Việc đóng cửa tạm thời trường học chỉ được tiến hành khi 2 lớp học (cùng 1 trường) trở lên có học sinh nhiễm Covid-19, ngoài ra, việc đóng cửa phải được sự thống nhất của lãnh đạo ngành giáo dục và sự chấp thuận của UBND TP.
Vào ngày hôm qua (12/2), Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh đã có công văn khẩn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do dịch Covid-19 trong trường học trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Y tế TP. HCM:
Đóng cửa tạm thời lớp học: Trong trường hợp có từ 2 học sinh trở lên nhiễm dịch Covid-19 trong vòng 7 ngày và kết quả khảo sát dịch tễ cho thấy dịch bệnh có khả năng lây lan.
Đóng cửa tạm thời trường học: Trong trường hợp có từ 2 lớp học trở lên có học sinh nhiễm dịch Covid-19 và kết quả khảo sát dịch tễ cho thấy có khả năng lây lan dịch Covid-19 giữa các lớp. Việc ‘đóng cửa tạm thời trường học’ phải dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ y tế, được sự thống nhất của lãnh đạo ngành giáo dục và sự chấp thuận của UBND thành phố.
Để phòng dịch Covid-19 , Sở Y tế đề nghị Sở GD-ĐT và Sở Lao động Thương binh xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch như sát khuẩn lớp học, mang khẩu trang.
Tại trường học, Sở Y tế TP. HCM yêu cầu thầy, cô phải chú ý quan sát học sinh, thực hiện cách ly học sinh ngay khi có dấu hiệu nhiễm bệnh và đưa đến phòng y tế của trường. ĐỒng thời, nhà trường thông báo cho phụ huynh của học sinh biết để phối hợp chăm sóc, chữa trị.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các trường tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng máy lạnh. Trường học phải có đủ cloramine B khử khuẩn hoặc các dung dịch sát khuẩn khác.
Các lớp học cần thường xuyên lau nền nhà, đồ chơi, tay nắm cửa, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Các trường thực hiện vệ sinh lớp học, khu vực sinh hoạt (nhà ăn, khu vực nghỉ trưa của lớp bán trú…) hằng ngày.
Tất cả các trường học trên địa bàn phải đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ nước sạch và xà phòng rửa tay. Cuối tuần, phải tổng vệ sinh và khử khuẩn lớp học, khu vực ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt của học sinh, đặc biệt là lau sàn, bàn ghế, tay nắm cửa và các nơi thường có bàn tay tiếp xúc, dụng cụ dạy học và đồ chơi của trẻ trong các trường mầm non, mẫu giáo, nhà giữ trẻ.
Các trường hạn chế tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nơi tập trung đông người và những nơi có ổ dịch. Đối với trường học có dịch vụ đưa rước học sinh, cần tuân thủ các hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn trên phương tiện giao thông công cộng.
Tại nhà, Sở Y tế TP HCM yêu cầu phụ huynh kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi đến trường. Nếu trẻ có biểu hiện ho, sốt,.. phải cho trẻ nghỉ học và thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế gần nhất.
Cũng trong ngày 12/2, UBND TP. HCM đã có công văn khẩn gửi Sở GD-ĐT và Sở Y tế cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh quay lại trường từ ngày 17/2.
Trước đó, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Bộ Y tế đã khuyến cáo, nếu các địa phương không có dịch hoặc dịch không phát triển thì học sinh có thể đi học lại. Do vậy, học sinh trên địa bàn TP.HCM sẽ đi học lại vào đầu tuần sau (17/2).
Trên địa bàn TP.HCM hiện tại có khoảng 2 triệu học sinh các cấp từ mầm non tới Tiểu học, THCS, THPT. Đây là địa phương có số lượng học sinh nhiều nhất trong cả nước.
Từ Nguyên (t/h)