Tinh Hoa

Sự thật nhân vật Quan Vũ trong lịch sử không hề dùng đao?

Nhiều bạn đã từng đọc qua Tam Quốc, chắc chắn biết rõ vũ khí các danh tướng sử dụng, thế nhưng đó chỉ là những tô vẽ trong nghệ thuật, thực tế Lữ Bố không dùng kích, Quan Vũ cũng không dùng đao…

Vũ khí mà Lữ Bố sử dụng không phải là kích

Cưỡi trên ngựa Xích Thố, tay cầm họa kích, là đặc trưng của Lữ Bố mà chúng ta vẫn quen thuộc, có điều đây là hình tượng đã được thêm thắt, trong ghi chép tư liệu lịch sử thực sự có ngựa xích thố nhưng Phương Thiên Họa Kích là người đời sau gán ghép vào.

Trong “Anh hùng ký” nói, sau khi Lã Bố giết Đổng Trác, Vương Doãn muốn giết hết quân phản loạn Lương châu, buộc Lý Thôi, Quách Dĩ dẫn binh tấn công Trường An, Lữ Bố ra trận chống địch, trước trận chiến ông yêu cầu so đấu với Quách Dĩ, kết quả “Bố dùng mâu đâm trúng Dĩ, quân kỵ của Dĩ ở phía sau liền tiến ra cứu Dĩ, Dĩ và Bố hai bên đều bãi binh“.

Như vậy, thứ trong tay Lã Bố hẳn là mâu. Có lẽ có người sẽ hỏi, “bắn kích Viên môn” giải thích như thế nào? Trong Tam quốc chí đã nói: “Bố sai cắm kích từ xa 150 bước … sau đó Bố lùi lại giương cung bắn trúng ngay ngạnh kích“. Thật ra kích mà Lã Bố bắn cũng không phải là vũ khí của ông.

Bắn kích Viên môn:

Tháng 6/196, bộ tướng của Lữ Bố là Hách Manh nghe lời xúi giục của Viên Thiệu bèn phản lại ông, mang quân xông vào phủ Hạ Bì. Nửa đêm Lữ Bố không kịp phân biệt người phe nào, chỉ kịp kéo vợ chạy vào trại của bộ tướng Cao Thuận. Cao Thuận nghe giọng phản quân là giọng người quận Hà Nội, đoán ra Hách Manh, bèn chấn chỉnh quân sĩ chống trả, quân Hách Manh phải lui.

Sáng ra, thủ hạ của Hách Manh là Tào Tính phản lại Manh, hai bên đánh nhau cùng bị thương. Lữ Bố sai Cao Thuận mang quân ra dẹp, giết chết Manh rồi cho Tào Tính lĩnh quân của Manh.

Không giết được Lữ Bố, Thuật lại trở mặt làm thân, xin kết thông gia với Lữ Bố. Khi dẹp Hách Manh, Lữ Bố đã tra ra việc Manh nghe Thuật xúi bẩy nhưng vì tình thế hiện tại chưa trở mặt đánh nhau được nên ông nhận lời.

Viên Thiệu thấy Lữ Bố ngả theo mình lại sai Kỷ Linh mang 3 vạn quân tấn công Tiểu Bái để diệt Lưu Bị. Lữ Bố chỉ mang 1000 quân bộ và 200 quân kỵ tới Tiểu Bái, bắt hai bên phải hòa giải. Ông sai cắm kích từ xa 150 bước và giao hẹn sẽ bắn tên, nếu trúng vào ngạnh kích thì hai bên phải giảng hòa.

Sau đó Lữ Bố lùi lại giương cung bắn trúng ngay ngạnh kích. Mọi người đều khâm phục. Lưu Bị cảm ơn ông, còn Kỷ Linh thấy Lữ Bố kiêu dũng không dám trái ý phải mang quân về.

Vũ khí của Quan Vũ không phải đao

Nhắc đến Quan Vũ liền nghĩ đến Thanh Long Yển Nguyệt Đao, nếu như nói vũ khí của Quan Vũ không phải đao mà là kích, hoặc muốn phá vỡ câu cổ ngữ “Quan Vũ vung đại đao” có chút ngông cuồng, thế nhưng đây là sự thật.

Tam quốc chí – Quan Vũ truyện trên đoạn giết Nhan Lương ghi lại như thế này “Vũ trông thấy cờ chỉ huy chữ Lương, giục ngựa đâm Lương trong vạn người, chém đầu hắn“.

Trong lúc này có hai động tác, một là đâm, hai là chém, rất nhiều người chỉ nhớ rõ phần trước là “đâm” mà không để ý đến phần “chém” sau đó. Còn có người trông mặt mà bắt hình dong, cho rằng Quan Vũ đâm chết Nhan Lương rồi xuống ngựa dùng đao cắt đầu ông ta.

