Tổng số người nhiễm virus Vũ Hán toàn cầu đã vượt mốc 12 triệu vào ngày 8/7, trong đó có hơn nửa triệu người tử vong, theo một thống kê của Reuters.
Con số trên cao gấp 3 lần so với số người mắc các bệnh cúm nặng được ghi nhận hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.
Ca nhiễm đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc vào đầu tháng 1/2020, và phải mất 149 ngày để số người nhiễm chạm mốc 6 triệu. Tuy nhiên chỉ chưa đầy 1/3 thời gian đó, 39 ngày sau, số người nhiễm đã tăng lên gấp đôi – 12 triệu trường hợp.
Tính đến nay, đã có hơn 550.000 ca tử vong do virus Vũ Hán, tương đương số người tử vong do bệnh cúm hàng năm được báo cáo trên thế giới.
Mỹ hiện ghi nhận hơn 3,1 triệu người nhiễm virus, trong đó hơn 134.000 người tử vong, chiếm hơn 1/4 cả số ca nhiễm và tử vong toàn cầu. Trước đó ngày 3/7, Mỹ đã báo cáo số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục 56.818 ca khi số người nhiễm toàn cầu chạm mốc 11 triệu.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 8/7 đã dương tính với virus corona sau một thời gian hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Kể từ ngày 1/7, nước này đã báo cáo từ 20.000 đến 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Brazil hiện có hơn 1,7 triệu người nhiễm và gần 68.000 trường hợp tử vong vì virus corona.
Thống kê của Reuters dựa trên các báo cáo của chính phủ, cho thấy dịch bệnh này đang lây lan nhanh nhất ở Mỹ Latinh. Châu Mỹ hiện chiếm hơn một nửa số ca bệnh và gần một nửa số ca tử vong trên thế giới. Riêng Mỹ và Brazil chiếm khoảng 45% số ca nhiễm mới kể từ đầu tháng 7.
Ấn Độ – quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao thứ 3 thế giới – cũng đang vật vã chống lại dịch bệnh với hơn 20.000 trường hợp mới mỗi ngày.
Ở các quốc gia có năng lực xét nghiệm hạn chế, số ca nhiễm chỉ phản ánh một phần tỷ lệ nhiễm bệnh. Các chuyên gia cảnh báo số liệu công bố chính thức có thể thấp hơn nhiều so với số người nhiễm và tử vong thực tế.
Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi virus đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa, trong khi các quốc gia khác như Trung Quốc và Australia đang thực hiện một đợt đóng cửa khác để ứng phó với sự tái bùng phát của virus. Các chuyên gia cho biết sự thay đổi trong công việc và đời sống xã hội có thể kéo dài cho đến khi có vắc-xin.
Thùy Linh (Theo Reuters)