Vương Thiên An cô sinh viên trường trường luật đã lên tiếng kêu gọi trả tự cho cho cha là nhà hoạt động dân chủ Vương Bỉnh Chương bị cầm tù vì phát động phong trào dân chủ của người Trung Quốc ở hải ngoại.
Vương Thiên An đã không thật sự hiểu được người cha của mình. Nỗ lực không ngừng nghỉ của ông nhằm thúc đầy nền dân chủ ở Trung Quốc, đã khiến ông phải đi khắp thế giới. Và mức độ hoạt động chính trị cũng đẩy ông vào một tình cảnh đối lập với gia đình.
Vào năm 2002, khi cô mới 13 tuổi, cha cô là Tiến sĩ Vương Bỉnh Chương bị bắt cóc ở Việt Nam và trao trả cho phía cảnh sát Trung Quốc, để rồi phải hầu tòa. Ông bị tuyên án chung thân và chịu cảnh biệt giam kể từ đó.
Đối với nhiều người, Tiến sĩ Vương là một vị anh hùng, một người đàn ông dám từ bỏ sự nghiệp y học đầy hứa hẹn để theo đuổi ước mơ “muốn đất nước mình trở nên tốt đẹp hơn”. Ông đã thành lập phong trào dân chủ Trung Quốc ở hải ngoại, và đi vòng quanh thế giới để theo đuổi giấc mơ đó.
Mối duyên nợ của ông với đất nước Canada khá sâu đậm. Ông Vương nhận bằng tiến sĩ từ trường Đại học McGill, nơi con gái của ông hiện đang theo học năm thứ nhất trường luật, việc lựa chọn nghề nghiệp được lấy cảm hứng từ cha cô. Tiến sỹ Vương đã để lại phía sau cả một gia đình, bao gồm Thiên An và hai cậu con trai.
Thiên An chia sẻ, cô đã không thật sự hiểu được cha mình khi cô còn nhỏ, lý tưởng của ông đã chia cắt hai cha con cô. Và giờ đây, sau 12 năm, cô đã hiểu rõ hơn về cha.
“Cha tôi ngày càng trở nên hiện hữu hơn trong cuộc sống của tôi”, cô chia sẻ về cảm xúc và ý nghĩ đối với người cha.
Thiên An không phải là người duy nhất đang nỗ lực giải cứu Tiến Sỹ Vương. Chú của cô là ông Vương Bính Ngọ đã thỉnh cầu hơn một tuần trước tòa nhà quốc hội. Và năm ngoái, ông cũng đã dành nhiều ngày đứng trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa để kêu gọi phóng thích cho em trai.
“Đó hẳn là một sự tra tấn không thể tưởng tượmg khi em tôi bị biệt giam trong 12 năm qua. Em tôi đã bị đột quỵ ba lần. Lần đầu tiên đã suýt mất mạng… Tôi không muốn nhìn thấy em tôi chết trong tù”, ông Vương Bính Ngọ xúc động nói.
Bản cáo trạng ngụy tạo
Vào hôm Thứ Tư (5/11), Nghị sĩ từ tất cả các Đảng phái liên bang của Canada đã tham gia cùng với Thiên An tại tòa nhà Quốc hội nhằm kêu gọi trả tự do cho Tiến sĩ Vương.
Nghị sĩ Đảng Tự Do là ông Irwin Cotler nói rằng, việc giam giữ ông Vương là một hành động vi phạm các điều ước quốc tế về đảm bảo nhân quyền đã được ký kết bởi cả Canada lẫn Trung Quốc.
“Ông đã bị kết án bí mật … không được phép lên tiếng, không được phép kháng cáo cho bất kỳ tội danh nào chống lại mình, và tất cả bằng chứng đều là ngụy tạo”, ông Cotler phát biểu trong một cuộc họp báo.
Nghĩ sĩ Đảng Dân Chủ Mới là ông Wayne Marston nhận định, đã có sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh, và với vị thế của chủ tịch đương nhiệm là ông Tập Cận Bình, đây chính là thời điểm tốt để Thủ tướng Stephen Harper thúc giục việc trả tự do cho ông Vương trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới.
