Tinh Hoa

Sinh viên Thượng Hải biểu tình, ĐCSTQ lo sợ ‘sự kiện lục tứ’ tái diễn?

Mới đây một video trên mạng cho thấy các sinh viên của một trường đại học ở Thượng Hải đứng ra biểu tình, kháng nghị. Vì cuộc biểu tình này có điểm tương đồng với ‘sự kiện lục tứ’ (4/6/1989), nên có thông tin cho rằng ĐCSTQ lo sợ và ra lệnh thẳng tay đàn áp.

Do ĐCSTQ liên tục leo thang cách phòng chống dịch và đàn áp toàn diện tiếng nói người dân, ngoài việc những nhân viên phòng chống dịch đụng độ với dân chúng ở các tiểu khu, thì mới đây có nhiều thông tin cho thấy sinh viên của một trường đại học ở Thượng Hải cũng rất bất mãn trước cách chống dịch cực đoan của chính quyền.

Video cuộc biểu tình bị đàn áp ở đại học Phúc Đán

Vài ngày trước, có nhiều video quay lại cuộc biểu tình của các sinh viên tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải lan truyền rộng rãi trên mạng, sau đó cảnh sát đã bắn hơi cay vào sinh viên để đàn áp biểu tình. Mặc dù thông tin này vẫn chưa được xác thực, phía Đại học Phúc Đán đã lên tiếng bác bỏ thông tin, nói rằng những tuyên bố này là vô cớ, nhiễu loạn công cuộc chống dịch của chính quyền, và họ đã báo cáo vụ việc cho các ban ngành liên quan.

Tuy nhiên, một sinh viên theo diện trao đổi đến từ Đại học Phúc Đán cho biết: “Hiện này cách để thông tin được lưu truyền là từ ảnh chụp màn hình hay từ các vòng bạn bè trên WeChat. Thông tin càng bị chính quyền bác bỏ và cải chính thì đa phần là có thật.” 

Video sinh viên theo diện trao đổi đến từ Đại học Phúc Đán lên tiếng xác nhận vụ việc

Có điểm tương đồng với ‘sự kiện lục tứ’ nên ĐCSTQ muốn thẳng tay đàn áp

Được biết thời điểm bắt đầu của sự kiện lục tứ (4/6/1989) là việc các sinh viên đại học để tang Hồ Diệu Bang vào giữa tháng 4 năm đó, trùng với thời điểm xảy ra vụ biểu tình tại Đại học Phúc Đán. Vì vậy có thông tin cho rằng, các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đã coi cuộc biểu tình ở Phúc Đán là “phong trào sinh viên lớn nhất sau sự kiện ngày 4/6” và ra lệnh điều tra, xử lý nghiêm khắc.

Hiện tại, khi thông tin về cuộc biểu tình trong khuôn viên trường vẫn chưa lắng xuống, thì ngày 22/4, có thông tin cho rằng Trương Duy Vi – giáo sư Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, được mệnh danh là “Giáo viên quốc dân”, đã bị một giáo viên trẻ khác đánh trong khuôn viên trường, việc này cũng điều động cảnh sát đến. Mặc dù sự việc vẫn chưa được xác nhận nhưng vì Trương Duy Vi luôn nổi tiếng là người ủng hộ sự lớn mạnh của Trung Quốc, nên những tin tức liên quan nhanh chóng trở thành chủ đề nóng. Từ khóa “Trương Duy Vi bị đánh” đã thu hút sự chú ý của hơn 2,6 triệu người.

Tuy nhiên, tính đến 0h ngày 24/4, số lượt đọc về các chủ đề liên quan đã giảm mạnh xuống còn 464.000 lượt, điều này không khỏi khiến cư dân mạng thấy kỳ lạ mà đặt câu hỏi, sau đó từ khóa ‘Trương Duy Vi bị đánh’ không còn xuất hiện trên mục tìm kiếm nóng! 

Đứng trước nguy cơ khủng hoảng ngoại giao

Do sự hỗn loạn của việc phong tỏa và kiểm soát nghiêm ngặt ở Thượng Hải, cuộc sống người dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi Hoa Kỳ sơ tán nhân viên lãnh sự quán tại Thượng Hải, gần đây có thông tin rằng Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thượng Hải – Hide Akamatsu, đã viết một lá thư cho chính quyền Thượng Hải, bày tỏ mối quan ngại của các công ty Nhật Bản và người nước ngoài ở Thượng Hải về các biện pháp phong tỏa.

Ngoài ra, lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thượng Hải cũng đã gửi một bức thư đến Đại học Phúc Đán, trong đó đề cập đến việc gia hạn khóa học khiến nhiều sinh viên Hàn Quốc vô cùng hoảng loạn và bất lực, phụ huynh của các em ở Hàn Quốc cũng rất lo lắng. Các sinh viên quốc tế lần lượt tìm đến lãnh sự quán giúp đỡ, bày tỏ mong muốn được quay trở lại Hàn Quốc, vì vậy hy vọng trường Đại học Phúc Đán sẽ “phê chuẩn đơn xin về nước của các sinh viên đủ điều kiện càng sớm càng tốt”, đồng thời phối hợp với lãnh sự quán để giúp sinh viên “chuẩn bị báo cáo xét nghiệm axit nucleic trong 48 giờ và các tài liệu cần thiết khác cho việc xuất ngoại.”

Điều này cũng khiến các biện pháp phong tỏa của Thượng Hải không những không ngăn chặn được dịch bệnh một cách hiệu quả mà còn chuyển thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao.


Tử Vi (Theo Secret China)