Vào tối ngày 4/2 vừa qua, Trạm CSGT Mỹ Xuyên thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức kiểm tra và đo nồng độ cồn tài xế lái xe trước UBND tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên và bất ngờ đối với cả tài xế và người đi đường là lực lượng CSGT cho tài xế thổi vào “bong bóng” rồi mới đưa lượng khí thổi này vào máy để đo nồng độ cồn.
Sau khi kiểm tra các loại giấy tờ của tài xế, CSGT sẽ tiến hành đo nồng độ cồn kèm giải thích: “Hiện đang có dịch bệnh do virus corona lây truyền qua đường hô hấp cho nên chúng tôi đo nồng độ cồn thông qua việc anh thổi hơi vào bong bóng, sau đó sẽ truyền gián tiếp qua máy đo nồng độ cồn”.
Theo đó, các tài xế sẽ thổi hơi vào chiếc bong bóng được gắn 1 chiếc ống nhựa là dụng cụ y tế tiệt trùng, lượng khí thở này sau đó được lực lượng CSGT đưa vào máy kiểm tra nồng độ cồn.
Theo Đại tá Phạm Minh Khả – trưởng Phòng CSGT tỉnh Công an tỉnh Sóc Trăng, được sự chấp thuận của ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã phối hợp các cơ sở y tế trên địa bàn để triển khai thí điểm cho tài xế thổi hơi vào bong bóng để kiểm tra nồng độ cồn.
Cũng theo đại tá Khả, đây là lần đầu tiên “sáng kiến” này được Trạm CSGT Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thực hiện thí điểm.
“Bước đầu đạt kết quả khả quan. Qua lần thí điểm này, đơn vị sẽ họp để rút kinh nghiệm, đánh giá ưu, khuyết điểm của sáng kiến này, nếu nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, đơn vị sẽ áp dụng rộng rãi”, Đại tá Khả cho biết.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã có văn bản số 463-BYT/DP về việc hướng dẫn tham gia giao thông an toàn trong điều kiện có dịch do virus corona.
Theo văn bản của Bộ Y tế, việc kiểm tra nồng độ cồn phải thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị mỗi người tham gia giao thông phải sử dụng riêng 1 ống thổi (đã tiệt trùng).
Về việc kiểm tra nồng độ cồn, tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng vừa có văn bản trả lời Uỷ ban ATGT quốc gia về việc góp ý dự thảo hướng dẫn tham gia giao thông an toàn trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus Corona đang diễn biến phức tạp.
Theo tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cần thực hiện các biện pháp bảo hộ phù hợp để bảo đảm an toàn cho người thực thi công vụ, người tham gia giao thông và cho cả cộng đồng bất cứ khi nào tiến hành các hoạt động kiểm tra nồng độ cồn.
Vị đại diện WHO nhấn mạnh, lực lượng CSGT nên đeo khẩu trang y tế, và được trang bị dung dịch rửa tay khô có cồn. Ngoài ra, thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được cầm và sử dụng bởi riêng 1 CSGT trong mỗi ca làm việc (tránh lây chéo).
Tuyệt đối, chỉ sử dụng riêng 1 ống thổi mới, chưa qua sử dụng cho mỗi người được kiểm tra nồng độ cồn. Các ống thổi đã được sử dụng cần được thu gom và xử lý phù hợp
Bên cạnh đó, các lực lượng CSGT phải tiến hành sát khuẩn thiết bị trước, trong và sau ca làm việc bằng dung dịch có cồn.
Từ Nguyên (t/h)