Đây là cách nói không hợp lý, khi hai quân đối chọi mà chủ tướng bị thương hoặc thất thế cung tiễn thủ sẽ bắn tên, còn binh sĩ ở đầu trận tuyến sẽ liều chết cứu viện, há lại cho bạn xuống ngựa rút đao chặt đầu hắn?

Vì vậy, phân tích từ một đâm hai chém thì lợi khí trong tay Quan Vũ nếu không phải kích, thương thì không có cách nào thực hiện được việc trên.

Vũ khí của Trương Phi không gọi là bát trượng xà mâu

Vũ khí trong tay Trương Phi xác thực là mâu.

Tam quốc chí – Trương Phi truyện viết: “Phi chiếm cầu Đương Dương, trợn mắt hoành mâu hét lên rằng: Ta chính là Trương Dực Đức, hãy đến đây cùng đánh một trận!”.

Nhưng có lẽ Bát Trượng Xà Mâu chỉ là truyền thuyết dân gian hoặc là kết quả sau khi được thăng hoa hình tượng.

Khó có thể phán định vũ khí của Lưu Bị

Vũ khí Lưu Bị sử dụng trong tiểu thuyết là song kiếm, nhưng xem hết Tam quốc chí lại không tìm được cảnh Lưu Bị cầm kiếm.

Trong khi đó, sử sách có hai cách ghi lại vũ khí của Lưu Bị, một là kích.

Triệu Vân biệt truyện viết: “Bất chấp nguy hiểm Triệu Vân một mình cứu chủ qua lại trong trận địa nhiều lần, có người nói Triệu Vân đầu hàng, Lưu Bị không tin, tiên chủ dùng thủ kích viết: “Tử Long không bỏ ta đi“.

Triệu Vân tên tự là Tử Long, Cây “thủ kích” được nói đến có thể là đồ trang sức cũng có thể là vũ khí.

Hai là đao. Tào Tháo xuất chinh Kinh Châu, Lưu Tông quyết định đầu hàng Tào Tháo nhưng không dám báo ý định này cho Lưu Bị biết. Tào Tháo tiếp nhận thư hàng của Lưu Tông, liền thúc quân tiến vào Uyển Thành thuộc quận Nam Dương. Lúc đó Lưu Tông mới sai Tống Trung sang Phàn Thành báo cho Lưu Bị biết.

Lưu Bị giận dữ rút đao chỉ thẳng vào Trung nói: “Nay cắt đầu khanh, không đủ để giải nỗi căm phẫn, cũng hổ thẹn đại trượng phu sắp chia tay lại phải giết quân thần!

Một là kích, hai là đao, không biết cái nào mới đúng? Nhưng chắc chắn không phải là song kiếm.

Năm 208, Tào Tháo mang quân đánh chiếm Kinh châu. Lưu Bị giao tranh với Tào Tháo ở Đương Dương, Tràng Bản bị thua lớn, bỏ chạy về phía nam. Quân dân Lưu Bị chạy tan tác. Trong lúc hoảng loạn nhiều người nói Triệu Vân đã bỏ sang hàng Tào nhưng Lưu Bị một mực tin tưởng ông.

Trong lúc đó, Triệu Vân còn xông pha trận địa, cứu được mẹ con Cam phu nhân (vợ Lưu Bị) và con trai nhỏ của Lưu Bị là A Đẩu (tức Lưu Thiện) ra khỏi vòng vây, chạy về với Lưu Bị. Lưu Bị vô cùng cảm kích, còn những người nghĩ sai về ông rất xấu hổ.

Điển Vi vừa dùng song kích lại dùng rìu lớn

Trong Tam quốc (ba nước Nguỵ, Thục, Ngô chia cắt Trung Quốc từ năm 220 đến năm 280 SCN) chỉ có hình tượng của Điển Vi nâng đôi thiết kích dũng mãnh vô song là sát với sách sử nhất.

Tam quốc chí – Điển Vi truyện viết: “Vi thích cầm đôi kích lớn cùng trường đao…”, trong quân đội có câu nói rằng: “Dưới trướng tráng sĩ có Điển tướng quân, nâng một đôi kích 80 cân” (thời xưa 1 cân là 16 lạng nên đôi kích nặng 128kg).

Nhưng Điển Vi cũng có lúc cầm rìu lớn, lưỡi rìu dài hơn một thước sáng loáng, đáng sợ tới mức Trương Tú và các tướng soái cũng không dám ngẩng lên nhìn.

Năm 197, Tào Tháo mang quân đánh Trương Tú ở Uyển Thành (Nam Dương) thuộc Kinh châu. Khi Tào Tháo đến Dục Thủy thì Trương Tú ra hàng. Tào Tháo bèn mở tiệc đãi Trương Tú. Trong tiệc, Tào Tháo lần lượt đi mời rượu, Điển Vi tay cầm rìu lớn đi kèm, thường giơ rìu lên nhìn chằm chằm vào người mà Tào Tháo mời. Vì vậy trong suốt tiệc, Trương Tú và các bộ tướng không dám ngẩng lên nhìn Tào Tháo.

Theo kannewyork.com