Tinh Hoa

STT tạm khép tranh chấp nội bộ

(ĐTCK) Ngày 28/4, CTCP Vận chuyển Saigon Tourist đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2015. Một điểm đáng ghi nhận là năm nay, ĐHCĐ của STT được tổ chức đúng thời gian luật định, thay vì phải kéo dài đến cuối năm như năm ngoái.

Trong năm 2015, STT sẽ đầu tư khoảng 300 xe taxi

Năm ngoái, STT tổ chức ĐHCĐ vào tháng 10/2014 với tình trạng 4/5 thành viên HĐQT nghỉ hưu, hoặc xin từ nhiệm. Với nhiều bất ổn nội bộ và thua lỗ 2 năm liên tiếp, cổ phiếu STT đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc và thực tế, cổ phiếu này nhiều lần bị đưa vào diện kiểm soát.

Bất ổn trong nội bộ STT diễn ra từ giữa năm 2014 khi có những tranh chấp tương tư như những tranh chấp đã từng xảy ra ở không ít CTCP có vốn nhà nước trước đó. Cụ thể, cựu Chủ tịch HĐQT STT, ông Đỗ Phan Châu, đại diện vốn cho Saigon Tourist (khi đó chưa thoái vốn tại STT) sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch HĐQT và triệu tập cuộc họp HĐQT để thông qua đề xuất bán thanh lý nhiều tài sản như xe taxi, xe đào tạo, khu đất ở quận Gò Vấp, TP. HCM. Việc này đã dấy lên tranh chấp khi các cổ đông lớn lo ngại Công ty sẽ bị thất thoát tài sản.

Trong khi việc nghỉ hưu của một cán bộ đại diện vốn được thực hiện theo luật định khi đến tuổi, thì việc bãi miễn tư cách thành viên HĐQT không phụ thuộc vào tuổi nghỉ hưu, mà phụ thuộc vào quyết định của ĐHCĐ. Theo đó, nếu Chủ tịch HĐQT không từ nhiệm, cũng không triệu tập ĐHCĐ để bầu lại HĐQT, thì các cổ đông khác rất khó tổ chức ĐHCĐ để bãi miễn Chủ tịch HĐQT. Thị trường từng chứng kiến tranh chấp tương tự xảy ra ở CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) khi cổ đông lớn là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) muốn bầu lại Chủ tịch HĐQT STT sau khi cựu Chủ tịch HĐQT từ nhiệm.

Bất ổn nội bộ nêu trên của STT tạm được giải quyết với việc ông Đỗ Phan Châu từ nhiệm và Công ty tổ chức ĐHCĐ để bầu bổ sung các vị trí HĐQT còn khuyết. Sau đại hội này, STT có HĐQT mới với 2 thành viên người Việt và 2 thành viên người Nhật Bản. Ban lãnh đạo mới đã thành công khi giúp STT thoát lỗ trong quý IV/2014. Theo đó, năm 2014, STT có doanh thu 79,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,1 tỷ đồng. Trong khi ở thời điểm kết thúc quý III/2014, STT lỗ xấp xỉ 1,9 tỷ đồng và dự kiến cả năm lỗ khoảng 8 tỷ đồng.

Sở dĩ STT thoát lỗ là nhờ một khoản thu nhập khác 11 tỷ đồng đến từ việc chuyển giao lợi thế kinh doanh (quyền được sử dụng, khai thác, đầu tư kinh doanh) tại khu đất 25 Pasteur (Quận 1, TP. HCM) cho một đối tác Nhật Bản. Cổ đông của STT thở phào vì chấm dứt nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc, nhưng cổ phiếu vẫn còn nằm trong diện cảnh báo, bắt buộc Công ty phải có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính trong năm 2015.

Trước thềm ĐHCĐ 2015, một sự kiện đáng chú ý là vào ngày 20/4, sau một thời gian đăng ký bán cổ phần STT, cổ đông nhà nước do Tổng công ty Saigon Tourist làm đại diện vốn đã thoái vốn thành công, bán hết số cổ phần tương đương với 29% vốn điều lệ STT. Số cổ phần này được bán thỏa thuận cho ông Kakazu Shogo, Tổng giám đốc STT và ông Nguyễn Văn Hồng, thành viên HĐQT STT.

Tại đại hội, STT bầu lại HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020 với 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên người Nhật bản và 2 thành viên người Việt Nam. Kế hoạch kinh doanh năm 2015 được STT đề ra với chỉ tiêu doanh thu 122 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng.

Theo ông Kakazu, Tổng giám đốc STT, trong năm 2015, Công ty sẽ đầu tư khoảng 300 xe taxi. Hiện tại, STT có khoảng 80 xe, hoạt động đến năm 2017, nên Công ty sẽ thực hiện mua xe mới dựa trên phương án kết hợp giữa thanh lý xe cũ và vay vốn ngân hàng. Dự kiến, Công ty sẽ thu được 9,2 tỷ đồng từ việc thanh lý xe. Tuy nhiên, do giá bán thực tế cao hơn giá dự kiến nên STT sẽ có thu nhập cao hơn. Về chia cổ tức, năm 2014, Công ty sẽ không chia cổ tức do có lỗ lũy kế và đang phải nỗ lực bù lỗ cho các năm trước.

Hoàng Duy

Theo Đầu tư CK