Drone vẫn là một loại thiết bị hay đồ chơi công nghệ cao chỉ dành cho số ít người dùng. Việc quản lý loại thiết bị đặc biệt này là cần thiết nhưng phải hợp tình, hợp lý và hợp thời.
Drone (lthiết bị bay không người lái) được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây. Ảnh: P.A Vài năm trở lại đây, drone được gắn thêm camera để ghi hình từ trên cao (flycam) đang “hot” trên thế giới và xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Trong những năm 1990, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi tới hơn 3 tỉ USD cho các chương trình nghiên cứu phát triển drone. Sau chiến tranh Afghanistan, quân đội Mỹ có một đạo quân drone với hơn 8.000 chiếc trên trời và hơn 12.000 chiếc nằm sẵn dưới đất. Gần đây, drone có nhiều chủng loại được thương mại hóa với giá ngày càng rẻ và phổ cập hơn thành thú chơi của những người yêu công nghệ, mê bay bổng. Lợi nhiều, hại cũng không ít Trên thế giới, drone được sử dụng cho nhiều mục đích ngoài chuyện an ninh, quốc phòng. Chẳng hạn, giới quay phim, chụp hình như được chắp thêm đôi cánh để thỏa sức thực hiện những cảnh quay, những góc chụp từ trên cao rất tiện dụng, chi phí thấp mà trước đó họ phải tốn bộn tiền thuê trực thăng hay máy bay hỗ trợ. Hồi tháng 5-2015, kênh truyền hình Mỹ ABC News đã dùng những chiếc drone để quay từ trên cao khung cảnh của hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). Những cảnh đẹp ngất ngây này đã được ê-kíp ABC News truyền thẳng về Mỹ để phát trong chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” được trực tiếp từ hang động xứng tầm kỳ quan thế giới này. Thú chơi drone ngày càng phổ biến ở Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU Việc ứng dụng drone trong cuộc sống ngày càng nhiều. Điển hình là dự án Amazon Prime Air được hệ thống bán lẻ trực tuyến Amazon và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới chính thức công bố hồi tháng 12/2013. Theo đó, Amazon sẽ phát triển một đội quân drone hùng hậu vận chuyển hàng hóa tới tận nhà khách hàng chỉ trong 30 phút sau khi đặt hàng. Những con drone Miniature UAV của Amazon sẽ khắc phục được tình trạng kẹt xe hay khách hàng ở những khu vực khó tiếp cận bằng đường bộ. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm lo ngại khi drone được sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn ở Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang FAA lo drone sẽ chiếm dụng bầu trời, ảnh hưởng tới hoạt động hàng không truyền thống và gây nguy hiểm cho cộng đồng. Gần đây có nhiều báo cáo của các hãng hàng không than phiền về việc máy bay hành khách khi hạ, cất cánh suýt va chạm với những chiếc drone. Đó là lý do mà FAA ngâm dự án Amazon Prime Air tới tháng 3/2015 mới cho phép Amazon được bắt đầu thử nghiệm những mẫu drone vận chuyển hàng hóa trong tầm cao không hơn 122 m, không bay nhanh hơn 161 km/giờ và trong tầm quan sát bằng mắt của người điều khiển. Với những tính năng của mình, drone có thể bị lợi dụng để xâm phạm cuộc sống riêng tư, ghi hình lén lút người khác dù họ ở trong phòng của cao ốc. Quản lý cũng phải hợp tình, hợp lý Ở Mỹ có những người chuyên đi săn hạ drone. Thậm chí, có hãng đã chế ra thiết bị có thể phát hiện drone từ xa và có cả những loại súng ngắn cải tiến để chuyên bắn hạ drone. Theo định nghĩa của FAA, drone là một loại máy bay dân dụng. Vì thế, chiếu theo luật, bắn hạ một máy bay dân dụng bị coi là trọng tội cấp liên bang với mức án tới 20 năm tù. Nhưng thiếu gì cách để lách luật. Trên trang online ngày 6/8/2015, tạp chí Popular Mechanics đã bày cho bạn đọc những chiêu thức để hạ gục chiếc drone mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Rõ ràng, drone là một thiết bị công nghệ cao được sử dụng có điều kiện. Ở Mỹ, drone được nhà chức trách quản lý chặt chẽ nhưng không phải trên thiết bị mà là việc sử dụng. Luật pháp Mỹ chưa cho phép sử dụng drone trong các hoạt động thương mại, chỉ mới cho phép một số doanh nghiệp có đăng ký được sử dụng trong quay, chụp ảnh trên cao để làm phim, thực hiện quảng cáo. Còn chuyện chơi drone như một thú vui thì cho thoải mái, miễn là tuân thủ các quy định, không phạm pháp hay bị người khác thưa kiện. Anh Lê Bình, một người mê drone, cho biết: “Hiện trên thị trường có nhiều loại thiết bị bay điều khiển từ xa, từ đồ chơi trẻ em giá vài trăm ngàn đến nhiều triệu đồng. Vì thế, phải có quy định rõ loại nào phải chịu quản lý. Cái cần nhất là quản lý tần số vô tuyến của drone để tránh gây nhiễu tần số. Ngoài ra, cũng chỉ nên cấm bay drone ở những khu vực đặc biệt. Những chiếc drone do các hãng nghiêm túc sản xuất thường nạp sẵn bản đồ bay dựa trên Google Maps, trên đó có sẵn những khu vực cấm bay ở từng địa phương. Drone sẽ không thể nào khởi động được nếu ở trong vùng cấm bay. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, vùng cấm bay trên Google Maps rất rộng. Tuy nhiên, những chiếc drone do người ta “độ” (mua linh kiện về lắp ráp) không có các tính năng an toàn“. Bất luận thế nào, drone vẫn là một loại thiết bị hay đồ chơi công nghệ cao chỉ dành cho số ít người dùng nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ cho cả cộng đồng. Việc quản lý loại thiết bị đặc biệt này là cần thiết nhưng phải hợp tình, hợp lý và hợp thời. Người dùng phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm các luật lệ. Theo báo Người Lao Động |
Theo VnReview