Siêu thị Tesco, tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Anh vừa thông báo ngưng bán tất cả thiệp Giáng sinh do một công ty Trung Quốc sản xuất. Thông báo được đưa ra sau khi một bé gái phát hiện trong một tấm thiệp có lời cầu cứu của những người nước ngoài đang bị cưỡng bức lao động ở Thượng Hải.
Trong một thông cáo phát đi vào ngày 22/12, siêu thị Tesco tuyên bố: “Chúng tôi ghê tởm việc sử dụng lao động tù nhân và sẽ không bao giờ cho phép hành vi đó xảy ra trong chuỗi cung ứng của chúng tôi”.
Phát ngôn viên của Tesco cho biết thêm siêu thị này đang tiến hành một cuộc điều tra nội bộ nhưng trước mắt sẽ ngừng bán tất cả thiệp Giáng sinh được sản xuất tại Trung Quốc.
“Nếu tìm thấy bằng chứng cho thấy họ đã sử dụng lao động tù nhân, Tesco cam kết sẽ ngừng hợp tác ngay lập tức”, siêu thị của Anh cam kết.
Lời cầu cứu trong tấm thiệp Giáng sinh
Theo tờ Sunday Times, vụ việc trên bắt đầu khi cô bé Florence Widdicombe, 6 tuổi sống ở phía nam London, tình cờ phát hiện lời cầu cứu trong một tấm thiệp Giáng sinh mua tại siêu thị Tesco.
Trong tấm thiệp ghi: “Chúng tôi là tù nhân nước ngoài tại nhà tù Thanh Phố, Thượng Hải, Trung Quốc. Họ cưỡng bức chúng tôi lao động. Xin hãy giúp chúng tôi, xin hãy thông báo đến các tổ chức nhân quyền và liên hệ với ông Peter Humphrey”.
Ông Humphrey được nhắc đến trong tấm thiệp là một nhà báo người Anh từng bị chính quyền Trung Quốc bắt giam cùng vợ vào năm 2014. Khi đó, ông đang điều tra một công ty dược phẩm tại nước này. Cả 2 bị trục xuất vào tháng 6/2015 sau 9 tháng thụ án tù. Ông Humphrey cho biết, hai vợ chồng ông đã bị ép lên sóng truyền hình Trung Quốc nhận tội mới được tự do.
Cha của cô bé Widdicombe sau đó đã liên lạc với cựu nhà báo Humphrey.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Sunday Times, ông Humphrey cho biết ông không rõ danh tính hay quốc tịch của các tù nhân viết thông điệp cầu cứu, nhưng ông chắc chắn họ là tù nhân ở nhà tù Thanh Phố. Những người này từng biết ông trước khi ông được thả tự do.
Theo đài Sky News, những tấm thiệp được bán trong siêu thị Tesco năm nay do nhà máy in Chiết Giang Yunguang cung cấp. Nhà xưởng của công ty này cách nhà tù Thanh Phố ở Thượng Hải khoảng 100km. Reuters cho hay họ đã gọi điện và gửi email cho công ty trên nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Bức thư cầu cứu từ trại lao động Mã Tam Gia
Được biết, đây không phải lần đầu tiên tù nhân trong các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc tìm cách lồng ‘thông điệp cầu cứu’ vào các sản phẩm họ làm ra để tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài.
Năm 2012, một bức thư chấn động thế giới cũng được tìm thấy giấu trong hộp trang trí Halloween sản xuất tại trại lao động Mã Tam Gia, Trung Quốc.
Đó là một ngày trước Halloween năm 2012, cô Julie Keith sống tại Hoa Kỳ khi đang mở bộ đồ trang trí Halloween thì phát hiện một bức thư. Đó là bức thư cầu cứu từ một người đàn ông đang trong trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
Trong thư viết: “Thưa ngài: Nếu quý ngài tình cờ mua sản phẩm này, làm ơn hãy chuyển bức thư này tới Tổ chức Nhân quyền Thế giới. Hàng nghìn người ở đây đang chịu sự đàn áp của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ vĩnh viễn nhớ ơn ngài. Sản phẩm này được sản xuất tại Sở 2 Đại đội 8, Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, thuộc Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Người làm ở đây phải lao động 15 giờ mỗi ngày, không được nghỉ cuối tuần, nếu không sẽ bị đánh và chửi, họ hầu như không có tiền công (chỉ nhận 10 Nhân dân tệ/tháng [khoảng 33.000 VND]). Người làm ở đây trung bình bị phạt 1-3 năm tù, nhưng không có phán quyết của tòa án, bị bắt giam và cưỡng bức lao động một cách phi pháp. Rất nhiều người trong số họ là học viên Pháp Luân Công, những người hoàn toàn vô tội, nhưng chỉ vì có tín ngưỡng khác với quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà họ thường phải chịu nhiều cực hình hơn những người khác“.
Sau khi đọc bức thư, cô Julie Keith đã rất chấn động. Cô cảm nhận được sự tuyệt vọng cùng dũng khí của người viết lá thư này. Phải rất dũng cảm mới dám viết lá thư đó và đặt vào hộp đồ trang trí. Vì nếu bị phát hiện, hậu quả khó mà tưởng tượng được.
Phóng viên của CNN sau đó đã tìm được danh tính của người viết bức thư cầu cứu tại Mã Tam Gia. Theo lời kể của ông Tôn Nghị, vì để phơi bày tội ác của trại lao động này, năm 2008, ông đã nhét 20 bức thư cầu cứu vào các sản phẩm sản xuất cho mùa Giáng sinh. Cuối cùng, 4 năm sau cũng có người nhận được nó.
Trước đó vào năm 2000, Tổ chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng công bố một báo cáo cho biết, tháng 10/1999 có hơn 1.500 người tu luyện Pháp Luân Công bị giam giữ tại trại lao động Mã Tam Gia.
Đến năm 2013, một năm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc đã chính thức bị bãi bỏ. Tuy nhiên, năm 2015, một ủy ban của Hoa Kỳ cho biết họ vẫn nghi ngờ Trung Quốc đang tiếp tục bắt tù nhân lương tâm lao động cưỡng bức.
Thùy Linh (t/h)