Syria mới đây vừa tiết lộ với cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu về cơ sở nghiên cứu – phát triển và một phòng thí nghiệm ngầm chuyên dùng cho sản xuất chất độc ricin, theo nguồn tin ngoại giao của Reuters.
Syria đã đưa thông tin chi tiết về 3 cơ sở mới này cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) trong khuôn khổ cuộc điều tra vũ khí hóa học đang được tiến hành đối với nước này.
Thông tin trên đã khẳng định những cáo buộc mới đây của phương Tây về sự thiếu minh bạch của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong báo cáo với OPCW về chương trình vũ khí hóa học của nước này.
Năm ngoái, Damascus cam kết loại bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hóa học sau khi vụ tấn công bằng sarin hôm 21/8 cướp đi mạng sống của hàng trăm người tại Ghouta, một khu dân cư ngoại ô Damascus.
Theo thỏa thuận được kí kết với Washington và Moscow, với nội dung Mỹ sẽ không tấn công quân sự vào Syria, tổ chức đoạt giải Nobel Hòa bình OPCW đã giám sát việc tiêu hủy 1.300 tấn vũ khí hóa học mà Syria khai báo. Syria được cho là đã phá hủy tất cả các cơ sở sản xuất, đóng gói và tồn trữ vũ khí hóa học, nhưng cho đến nay vẫn còn 12 kho chứa xi măng và hầm âm. Tất cả cơ sở trên sẽ được tiêu hủy vào tháng tới.
Theo đánh giá của giới ngoại giao, tiết lộ mới này có được nhờ vào cuộc điều tra “những sai phạm” trong khai báo ban đầu của Syria với OPCW. Phía Anh và Mỹ ngay từ đầu đã hoài nghi rằng Syria vẫn chưa khai báo hết về một số hóa chất độc hại, nhất là sarin.
Nguy cơ các kho hóa chất còn lại này rơi vào tay phe cực đoan càng hiện hữu hơn khi lực lượng nhà nước Hồi giáo (ISIS) ngày càng lớn mạnh, càn quét Irag và Syria kể từ hè năm nay.
Syria chưa từng thừa nhận việc nước này đã sử dụng sarin hay tên lửa để sát hại hơn 1.000 người. Họ đổ trách nhiệm cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất trong 25 năm qua qua cho lực lượng nổi dậy.
Damascus đã khai báo với OPCW về hàng chục khu vực liên quan đến vũ khí hóa học vào năm ngoái, và hiện giờ tiết lộ thêm về 3 cơ sở nữa.
Một là phòng thí nghiệm nghiên cứu ricin cực độc nằm tại khu vực mà theo lời các quan chức thì giám sát viên không thể xâm nhập do cuộc chiến hiện tại giữa chính phủ và quân nổi loạn, nguồn tin cho biết.
Nguồn tin ngoại giao ẩn danh khác tiết lộ, nhà máy sản xuất ricin đã bị phá hủy trước khi Syria tham gia OPCW.
Tại khu vực còn lại, “một vài công trình nghiên cứu” được tiến hành để phát triển vũ khí hóa học, hai nguồn tin ngoại giao ở The Hague nói.
Theo Công ước về Vũ khí hóa học 1997, Damascus bị cấm phát triển, tàng trữ và sử dụng bất kỳ dạng hóa chất nào để chế tạo vũ khí tấn công và phải khai báo với OPCW về bất cứ dự trữ chất độc nào.
“Các thông tin nhận được, từng thông tin một, đều chứng minh rằng ông ấy (Assad) đã hoàn toàn không thành thật khi tham gia vào công ước này”, một nguồn tin ngoại giao chia sẻ.
Gần như tất cả các kho hóa chất mà Syria khai báo đã bị tiêu hủy trên con tàu Cape Ray của Mỹ, còn các chất thải hóa học hoặc tàn dư được xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải thương mại ở nước ngoài.
Một liên minh giữa Liên Hiệp Quốc và OPCW giám sát quá trình điều tra do Sigrid Kaag dẫn đầu dự kiến sẽ trở lại khu vực trong tháng này để tham gia vòng đàm phán mới cùng các quan chức Syria.
“Syria sẽ viện dẫn lý do giải thích việc các cơ sở này không được báo cáo vì lần khai báo đầu tiên quá gấp. Họ giải thích nguồn ricin được dùng cho mục đích y tế, nhưng chúng tôi không tin điều này”, nguồn tin cho biết.
Đánh bom chlorine
Hai quan chức ngoại giao cho biết, bản báo cáo tuần qua của nhóm điều tra OPCW về cuộc tấn công bằng chlorine đã chỉ ra Syria vi phạm thỏa thuận hủy tất cả vũ khí hóa học và chính phủ 3 quốc gia phương Tây đang cân nhắc việc đưa vấn đề này trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Đội điều tra OPCW đã tổng kết xem xét hàng chục báo cáo về các vụ tấn công bằng chlorine trong cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm tại Syria, khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng.
Báo cáo vào tuần trước đã ghi lại lời khai của các nhân chứng về diễn biến của hàng chục cuộc tấn công vào dân làng, có khả năng được tiến hành bởi các máy bay trực thăng, khiến một số người thiệt mạng và hàng trăm bị thương.
“Cần ghi nhớ rằng, các cuộc tấn công đó đã giết chết hàng trăm và có lẽ là hàng nghìn người, do đó chúng ta phải tạo áp lực lên chính quyền của ông Assad”, nguồn tin nhận định, “Đệ trình vấn đề lên LHQ sẽ tạo ra những áp lực đó”.
Phản ứng trước các kết quả thu được, Anh và Mỹ vào tuần trước đã buộc tội chính quyền của ông Assad, với bằng chứng đây là đảng phái duy nhất trong nội chiến có máy bay trực thăng”. “Chính quyền Assad rõ ràng vi phạm Nghị quyết HĐBA Liên Hiệp Quốc 2118. Chúng tôi đang cân nhắc việc đưa sự việc này ra New York và các quốc gia khác”, nguồn tin ngoại giao tuyên bố.
Báo cáo cũng cho biết, lãnh đạo OPCW đã ra lệnh cho nhóm điều tra tiếp tục tìm hiểu thêm về việc sử dụng Chlorine trong cuộc chiến tại Syria, điển hình là vụ tấn công vừa diễn ra hôm 28/8. Việc sử dụng vũ khí hóa học bởi bất kì phe nào trong xung đột đều bị cấm theo Công ước Về vũ khí Hóa học và Nghị định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cho thấy tính hợp pháp của kế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria.
Bùi Hương@tinhhoa.net
Theo Reuters