Một trong những nguyên tắc thành công của Steve Jobs chính là “không có sự biện minh cho những thất bại”. Và dưới đây là một câu chuyện được trích từ cuốn sách có tên “Think Like Amazon” của tác giả John Rossman sẽ giải thích rõ hơn cho chúng ta về vấn đề này.
Steve Jobs – đồng sáng lập viên, chủ tịch của hãng Apple đã từng có một cuộc trò chuyện với các tân phó chủ tịch của mình rằng:
“Nếu rác trong văn phòng không được dọn sạch thì tôi sẽ đi hỏi người gác cổng”. Khi đó người gác cổng có thể sẽ cho ông một lý do nào đó, đại loại như: “Chà, ổ khóa trên cánh cửa đã được thay rồi, mà tôi thì không có chìa để mở”. Đó là một câu trả lời hợp lý và có thể thông cảm, bởi anh ta có quyền bày tỏ lý do cho sự sai sót của mình.
Tuy nhiên “Khi bạn là người gác cổng, bạn có quyền biện minh lý do. Nhưng sẽ đến lúc mọi lý do đều không hợp lý nữa, dù cho bạn có là CEO hay chỉ là người gác cổng.”
“Nói cách khác, khi bạn từ vị trí nhân viên trở thành một phó chủ tịch, bạn phải bỏ mọi lý do biện minh cho sự thất bại của mình. Một phó chủ tịch phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ sai lầm nào xảy ra, và cho dù bạn có lý do thích đáng thì nó cũng không còn quan trọng nữa”.
Steve Jobs từng nói: “Tất cả mọi lý do đều không là gì cả… Đừng bao giờ đổ lỗi… đừng viện lý do… và đừng bao giờ chỉ tay vào người khác.”
Quy tắc của lãnh đạo là “không biện minh”
Ví dụ bạn cần các phòng ban hoàn thành cho mình một đơn hàng, nhưng chẳng may lô hàng từ nhà cung cấp bị trễ. Đó có thể là lỗi do nhà cung cấp, nhưng thật ra nó là trách nhiệm của bạn. Lẽ ra bạn phải chắc chắn từ đầu là mọi cam kết với đối tác đã rõ ràng, và nên có kế hoạch dự phòng cho các trường hợp rủi ro có thể xảy đến.
Nhiều người thường có thói quen hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, nếu họ thành công thì không thành vấn đề nhưng khi thất bại họ sẽ tìm cách đổ trách nhiệm cho người khác, họ cho rằng tại người ta làm họ thất vọng, người ta không giúp đỡ họ, “chống đối” họ.
“Có một lần tôi ăn mặc bình dị trong chuyến bay đến tham gia một buổi biểu diễn trang trọng ở thành phố Tampa (Florida), hãng hàng không kiểm tra túi xách của tôi vào cuối chuyến bay và thông báo nó đã bị chuyển nhầm đến Las Vegas? Lẽ ra tôi đã có thể mang theo đồ dự phòng trong ba lô cá nhân hoặc tôi có thể mặc luôn một bộ quần áo đẹp hơn khi lên chuyến bay đó. Việc làm mất túi có thể là lỗi của hãng hàng không… nhưng tôi là người chịu trách nhiệm cho việc ăn mặc của mình.”
Điều đó cũng chứng minh không phải lúc nào chúng ta cũng có thể hoàn mỹ mà không có sai sót. Thậm chí có khi bạn đã chuẩn bị chu đáo cho mọi vấn đề nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra ngoài ý muốn.
Bởi vì một cá nhân nếu chỉ dựa vào sự nỗ lực của bản thân thì không thể thay đổi số mệnh, nhưng làm thế nào để thích nghi với hoàn cảnh đó thì lại là điều bản thân có thể lựa chọn.
Trong kinh thánh Ignatius có một câu trích dẫn như thế này: “Hãy cầu nguyện để Chúa ban phước lành cho mọi người; nhưng bạn phải tự quyết định cho mọi hành động của mình.”
Thật vậy, nếu bạn dùng tâm thái oán trời, trách người sẽ không giúp bạn giải quyết vấn đề gì mà còn làm cho sự việc tệ hơn, bạn sẽ không thể sáng suốt giải quyết với một tâm trạng tiêu cực, và toàn bộ trách nhiệm đó đều bị bạn đùn đẩy cho người khác. Đối mặt với kết quả bằng một tâm thái tích cực mới là cách mà bạn đang chịu trách nhiệm với nó và với chính bản thân mình.
Như Cựu Tổng thống Ấn Độ Nehru từng nói: “Cuộc sống cũng giống như chơi poker, lá bài đến tay bạn là đã được định sẵn, nhưng cách chơi nó như thế nào lại tùy thuộc vào ý chí của bạn.”
Lá bài là do ông trời phát cho chúng ta, chúng ta được chia như thế nào thì là như thế đó, không có lựa chọn nào khác, cũng không thể thay đổi; điều chúng ta có thể làm, điều chúng ta nên làm, đó chính là làm thế nào để tối ưu hóa việc kết hợp các lá bài còn lại có trong tay và nỗ lực nhất có thể để đánh thật tốt từng lá bài đó!
Thiện Thành biên dịch