm triệu đồng.

Mỗi sản phẩm BTC tặng kèm 1 CD về chương trình kèm bằng chứng nhận chất lượng sản phẩm. (Ảnh qua news)

Cũng theo ông Tự thì trong các đợt dâng hương mà ông tham dự, mỗi đợt có tới hàng trăm người tham gia. Hầu hết đều bỏ tiền để nhận một tặng phẩm có giá như trên. 

Cùng một bức tượng đồng đúc Đức Thánh Trần, bức có kích thước 30cm, trọng lượng 2-3kg có giá 15 triệu đồng; bức cao 38cm giá 25 triệu; 50cm giá 35 triệu; 120cm giá 200 triệu đồng…

“Một đợt dâng hương như thế, đơn vị tổ chức thu về cả nhiều tỷ đồng. Họ mượn danh tâm linh để thương mại hóa, bán hàng kém chất lượng… Đây là điều không thể chấp nhận”, ông Tự cho hay.

Sau lần phát hiện ra ‘tượng đồng mạ vàng giả’, ông Tự không tham gia chương trình nào do đơn vị này tổ chức nữa.

Nhà Đền không tổ chức bất cứ chương trình dâng hương báo công nào

Sản phẩm là những bức tượng nhồi xi măng. (Ảnh qua Vienvong)

Trao đổi với phóng viên, Trưởng BQL di tích đền Trần Nguyễn Đức Bình khẳng định, ngày giỗ Đức Thánh Trần, khách thập phương đến đều được đón tiếp. Đền không tổ chức bất cứ chương trình dâng hương báo công nào cả.

Ông cũng chia sẻ rằng bản thân lần đầu nghe đến cái tên CMA và từ trước tới giờ nhà Đền luôn cấm việc mượn danh tâm linh để  kinh doanh dưới mọi hình thức.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là người chắp bút các thư mời cho các chương trình của CMA cho hay:  “Hàng năm, họ tài trợ cho các hoạt động của Hội khoảng 100 triệu đồng. Nếu đơn vị bán hàng làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm, chúng tôi không bao che”.

Báo giá CMA gửi tới khách hàng. (Ảnh qua news)

Trước những thông tin trên, ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT công ty CP sản xuất và đầu tư phát triển Tâm Phát, đơn vị sản xuất các tượng đồng trên lý giải rằng, việc một số sản phẩm tượng có thép và bê tông bên trong là do phần khuôn trong được giữ lại để đảm bảo kết cấu và kiểu dáng của sản phẩm. Bởi đục bỏ phần này, các sản phẩm có kích thước nhỏ sẽ bị cong vênh, mất hình khối.

Được biết, từ năm 2014 đến nay, CMA đã tổ chức được khoảng chục sự kiện dâng hương và đưa khách sang Ấn Độ dâng hương 2 lần. Theo bảng tổng hợp thanh toán của Văn phòng Báo chí 1 (một trong các đơn vị đầu mối bán hàng thuê cho CMA), tổng doanh thu từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019 là hơn 3 tỷ đồng….

Vũ Tuấn (th)