“Có thể hy vọng cho một số thay đổi ở đây. Với quan điểm của tôi và Đảng Dân Chủ Mới, đây sẽ là thời điểm để thủ tướng của chúng ta mang vấn đề nhân quyền lên bàn thảo luận. Việc quan trọng là Canada tiếp tục giữ vị thế đi đầu trong lĩnh vực nhân quyền quốc tế”, ông Marston cho biết.
Vụ án của ông Vương đã được các Nghị sĩ nêu ra trong nhiều năm, bao gồm cựu Nghị sĩ và Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương là David Kilgour, một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, theo nhận xét của ông Cotler.
Ông Kilgour nói rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa sẽ mang đến những cải tổ sâu sắc ở Trung Quốc, và đây là lúc để chứng minh điều đó.
“Việc phóng thích Tiến sĩ Vương sẽ khiến cả người Trung Quốc lẫn thế giới thấy rằng ông Tập thật sự có ý định thực hiện lời hứa của mình”, Ông Kilgour cho hay.
Nghị sĩ Đảng bảo thủ là ông Scott Reid cũng dành sự ủng hộ giống với lãnh Đảng Xanh là bà Elizabeth May khi tuyên bố, Canada phải nhấn mạnh vào việc đảm bảo để ông Vương được tại ngoại và trở về Canada.
Kiên định với mục tiêu
Thiên An vẫn luôn cẩn thận không phê phán chính quyền Trung Quốc, với hy vọng điều này sẽ giúp thúc đẩy việc trả tự do cho cha cô. Cho tới nay, hành động này dường như không giúp ích gì, có lẽ do tầm ảnh hưởng của người cha.
“Ông là người phát động phong trào dân chủ cho người Trung Quốc ở hải ngoại và cống hiến cả cuộc đời để đẩy mạnh tính pháp trị, sự tự do và nhân quyền ở Trung Quốc”, cô chia sẻ.
Ông bị kết án với tội danh gián điệp và khủng bố vốn là tội danh ngụy tạo để chính thức hóa bản án của ông.
“Trong một đất nước không hề có hệ thống pháp quyền thật sự, gia đình tôi không có phương cách hợp pháp nào để kháng cáo mặc dù đã thu thập đủ bằng chứng miễn tội đối với những tội danh lớn hơn chống lại ông”, Thiên An tiết lộ.
Lời bào chữa thay mặt cha của cô đã khiến chính quyền Trung Quốc từ chối cấp thị thực cho cô. Thiên An đã không được gặp mặt cha mình trong suốt 5 năm nay. Dù vậy, điều đó vẫn không làm giảm ý chí của cô.
“Mặc dù vụ án kéo dài khá lâu, nhưng vào lúc này, tôi cảm thấy kiên quyết hơn vì tôi hiểu hơn về tình hình hiện nay”, Thiên An nói.
Nhưng thời gian và nỗ lực cũng đã tạo thành một gánh nặng đối với cô. “Tôi chỉ hơi mệt mỏi, trên phương diện cảm xúc, thể chất và thậm chí cả về mặt tài chính nữa. Nhưng mặt khác, tôi cảm thấy rất kiên định với mục tiêu của mình”, Thiên An nói thêm.
Cô muốn chính phủ Canada can thiệp một cách quyết liệt hơn và thủ tướng Harper nên sử dụng tất cả các cơ hội ngoại giao để giúp cha cô được phóng thích.
Các cuộc đối thoại ngoại giao cao cấp là hy vọng lớn nhất của cô để phóng thích cha mình. Thiên An muốn tất cả các nghị sĩ kêu gọi thủ tướng Harper thực hiện điều này.
“Đây chính là những giá trị được Canada và các nền dân chủ khác tán thành, và điều này đã truyền cảm hứng cho cha tôi. Nếu chúng ta không thể hướng tới chính phủ và lãnh đạo của đất nước này để kêu gọi trợ giúp cha tôi được tại ngoại thì chúng tôi còn biết tìm ai đây?”, Thiên An thổ lộ.
Theo Đại Kỷ Nguyên