Lãnh đạo sinh viên và quan chức chính phủ Hồng Kông đã tiến hành đàm phán nhưng không đi đến thống nhất vào Thứ Ba (21/10) khi đặc khu trưởng thân Bắc Kinh của thành phố tái khẳng định không thỏa hiệp với yêu cầu từ phía các nhà hoạt động trong cuộc biểu tình trên đường phố kéo dài sang tuần thứ tư.
Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh phát biểu trước các phóng viên, chính phủ sẽ không cho phép những ứng viên đề cử công khai được tham gia vào cuộc bầu cử năm 2017 như yêu cầu của hàng ngàn người biểu tình đang chiếm các tuyến đường chính trong thành phố.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm vẫn có cơ hội thảo luận về cách thức thành lập ủy ban đề cử gồm 1.200 thành viên chủ chốt. Những thay đổi này có thể được bàn bạc trong vòng tham vấn thứ hai diễn ra trong vài tháng tới.
Ngay sau khi ông Lương Chấn Anh phát biểu với AP và 3 hãng tin khác, những quan chức hàng đầu của chính phủ Hồng Kông bắt đầu cuộc đàm phán với các lãnh đạo sinh viên vốn rất được mong đợi và phát trên truyền hình.
Mở đầu cuộc nói chuyện, lãnh đạo sinh viên Alex Chow nói, quyết định hồi Tháng Tám của cơ quan lập pháp Trung Quốc đã bác bỏ cái được gọi là bầu cử dân chủ và việc chọn lọc ứng viên bầu cử có mục đích “làm suy yếu” Hồng Kông.
Chow và 4 thủ lĩnh sinh viên khác mặc áo thun đen với dòng chữ “Freedom Now!” (tạm dịch: Vì tự do) đối mặt với 5 quan chức cấp cao trong bộ comp-lê đen của chính phủ.
“Chúng tôi không muốn nhượng bộ”, với vai trò là Tổng Thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông – một trong 3 tổ chức lãnh đạo các cuộc biểu tình, Chow nói.
Chow cũng phản đối quan điểm ông Lương Chấn Anh đưa ra hôm Thứ Hai (20/10) khi nói “Hồng Kông không cần thêm dân chủ bởi người nghèo sẽ có quá nhiều tiếng nói trong việc thiết lập các chính sách ở trung tâm tài chính châu Á”.
Lời nói của ông Lương với New York Times, Wall Street Journal và Financial Times đã làm rõ thêm mối lo canh cánh của người biểu tình do bất mãn về bất bình đẳng gia tăng ở thành phố từng là thuộc địa cũ của Anh này.
“Một ủy ban đề cử bất bình đẳng không có lợi cho khoảng cách giàu nghèo tại Hồng Kông. Nếu cứ tiếp tục phục vụ cho các tập đoàn kinh doanh hùng mạnh thì chẳng phải ủy ban này sẽ tiếp tục tước đi quyền tham chính của 1 triệu người đang sống trong khó khăn?”, Chow bức xúc.
Các quan chức chính phủ vẫn khẳng định, hiến pháp thu gọn của Hồng Kông không thể sửa đổi để phù hợp với nguyện vọng của người biểu tình, viện thêm lý do, có nhiều cư dân Hồng Kông không đồng quan điểm với nhóm biểu tình.
“Chúng tôi hy vọng các bạn hiểu rằng có rất nhiều người không ở Mong Kok, cũng không ở Admiralty. Có rất nhiều người ở nhà và không đòi hỏi bầu cử dân chủ”, Bộ trưởng Tư pháp Rimsky Yuen phát biểu.
Tổng thư ký Carrie Lam, quan chức số 2 của chính phủ đã nhiều lần phê phán, các sinh viên “duy tâm” thay vì nên “thực dụng”.
Cả hai bên bên đều tỏ ra không sẵn sàng thỏa hiệp. Bà Lam hy vọng cuộc đối thoại được tiếp tục mặc dù các sinh viên không chắc chắn điều này là cần thiết.
Hàng ngàn người chăm chú theo dõi buổi nói chuyện trên màn hình khổng lồ tại khu vực biểu tình chính ở Admiralty, trên đường cao tốc bên cạnh trụ sở chính quyền thành phố. Họ ủng hộ khi các lãnh đạo sinh viên chỉ trích cái cố chấp của chính phủ và la ó phản đối khi bà Lam khen ngợi sự kiềm chế của lực lượng cảnh sát.
Người biểu tình đồng loạt lên tiếng bày tỏ sự thất vọng khi màn hình chuyển sang màu đen, thể hiện cuộc đàm phán kết thúc.
“Chính phủ đã không làm bất kỳ điều gì. Nhưng đó chỉ là khởi đầu, là cuộc đàm phán đầu tiên. Mọi người cần tìm cách để chấm dứt tình trạng hiện nay”, Alex Chan, một chuyên viên công nghệ 40 tuổi nói.
Ông Lương cho biết, một trở ngại trong việc giải quyết xung đột là sự thiếu đồng thuận giữa những người biểu tình về điều kiện để chấm dứt sự chiếm giữ đường phố. Chính phủ sẽ xem xét một số thay đổi như dùng lá phiếu tập thể thay cho cá nhân trong ủy ban đề cử theo đề nghị của cựu Tổng thư ký Anson Chan.
Ủy ban đề cử có thể sẽ tương tự như một ban hội thẩm đã bầu chọn Lương Chấn Anh làm lãnh đạo Hồng Kông năm 2012. Các ủy viên được lựa chọn từ các tổ chức doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn và giới chính trị.
Ông Lương cho biết sẽ tùy theo tình hình trên đường phố để ‘quét sạch’ nhóm biểu tình. “Đó là một vấn đề mà chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn và chấm dứt các vụ xung đột đang diễn ra. Mọi người đều đang dần thiếu kiên nhẫn”.
Ông Lương từ chối trả lời một số câu hỏi về vai trò của chính quyền trung ương Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng mà chỉ cho biết, “Chúng tôi không có bất kỳ chỉ thị nào từ phía Bắc Kinh về thời điểm cũng như cách thức xử lý các vấn đề trên đường phố”.
Thiên Hà, Hồ Duyên – Theo Yahoo News