Đã có rất nhiều câu chuyện về loài cây socratea exorrhiza có khả năng mọc rễ mới để di chuyển sang bên cạnh, tìm kiếm vùng đất tốt hơn. Thậm chí phóng viên của BBC còn nói rằng loài cây này có thể “đi bộ” 20 mét mỗi năm.
Socratea exorrhiza là loại cọ sống trong các khu rừng nhiệt đới ở các nước trung và nam châu Mỹ như Ecuador. Chúng được đặt biệt danh là “cây đi bộ” vì loài cây này sở hữu một bộ rễ đặc biệt khiến các nhà khoa học không giải thích nổi. Bộ rễ của cây phát triển mạnh mẽ một cách kì lạ, nhiều rễ đâm ra từ gốc cây cách mặt đất vài mét. Điều này khiến chúng trông như một cây chổi đứng hay một sinh vật có chân. Qua thời gian, đất bị xói mòn, rễ cũ chết đi và rễ mới mọc lên.
Người ta kể rằng “cây đi bộ” có thể di chuyển từ bóng râm ra ánh sáng mặt trời bằng cách cắm rễ mới theo hướng ánh sáng, còn các rễ già sẽ từ từ nhấc lên trên và chết.
Quá trình này có thể kéo dài vài năm, nhưng cũng có nhà cổ sinh học cho biết cây có thể “đi” được 2 hoặc 3cm mỗi ngày, hoặc 20 mét mỗi năm. Quãng đường nghe có vẻ ít nhưng thực tế là khá nhiều đối với “cuộc marathon” của một cây cọ.
Bí ẩn về loài cây này tiếp tục được dân địa phương kể lại, khiến nhiều người tò mò và một số nhà khoa học lao vào nghiên cứu.
Vào năm 2005, nhà sinh vật học Gerardo Avalos đã công bố nghiên cứu chứng minh loài cây này không thể “đi bộ”.
Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn tin về những câu chuyện của họ, và khách du lịch vẫn cảm thấy hứng thú khi nghe các hướng dẫn viên kể về những chuyến đi bộ và loại cây có thân hình kì lạ này.
Theo Afamily