Vụ bê bối vắc-xin kém chất lượng gây rúng động Trung Quốc hồi tuần qua đã khiến nhiều người dân đại lục mất lòng tin vào vắc-xin “made in China” và quyết định đưa con sang Hong Kong chích ngừa.
Vào tháng 4/2015, Trung Quốc đã bắt giữ 2 đối tượng chính trong vụ bê bối vắc-xin kém chất lượng là bác sĩ họ Bàng và con gái của bà ta – một người học ngành dược, nhưng cho đến tuần trước vụ việc mới được chính quyền tỉnh Sơn Đông công khai khiến dư luận Trung Quốc rất phẫn nộ. Nhiều người đặt nghi vấn vì sao thông tin được bưng bít gần một năm qua.
Khi vụ việc vỡ lở, nhiều người dân còn tố cáo mối quan hệ mật thiết giữa những “đầu nậu bán vắc-xin dạo” với các cơ sở y tế của nhà nước đã tạo nên vụ bê bối kinh khủng này.
Hai mẹ con bà Bàng đã bán 25 loại vắc-xin cho cả người lớn và trẻ em với số lượng rất lớn từ năm 2010 đến 2015. Các loại vắc-xin bà này phân phối đều do các hãng dược có giấy phép sản xuất nhưng không được bảo quản và vận chuyển đúng quy cách. Điều này đồng nghĩa với việc chúng sẽ mất tác dụng và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Một số bác sĩ và bệnh nhân đã chỉ trích, cơ quan chức năng Trung Quốc đã quá quan liêu trong quá trình giải quyết thủ tục liên quan đến việc cung cấp vắc-xin. Chính điều này đã tạo lỗ hổng để thị trường vắc-xin chợ đen ở nước này nở rộ, cụ thể là vụ bê bối kinh khủng trên gây ảnh hưởng đến mạng sống của con người.
Giáo sư y tế công của Trường đại học Bắc Kinh Chu Tử Quân nhận định, dù cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia có theo dõi sát sao các nhà sản xuất vắc-xin nhưng cơ quan này để ngỏ mảng phân phối vắc-xin nên mới tạo lỗ hổng cho con buôn chợ đen chen chân vào thao túng lĩnh vực này.
Vụ việc cũng gióng hồi chuông báo động những quy định lỏng lẻo trong dây chuyền cung cấp vắc-xin của thị trường dược phẩm lớn thứ 2 trên thế giới này.
Hôm 29/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng yêu cầu theo dõi sát “cơn địa chấn” bê bối vắc-xin tại Trung Quốc, cũng như giới chức Bắc Kinh phải xem xét lại hệ thống quản lý và phân phối vắc-xin của họ.
Chuyên gia miễn dịch của văn phòng WHO ở Trung Quốc, ông Lance Rodewald nhấn mạnh, vụ bê bối có thể khiến các bậc phụ huynh nước này mất lòng tin vào vắc-xin “made in China” và họ sẽ không dùng đến chương trình tiêm chủng miễn phí cho trẻ em mà chính quyền Bắc Kinh đang áp dụng.
Lý Linh – bà mẹ có con 2 tháng tuổi ở Thượng Hải cho biết, cô không cần hưởng chế độ ưu tiên nào từ chính quyền đại lục trong việc tiêm chủng vì đã quá sợ hãi với tiêu chuẩn an toàn của nước nhà.
Cô sẵn sàng bỏ ra 77 USD để con trai mình được chủng ngừa bằng vắc-xin nhập khẩu hoặc đưa hẳn sang Hong Kong để tiêm ngừa.
Trước thực trạng này, trung tâm Y tế bà mẹ và trẻ em của Hong Kong khẳng định, từ ngày 1/4 họ chỉ tiếp nhận tiêm chủng mỗi ngày cho 120 trẻ em không phải là công dân Hong Kong, và đương nhiên những người không phải dân bản địa phải trả phí chích ngừa cao hơn.
“Chính sách của chính quyền Hong Kong phù hợp với quyền ưu tiên của trẻ em địa phương. Chúng tôi có thể sẽ xem xét hạn ngạch hoặc từ chối các trường hợp đăng ký mới”, báo South China Morning Post dẫn lời ông Lý Phụng, trợ lý giám đốc Trung tâm Y tế dành cho gia đình và người già Hong Kong nói.
Bên Macau cũng có chính sách tương tự Hong Kong, nhưng điều đó cũng không ngăn cản các bậc phụ huynh đến từ đại lục.
Tính đến nay đã có 29 doanh nghiệp dược phẩm và 16 cơ sở y tế ở Trung Quốc dính líu đến vụ bê bối. Cảnh sát Trung Quốc cho biết, họ đã phát hiện và bắt giữ, thẩm vấn 130 nghi can liên quan đến vụ vận chuyển và phân phối lậu số vắc-xin trị giá 570 triệu nhân dân tệ (hơn 87,8 triệu USD) trên 24 tỉnh thành nước này.
Nhằm xoa dịu sự giận dữ đang cực điểm của người dân, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây đã chính thức lên tiếng sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” những đối tượng có liên quan, dù đó là quan chức nhà nước ở cấp nào.
Theo Tuổi Trẻ