Trong bối cảnh sự kiện Lục Tứ (4/6) đang đến gần, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây tăng cường lực lượng vũ trang để bao vây và giam giữ người dân mà không có lý do.
Vào ngày 27/5, một người thỉnh nguyện từ Hồ Bắc là Hà Bân sau khi bị bao vây bởi gần 20 nhân viên chính phủ tại nhà (thuộc Bắc Kinh) đã được đưa trở lại quê nhà của anh ở Tương Dương, Hồ Bắc ngay trong đêm. Được biết, sự việc này là do ngày 4/6 (thảm sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989) đang đến gần nên chính quyền ĐCSTQ tăng cường lực lượng để kiểm soát các nhà hoạt động nhân quyền.
Từ Thải Hồng, vợ của Hà Bân nói với tờ Epoch Times rằng, lần này những người chặn các phóng viên đã đóng tại Tương Dương, Hồ Bắc để đưa cảnh sát từ đồn cảnh sát Yancun và một nhóm người khác tìm đến tận cửa nhà Hà Bân. Ban đầu chỉ có 10 người đến, lúc đó cô đang ở Tương Dương, sau khi biết được điều này, cô đã lập tức chuyển hướng chặn cuộc gọi để tránh bị điều tra.
Nhưng sau đó “nhiều người hơn nữa đã đến, một lúc lại có một số xe cảnh sát đến, sau đó tôi gọi cho đường dây nóng Bắc Kinh 12345 nhưng đều không có tác dụng”, cô nói. Cuối cùng, tổng cộng gần 20 người đã đến.
Lúc ấy Hà Bân đang trốn trên mái nhà. Tuy nhiên, cảnh sát đã tìm được anh vì điện thoại di động bị định vị. Sau đó, Từ Thải Hồng mất liên lạc với Hà Bân nên cô đành phải liên lạc với chủ nhà để tìm hiểu sự việc.
Cô nói: “Tôi hỏi chủ nhà, tại sao xe cảnh sát lại tới, còn có cả xe đặc cảnh. Chủ nhà nói rằng, có kẻ phạm tội giết người phi tang đã chạy trốn, sau đó thì chạy đến đây”.
“Thật ra (chủ nhà) với cảnh sát là cùng một giuộc, để lừa dối tôi, họ muốn đưa anh ấy (Hà Bân) đi”, cô Từ nói thêm.
Từ Thải Hồng nói rằng, những nhân viên chính phủ này trong lúc bắt người đã không đưa ra bất kỳ hồ sơ pháp lý nào. Đây vốn là thủ đoạn quen thuộc.
“Tình thế đó khá đáng sợ, vì vậy lúc ấy tôi đã rất lo lắng cho anh ấy… Mặc dù tôi đã trải qua nhiều sự việc như vậy, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất khó khăn khi lại phải đối mặt lần nữa”. Từ Thải Hồng cũng cho biết cả đêm cô đã không ngủ được.
Vào tối 27/5, Hà Bân đã bị đưa trở lại Tương Dương ngay trong đêm. Hiện tại, hai vợ chồng bị đưa vào một khách sạn địa phương, và được thông báo rằng nhất cử nhất động đều không được ra khỏi tầm mắt của chính quyền.
Từ Thải Hồng nói thêm rằng, một số nhà hoạt động nhân quyền suy đoán có thể là vì gần tới ngày 4/6 nên ĐCSTQ đã tăng cường kiểm soát. “Bởi vì có một số nhà hoạt động nhân quyền vốn dĩ có thể đến vào ngày 29, nhưng giờ họ phải đợi đến ngày 5/6 (sau ngày 4/6) mới có thể đến”.
Theo báo cáo của China Aid (Hiệp hội Viện trợ Trung Quốc), hai vợ chồng Hà Bân và Từ Thải Hồng ban đầu kinh doanh một chuỗi nhà hàng ở Tương Dương. Tuy nhiên vì sự đố kỵ của những chủ nhà hàng khác nên nhà hàng của họ đã bị đập tan tành. Sau đó vì không được chính quyền địa phương xử lý theo luật pháp, nên họ đã phản ánh lên cơ quan cấp trên.
Trong thời gian khiếu nại ở Bắc Kinh, mặc dù hai người thường xuyên bị giam giữ, nhưng họ vẫn cố gắng kinh doanh nhà hàng nhỏ để kiếm sống và nhiệt tình giúp đỡ những nhóm người yếu thế khác tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi cộng đồng.
Vào ngày 4/6/2016, Hà Bân và Từ Thải Hồng đã chụp ảnh gần Quảng trường Thiên An Môn với một tay thể hiện số “6” và một tay thể hiện số “4” để tưởng niệm 25 năm ngày 4/6. Kết quả là, họ đã bị giam giữ trong nhà tù hình sự, và được thả ra một tháng trong thời gian chờ xét xử tại ngoại.
Vào mỗi “ngày nhạy cảm” của ĐCSTQ, hai vợ chồng đều sẽ bị chính quyền ĐCSTQ giám sát chặt chẽ.
Từ sự kiện Lục Tứ (4/6/1989), ĐCSTQ đã thảm sát ít nhất 10.000 sinh viên. Một làn sóng xung kích chính trị đã thức tỉnh người dân Trung Quốc, khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Sự kiện này cũng “mở mắt” cho người dân thế giới thấy được sự hung ác tàn bạo của chính quyền độc tài này, cũng làm cho kẻ thống trị chuyên chế thấy được sức mạnh của người dân.
Sự kiện Lục Tứ mặc dù thất bại ở Trung Quốc, nhưng nó đã làm dấy lên một làn sóng xung kích, hiệu ứng Domino lật đổ các nhà nước chủ nghĩa xã hội như Liên Xô giải thể, tiếp theo là các nước Đông Âu cũng lần lượt độc lập, chuyển thành nước dân chủ trong hòa bình, cả Đông và Tây Đức cũng được thống nhất trong hòa bình.
Vụ thảm sát 1989 là chưa có tiền lệ đối với Giải phóng Quân Trung Quốc (PLA) và đã giáng một đòn chí tử lên thanh danh của họ. Ngoài ra, nỗi băn khoăn về tính chính đáng của quyết định dùng xe tăng và súng máy tấn công hàng vạn người dân vô tội vẫn còn mãi.
Lương Phong (t/h)