Tới cuối ngày Chủ Nhật (23/12), theo thống kê cho biết, trong đợt sóng thần Indonesia số người chết do sóng thần đã lên 222 người, 843 người bị thương và 28 người mất tích…, được biết trước khi xảy ra vụ việc người dân đã không nhận được bất kỳ cảnh báo nào, và khả năng con số thương vong “có thể tiếp tục tăng”.
Thảm họa thiên nhiên mới nhất ở quốc đảo Đông Nam Á được cho là xảy ra sau một vụ phun trào và sạt lở của núi lửa Anak Krakatau – núi lửa “con” của Krakatoa.
Phát ngôn viên của cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia, ông Sutopo Purwo Nugroho cho biết hiện số người chết do sóng thần đã lên 222 người, 843 người bị thương và 28 người mất tích. Hàng ngàn cư dân đã buộc phải sơ tán lên các khu vực đất cao.
Ông Nugroho nói thêm rằng 556 ngôi nhà, 9 khách sạn và 60 quầy hàng ẩm thực và 350 chiếc thuyền đã bị sóng thần phá hủy.
Đây là trận sóng thần nhiều người chết thứ 2 ập đến với Indonesia trong năm nay.
Giới chức địa phương cho biết tới đêm Chủ Nhật, đội cứu hộ vẫn nỗ lực thực hiện công việc tìm kiếm cứu nạn, nhưng công việc này đang gặp nhiều khó khăn do đường xá ngổn ngang mảnh vỡ từ các tòa nhà, ôtô lật và cây đổ.
Reuters dẫn thông tin từ người dân địa phương cho biết sóng thần cao 2 – 3m, có những thời điểm cao tới 15 – 20m.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói trên Twitter rằng ông đã “ra lệnh cho tất cả cơ quan chính phủ liên quan lập tức tiến hành các bước phản ứng khẩn cấp, tìm kiếm nạn nhân và chăm sóc người bị thương”.
Phó Tổng thống Jusuf Kalla nói trong một cuộc họp báo hôm Chủ Nhật rằng con số thương vong “có thể tiếp tục tăng”.
Không có cảnh báo sóng thần?
Theo truyền thông địa phương, các cư dân sống ở bờ biển cho biết họ không nhìn hoặc cảm thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào vào thứ Bảy (22/12).
Giới chức Indonesia cho biết chuông cảnh báo đã bị tắt ở một số khu vực.
Theo The Guardian, giáo sư Dougal Jerram của Đại học Oslo giải thích rằng sóng thần gây ra do hoạt động của núi lửa có thể không kích hoạt cảnh báo và có thể xảy ra bất ngờ.
“Không giống như sóng thần xảy ra do động đất, những cơn sóng thần do núi lửa gây ra như vậy có thể không kích hoạt các hệ thống cảnh báo được thiết kế để báo động sau khi có các trận động đất lớn”, Guardian dẫn lời ông Jerram.
Theo Tiến sĩ Simon Boxall của Trung tâm Hải dương học Quốc gia và Đại học Southampton, trận động đất tại Palu, đảo Sulawesi hồi tháng Chín vừa qua khiến 2.000 người thiệt mạng, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cũng không hoạt động.
Trao đổi với CNN, phát ngôn viên cơ quan giảm thiểu thiên tai Indonesia, ông Nugroho nhấn mạnh: “Chúng tôi cần hệ thống cảnh báo sớm đa nguy hiểm. Chúng tôi rất cần điều đó”.
Nguyên nhân gây ra sóng thần?
Ông Nugroho nói rằng sóng thần xảy ra do “một vụ lở đất từ hậu quả của hoạt động núi lửa Anak Krakatau” và kết hợp với thủy triều dâng cao bất thường.
Theo truyền thông địa phương, núi lửa Anak Krakatau đã phun trào tro và nham thạch trong nhiều tháng qua. Núi lửa này phun trào trở lại trong ít phút vào khoảng sau 9h tối thứ Bảy (22/12) và sóng thần xảy ra vào khoảng 9h30.
Ông Ben van der Pluijm, một nhà địa chất động đất và là giáo sư tại Đại học Michigan nói với Reuters rằng một vụ sụp đổ một phần của núi lửa Anak Krakatau có thể là nguyên nhân gây ra sóng thần.
“Sự không ổn định của độ dốc của một ngọn núi lửa đang hoạt động có thể tạo ra lở đất đá làm di chuyển một khối lượng nước lớn, có thể tạo ra sóng thần cục bộ rất mạnh. Điều này giống như đột nhiên thả một túi cát vào bồn chứa đầy nước”, ông Ben van der Pluijm giải thích.
AFP dẫn lời các chuyên gia cho hay, một cơn sóng thần khác có thể tấn công Indonesia. Cảnh báo được đưa ra hôm 23.12 cho biết: “Khả năng xảy ra sóng thần ở eo biển Sunda sẽ vẫn cao khi núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn hoạt động vào thời điểm này. Do vậy, điều đó có thể gây ra lở đất dưới biển” – chuyên gia Richard Teeuw, Đại học Portsmouth, Anh nói.
Trong khi đó, chuyên gia Jacques-Marie Bardintzeff Đại học Paris-South cảnh báo “chúng ta phải cảnh giác rằng núi lửa hiện đã bị mất ổn định”. Ông cho rằng các khảo sát sonar là cần thiết để xem xét đáy biển xung quanh núi lửa. Tuy nhiên, “không may là loại khảo sát ngầm này mất rất nhiều tháng để sắp xếp và tiến hành”, ông nói.
Dù vậy, chuyên gia này trấn an rằng: “Các trận sóng thần có sức tàn phá khủng khiếp nhất do núi lửa phun trào là rất hiếm. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất (và nhiều người chết nhất 36.000 người thiệt mạng) là vụ phun trào của núi lửa Krakatoa năm 1883”.
Chúc Di (t/h)