Loạn An Sử khiến Đại Đường rối loạn, từ đỉnh cao thịnh thế trở nên suy bại. Trước cuộc biến loạn, có rất nhiều cao nhân đã để lại lời tiên tri nhưng khi việc đến Huyền Tông mới ngộ ra.
Tháng 11 năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755) vào đời vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, An Lộc Sơn cùng thuộc hạ là Sử Tư Minh khởi binh tạo phản nhà Đường, sử sách gọi là “Loạn An Sử”. Đây được xem là một trong những binh loạn lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, đã làm suy yếu gần như hoàn toàn triều đại nhà Đường hơn 200 năm phồn thịnh.
Thơ tiên tri của Lý Hà Chu
Trước khi loạn An Sử diễn ra, chúng quan lại gần xa đều rất lo lắng vì sự kiêu ngạo hung hăng của An Lộc Sơn, Đường Huyền Tông lúc này lại chưa tỉnh ngộ.
Có người học đạo tên Lý Hà Chu từng dâng chiếu để vào cung, bỗng một ngày không thấy đâu nữa, không ai biết ông ta đã đi đâu, chỉ thấy trên vách tường có ghi lại mấy bài thơ, một trong số đó là:
Yên thị nhân giai khứ,
Hàm quan mã bất quy.
Nhược phùng sơn hạ quỷ,
Hoàn thượng kế la y.
Tạm dịch:
Người nước Yên đều đi cả,
Ngựa hãm nhập quan không trở về.
Nếu gặp ma dưới chân núi,
Trên Hoàn thắt mảnh khăn.
Người đương thời không hiểu ý nghĩa của bài thơ này, mãi cho đến khi Đường Huyền Tông chạy đến Tứ Xuyên lánh nạn, người ta mới hiểu được bài thơ này ý nói: An Lộc Sơn và binh tướng U Châu, Kế Châu khởi binh phản Đường; Kha Thư Hàn bại trận ở Đồng Quan, toàn quân bị tiêu diệt, người ngựa không trở về; Huyền Tông đến đất Thục lánh nạn, ngự giá đi qua dốc Mã Ngôi, thái giám Cao Lực Sĩ dùng lụa dài ép chết Quý phi Dương Ngọc Hoàn.
Tăng Nhất Hành dùng vị thuốc Đông y “đương quy” tiên tri
Trước khi cao tăng Nhất Hành viên tịch có để lại một bản di ngôn và một chiếc túi nhỏ, sai người dâng cho vua Huyền Tông. Di ngôn có nói, ngày sau đừng lập con cháu làm tướng, quan thần ngoại bang làm tướng. Ý là tông thất nhà Đường Lý Lâm Phủ làm tướng sẽ chuyên quyền bên trong, quan lại phiên bang An Lộc Sơn sẽ dấy binh bên ngoài, đô thành sẽ bị phản quân đánh chiếm. Đáng tiếc Đường Huyền Tông không giải thích được ý nghĩa của bản di ngôn này.
Cao tăng Nhất Hành để lại cho Đường Huyền Tông một chiếc túi, bên trong là một khối đương quy của đất Thục, cũng khiến Huyền Tông nghĩ mãi mà không hiểu được. Mãi cho đến khi Đường Huyền Tông lánh nạn ở Tứ Xuyên, khi từ Tứ Xuyên trở về, mới hiểu được “đương quy đất Thục” nghĩa là gì.
Trước đó Đường Huyền Tông từng hỏi sư Nhất Hành về quốc vận Đại Đường, sư Nhất Hàng nói: “Loan dư hữu vạn lý chi hành. Xã tắc chung cát” (Tạm dịch: Xa giá đi xa ngàn dặm. Xã tắc kết thúc may mắn). Huyền Tông kinh ngạc không nói được gì. Sau đó vì loạn An Sử, Đường Huyền Tông chạy nạn đến Thục, khi ngự giá qua cầu Vạn Lý, ông đột nhiên nhớ ra lời sư Nhất Hành nói, quả thật là đi ngàn dặm. Vị hoàng đế thứ 22 của nhà Đường là Đường Chiêu Tông từng được phong là Cát Vương, như vậy câu nói của sư Nhất Hàng có ý rằng quốc vận Đại Đường đến Chiêu Tông là kết thúc, ngày sau quả nhiên ứng nghiệm.
