Trước dịp kỷ niệm ngày Nhân quyền Quốc tế (ngày 10/12), quan chức Trung Quốc đã không cho phép các luật sư nhân quyền và người nhà của họ rời khỏi nhà riêng, nhằm ngăn chặn các cá nhân này tham gia vào các hoạt động liên quan đến vấn đề nhân quyền.
Quản thúc tại gia
Sau khi kết thúc bản án hai năm tù giam, từ ngày 28/2/2019 đến nay, luật sư Giang Thiên Dũng đã bị quản thúc tại nhà của cha mẹ ông ở thị trấn Tín Dương, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc.
Năm 2017, luật sư Giang bị kết tội có hành vi “kích động nhằm lật đổ chính quyền nhà nước”. Đây là một cáo buộc chung mà chính quyền Trung Quốc thường sử dụng để xử lý những cá nhân bất đồng chính kiến.
Ngày 9/12, vợ của luật sư Giang đã đăng tải trên Twitter: “Hôm nay là ngày thứ 650 luật sư nhân quyền Giang Thiên Dũng bị ĐCSTQ quản thúc tại gia một cách bất hợp pháp”.
Trong khi đó, Lý Văn Tố vợ của luật sư Vương Toàn Chương đã đăng tải một video trên Twitter, cùng với dòng trạng thái kể lại cảnh tượng cảnh sát đến trước cửa gia đình cô. Ông Vương đã được đoàn tụ với gia đình sau khi chấp hành xong bản án 4.5 năm tù giam vào tháng 4/2020.
Bà Lý viết trên Twitter: “Vào 6 giờ sáng, tiếng chuông reo lên. Tôi liền ra mở cửa và thấy một nhóm người đang đứng chặn trước mặt. Họ nói rằng chúng tôi không được phép rời khỏi nhà”.
Sau đó bà chia sẻ rằng, các quan chức cảnh sát mặc thường phục đứng chặn ngoài cửa nhà cô không cho phép cha cô, hiện đang sống cùng hai vợ chồng đến bệnh viện khám tim định kỳ.
Một trường hợp khác là Vương Giao Linh – vợ của luật sư Lý Hồ Bình, cũng đăng tải trên Twitter vào ngày 10/12, kể rằng chồng cô đã phải trèo lên mái nhà để quát lớn lực lượng cảnh sát mặc thường phục đứng chặn bên ngoài nhà của họ. Lực lượng cảnh sát này không cho phép con gái của cặp vợ chồng đến trường.
Từ Ngạn, vợ của luật sư Dư Văn Sanh cũng đăng tải trên Twitter kể rằng, cô cũng đang bị kẹt trong nhà sau khi hai nhân viên mặc thường phục đến chặn trước cửa, và không cho phép các thành viên rời đi. Đầu năm nay, luật sư Dư cũng đã bị kết án tù giam.
Bà từ nghĩ rằng, sự hiện diện của lực lượng cảnh sát là để đảm bảo cô không thể tham gia vào bất cứ hoạt động nhân quyền nào được tổ chức bởi đại sứ quán Mỹ, hoặc đại sứ quán các quốc gia châu Âu tại Trung Quốc.
Vấn ngại xoay quanh luật sư Cao Trí Thịnh
Cũng trong ngày 10/12, nhóm Luật sư Nhân quyền Pháp Luân Công đã gửi lời thăm hỏi đến Cao Trí Thịnh, Giang Thiên Dũng, Vương Toàn Chương và toàn bộ các luật sư nhân quyền khác của Trung Quốc đã đứng lên bảo vệ các học viên Pháp Luân Công tại quốc gia.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện thiền định. Kể từ năm 1999, môn thực hành đã bị chính quyền Trung Quốc vu khống, đàn áp, khiến hàng triệu học viên bị bắt vì kiên định sống theo Chân-Thiện-Nhẫn, từ chối tiếp thu chủ nghĩa vô Thần của ĐCSTQ, không từ bỏ Pháp Luân Công.
Nhóm Luật sư Nhân quyền Pháp Luân Công chuyên bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các học viên phải đối mặt với cáo buộc vu khống của chính quyền Trung Quốc. Nhóm đã yêu cầu cung cấp thông tin về luật sư Cao, tính đến nay ông đã mất tích hơn 1.200 ngày kể từ tháng 8/2017.
Cao Trí Thịnh là một người tín ngưỡng Thiên chúa giáo. Ông tự học hỏi và theo đuổi con đường trở thành luật sư nhân quyền. Ông đã đứng lên đấu tranh bảo vệ nhiều tổ chức, băng nhóm yếu thế bị chính quyền Trung Quốc bức hại.
Trong năm 2004 và 2005, luật sư Cao đã công bố ba bức thư ngỏ gửi đến cơ quan lập pháp Trung Quốc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, và chủ tịch nước Trung Quốc lúc bấy giờ – ông Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo, kêu gọi chính quyền cần ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Vì đấu tranh cho các học viên Pháp Luân Công, năm 2005, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa công ty luật của luật sư Cao ở Bắc Kinh, và tước giấy phép luật sư của ông vào năm 2006. Đồng thời liên tục sách nhiễu vị luật sư cùng gia đình của ông bằng cách giám sát, quấy rối và giam giữ họ.
Trong suốt thập kỷ qua, luật sư Cao đã nhiều lần phải vào tù. Tại đây, ông thường xuyên bị tra tấn. Tháng 8/2017, một lần nữa luật sư Cao lại biến mất. Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, vị luật sư đang bị chính quyền giam giữ và kiểm soát.
Cao Trí Thịnh đã 3 lần được đề cử giải Nobel Hòa bình, và đã nhận được ít nhất 8 giải thưởng về nhân quyền.
Theresa Chu – luật sư và người phát ngôn của Nhóm Luật sư Nhân quyền Pháp Luân Công, đã bày tỏ sự đánh giá cao của nhóm đối với Cao Trí Thịnh và các luật sư nhân quyền khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, Chu cho biết: “Trong những thời khắc đen tối nhất của nền pháp quyền Trung Quốc, các bạn [những luật sư] đã bỏ ra tinh thần, sức khỏe và công sức của mình để bênh vực những học viên [Pháp Luân Công] nhân ái, và giúp Trung Quốc trở nên nhân đạo hơn. Chúng tôi tin rằng tinh thần của các bạn sẽ được ghi nhớ mãi trong lịch sử nhân quyền tại Trung Quốc”.
Thông điệp của Đại sứ quán Hoa Kỳ
Ngày 10/12, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã đăng trên tài khoản Weibo chính thức – một nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc rằng: Họ sẽ tổ chức một buổi thảo luận trên Facebook, bàn về tầm quan trọng của tự do ngôn luận vào 8 giờ tối ngày 10/12, theo giờ Bắc Kinh.
Đại sứ quán Hoa Kỳ được hưởng quyền tự do ngôn luận tương đối nhiều hơn so với công dân Trung Quốc. Chính quyền không cho phép tiến hành các cuộc biểu tình, hoặc công khai thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến.
Facebook hiện cũng đang bị kiểm duyệt tại Trung Quốc Đại lục, nên hiện vẫn chưa thể xác định sẽ có bao nhiêu người Trung Quốc được phép tham dự buổi thảo luận trên.
Việt Anh