Mạc Đĩnh Chi là một vị quan đại thần của triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Dù xuất thân kém may mắn, dung mạo lại xấu xí nhưng bằng sự cần cù và cốt cách thanh cao, ông đã cho thấy tài năng và khí chất phi phàm của mình, hơn nữa còn làm rạng danh đất nước trong những lần đi sứ nhà Nguyên.
Mạc Đĩnh Chi (1280-1346), tên tự là Tiết Phu, hiệu Tích Am, là người xã Lũng Động, huyện Chí Linh. Mạc Đĩnh Chi mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hằng ngày hai mẹ con phải đi vào tận rừng sâu để hái củi để kiếm sống. Từ nhỏ Đĩnh Chi đã có tư chất thông minh, lại cần cù ham học nên đã đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) thời Trần Anh Tông, khi chưa đầy 20 tuổi.
Hoa sen trong giếng ngọc
Thời xưa người được chấm đỗ thi Đình có khi còn phải vào yết kiến để vua xét dung mạo rồi mới quyết định cho đỗ hẳn hay không. Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt nhưng vua Trần Anh Tông thấy tướng mạo ông xấu xí có ý không muốn cho đỗ Trạng. Ông làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc), ca ngợi nết cao quý của bông sen, tự ví mình với hoa quân tử. Vua đọc xong thuận cho ông đỗ Trạng nguyên.
Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi với tài năng và đạo đức của mình đã dành được sự tin cậy của triều Trần. Lần đầu tiên ông được vua Trần Anh Tông cử đi sứ nhà Nguyên. Mạc Đĩnh Chi đã không hổ danh là một tân Trạng Nguyên của Đại Việt với khí phách kiên cường, tinh thần tự tôn dân tộc và tài văn thơ, ứng đối mẫn tiệp trước các đại thần của triều Nguyên.
Tài năng và phí chất của ông đã khiến cho vua quan triều Nguyên rất vị nể và thán phục, phong cho ông học vị Lưỡng quốc Trạng nguyên và được các sứ thần nước này ghi chép rất trân trọng vào Bộ chính sử quốc gia. Dưới đây là một số giai thoại trong chuyến đi sứ sang nhà Nguyên của vị Trạng nguyên này:
Video: Mạc Đĩnh Chi – Kỳ tài khoa bảng trong lịch sử Việt Nam. (Nguồn: Văn hóa Bốn Phương)
Đối đáp tại cửa quan
Trên đường đi sứ, ngay trên biên giới hai nước, ông đã chứng tỏ được tài ứng đối của mình. Khi đoàn sứ giả tới ải Pha Lũy (tức Mục Nam Quan), cửa ải đóng chặt, có một vế đối dán sẵn ở cửa ải như sau:
“Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan”.
Có nghĩa là: Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.
Vế đối hiểm hóc ở chỗ có 4 chữ quan và 3 chữ quá. Mạc Đĩnh Chi và đoàn sứ giả biết rằng đây là mưu kế của bọn quan lại nhà Nguyên ra điều kiện để được mở cửa quan. Nếu đoàn sứ giả không đối được thì sẽ không vào được biên giới Trung Hoa. Như vậy sẽ ảnh hưởng tới quốc thể.
Sau khi suy nghĩ một chút, Mạc Đĩnh Chi đã đối lại:
“Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”.
Có nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.
Vế đối cũng có 4 chữ đối và 2 chữ tiên. Tình thế đổi khác. Tưởng đã bí thế mà lại hóa ra một câu đối hay, viên quan nhà Nguyễn chịu là vị Trạng nguyên đất Việt có tài ứng biến nên lập tức xuống mở cửa ải, ân cần đón đoàn sứ giả.
Buổi tiếp kiến đầu tiên
Ngay lần gặp mặt đầu tiên, vua quan nhà Nguyên đã muốn làm nhụt chí đoàn sứ giả, tự cho mình như mặt trời đỏ, ra vế đối ý kiêu căng:
“Nhật hỏa, vân yên, bạch trú thiêu tàn ngọc thố”.
Nghĩa là: “Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng”.
Vế đối còn có ý ám chỉ đối phương yếu và nhát như thỏ.
Nghe xong Mạc Đĩnh Chi đối lại:
“Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô”.
Nghĩa là: “Trăng là cung, sao là đạn, buổi chiều tối bắn rụng mặt trời”.
Vế đối rất chỉnh và tài tình, đã nêu cao được ý chí và sức mạnh của đại Việt. Vế đối còn rất đẹp về hình ảnh mặt trăng lưỡi liềm giống như cây cung, muôn ngàn vì sao lấp lánh giống như những viên đạn. Hơn nữa vế đối còn có ý ám chỉ đối phương là con quạ vì kim ô vừa nghĩa là mặt trời, lại vừa có nghĩa là con quạ sắt. Vua Nguyên thấy mình bị trả miếng rất đau, nhưng hết sức phục tài viên sứ nước Đại Việt. Vì vậy, vua tỏ ra vui vẻ nói:
“Quả là danh bất hư truyền. Lời đồn đại về tài năng của người thật chẳng ngoa. Nói rồi, vua Nguyên sai ban rượu ngon và bắt viên nội giám xuất nhiều vàng bạc trong kho để tặng thưởng Mạc Đĩnh Chi”.
Mạc Đĩnh Chi tuy dung mạo xấu xí nhưng tài ứng đối của ông lại khiến cho người người khâm phục. Tự ví bản thân như Hoa sen trong giếng ngọc – thanh cao, tinh khiết, lại có ý nói rằng chớ nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, Mạc Đĩnh Chi đã cho ta thấy cốt cách thanh cao và tài năng uyên bác của mình. Đứng trước quyền uy của Thiên triều, ông không hề tỏ ra sợ hãi mà vẫn bình tĩnh ứng đối, điều ấy lại một lần nữa minh chứng cho chí khí và tài năng hơn người của vị Trạng nguyên tài ba này.
(Còn tiếp…)
Thiên Thanh