Ninh Vương nghe “Khúc Lương Châu” biết quốc gia gặp nạn
Những năm cuối Khai Nguyên thời Đường, đô đốc phủ Tây Lương dâng tặng một khúc hát mới, Đường Huyền Tông chiêu đãi hoàng thất đến Thiên Điện cùng thưởng thức ca khúc. Sau khi khúc nhạc kết thúc, mọi người đều lần lượt khen hay, chỉ duy có anh trai của Đường Huyền Tông là Ninh Vương Lý Hiến im lặng không nói, Huyền Tông hỏi Lý Hiến có việc gì không?
Ninh Vương đáp: “Khúc hát này âm điệu tuy đẹp đẽ, nhưng thần có nghe nói, một ca khúc bắt đầu từ âm Cung, kết thúc bằng âm Thương, ở giữa do âm Giốc, Chủy, Vũ hợp thành, đầu cuối do hai âm Cung Thương kết hợp chặt chẽ. Thế nhưng ca khúc này khi bắt đầu đã rời khỏi âm Cung, còn âm Chủy và âm Thương không những hỗn loạn mà âm thanh còn thô bạo”.
Ôn nói tiếp: “Thần còn nghe nói, “Cung” đại diện cho vua, “Thương”đại diện cho thần, âm Cung không mạnh ý chỉ thế lực của vua yếu ớt, âm Thương quá mạnh ý chỉ quan thần bên dưới phản loạn. Điềm báo tuy mỏng manh, ẩn chứa bên trong âm luật, phát ra trong lời ca, thế nhưng cũng sẽ có một ngày ứng nghiệm. Thần lo rằng một ngày nào đó có loạn thần tặc tử làm phản, bệ hạ e rằng phải gặp nạn lưu lạc, lời tiên tri đều trong khúc hát này mà ra!“
Hoàng đế Huyền Tông tinh thông âm luật, nghe thấy lời giải thích của Ninh Vương, lập tức im lặng không nói. Sau khi loạn An Sứ xảy ra, khả năng nghe nhạc tiên tri của Ninh Vương cũng được chứng minh.
Thuật nhìn người chuẩn xác của Tể tướng Trương Cửu Linh
Khi An Lộc Sơ giữ chức Tiết độ sứ Phạm Dương vào cung diện thánh, tể tướng Trương Cửu Linh thấy An Lộc Sơn tính tình kiêu ngạo, nói với Bùi Quang Đình: “Sau này người gây họa U Châu chính là hắn”.
Sau đó An Lộc Sơn lên làm Bình Lư tướng quân, dẫn quân Đường chinh phạt Khiết Đan, thất bại quay về. Trương Cửu Linh tấu rằng, cần phải chiếu theo luật trị quân không nghiêm xử tử An Lộc Sơn, nhưng Đường Huyền Tông tán thưởng sự dũng mãnh của An Lộc Sơn nên vẫn miễn tội cho hắn ta.
Cửu Linh bèn khuyên hoàng đế Huyền Tông: “An Lộc Sơn bản tính hung ác, có tướng phản nghịch, nên lập tức chém chết, để tránh hậu họa”. Đường Huyền Tông vẫn không nghe theo ý kiến của Trương Cửu Linh, thả họ An quay về biên cương. Sau này khi Huyền Tông lánh nạn tại đất Thục, nhớ lại lời can gián thật lòng của Cửu Linh mà rơi lệ. Lúc này Trương Cửu Linh đã mất, Huyền Tông đặc biệt phái người đến Thiều Châu tế bái ông, và thưởng cho người nhà của ông rất trọng hậu.
Lý Thuần Phong dự báo cái chết của Dương Quý Phi
Bức tranh thứ năm của “Thôi bối đồ” có lời sấm rằng: người phụ nữ trong tranh nằm trên đất, bên cạnh có một cái yên ngựa và một bộ sách sử. Yên ngựa ám chỉ An Lộc Sơn, sách sử ý chỉ Sử Tư Minh. Người phụ nữ nằm trên đất ý nói vị Dương Quý Phi được Đường Huyền Tông sủng ái này sẽ bị ban chết. Lý Thuần Phong dùng tranh tiên đoán được hai người gây ra “Loạn An Sử” và cả kết cục vùi thây tại dốc Mã Ngôi của Dương Quý Phi.
Từ lời tiên tri của các cao nhân này, loạn An Sử dường như là một tấn bi kịch mà trời cao đã định sẵn. Nhìn ở một góc độ khác, nếu như Đường Huyền Tông tin tưởng vào những lời tiên tri này, sớm ngày hiểu thấu tiên cơ, có lẽ lịch sử sẽ phải viết lại.
Tiểu Minh, theo Epoch Times