4 người lính khiêng một thanh niên bị thương ra khỏi nhà tù trong màn đêm. Các bác sĩ mặc áo trắng trên một chiếc xe tải quân sự chờ sẵn gần đó rồi bắt tay vào công việc: một người dùng dao mổ để mở toàn bộ khoang bụng, trong khi những người khác nhanh chóng lấy ra 2 quả thận và cho vào một thùng chứa. Sau khi khoét hai nhãn cầu ra, họ ném tử thi vào một chiếc túi đựng thi thể màu đen.
Cảnh tượng rùng rợn đó xảy ra ở thành phố cảng Đại Liên (Dalian) phía Bắc khoảng 30 năm về trước. Đó là một “mệnh lệnh quân sự bí mật” mà ông George Trương (hóa danh) nhận được khi còn là thực tập sinh tại một bệnh viện quân đội ở thành phố này vào thời điểm đó.
“Khi tôi cắt [tĩnh mạch và động mạch], máu lập tức phun ra. Máu phun ra từ khắp nơi trên tay và cơ thể anh ấy. Dòng máu đang chảy này, chứng minh chắc chắn rằng người đàn ông này còn sống,” ông Trương kể lại trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với The Epoch Times ở Toronto, Canada, sử dụng hóa danh để bảo vệ danh tính của mình.
Ông Trương cho biết ông không biết mệnh lệnh mà họ nói là gì trước khi được yêu cầu lưu giữ thi thể đó. Cảnh tượng kinh hoàng này đã cho ông một cái nhìn sơ lược về hệ thống thu hoạch nội tạng sống rộng lớn mà Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dàn dựng, có sự tham gia của cả quân đội và các bệnh viện trực thuộc. Ông Trương cho biết ông đã rời bệnh viện này ngay sau đó.
Lời kể của ông Trương phù hợp với những người khác đã từng tham gia hoặc chứng kiến hoạt động mờ ám của chính quyền này trong việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân còn sống — trong đó có những người bị giam giữ chỉ vì niềm tin tâm linh của họ — và sử dụng nguồn nội tạng đó để cung cấp cho ngành cấy ghép của đất nước này.
Vụ việc mà ông Trương mô tả đã xảy ra vào những năm 1990. Theo rất nhiều nghiên cứu và bằng chứng đã xuất hiện trong thập niên rưỡi qua, kể từ đó, hoạt động hắc ám này đã được công nghiệp hóa đến mức đáng kinh ngạc. Thông lệ này xảy ra theo sau cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ từ năm 1999, vốn dẫn đến sự gia tăng theo cấp số nhân của dân số bị giam cầm tại đất nước, những người này trên thực tế đã trở thành một ngân hàng nội tạng người sống lớn.
Vào năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể” và rằng việc sát nhân để cung cấp cho ngành cấy ghép tạng vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Toà án cho biết các nạn nhân chính là các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.
‘Tội ác phản nhân loại’
Tội ác kinh hoàng này lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2006 khi một bác sĩ quân y Trung Quốc, một ký giả, và một người cung cấp thông tin khác đã liên lạc với The Epoch Times. Trong số đó có một phụ nữ sử dụng hóa danh là Annie, một cựu nhân viên tại một bệnh viện ở miền Bắc Trung Quốc. Bà tiết lộ chồng cũ của bà, một bác sĩ giải phẫu thần kinh ở cùng bệnh viện, đã tham gia cưỡng bách lấy giác mạc của khoảng 2.000 học viên Pháp Luân Công bị cầm tù từ năm 2001 đến năm 2003. Tất cả họ đều vẫn còn thở vào thời điểm bị thu hoạch giác mạc.
“Hệ thống y tế của chính quyền đã tổ chức toàn bộ kế hoạch cũng như việc buôn bán nội tạng này. Các bác sĩ chỉ có trách nhiệm đơn giản là làm những gì họ được bảo phải làm”, bà Annie nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2006 với The Epoch Times.
Lời kể của bà đã dẫn đến cuộc điều tra chung của ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada, và ông David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada. Khi không nhận được phản hồi về yêu cầu đến thăm Trung Quốc của họ, 2 ông David đã điều tra các bệnh viện Trung Quốc bằng cách xem xét và nghiên cứu các trang web của họ, các bài báo trên các hãng thông tấn, và các cuộc điện thoại bí mật với các bác sĩ ở 15 tỉnh. Vào tháng 07/2006, họ đã công bố ấn bản đầu tiên của báo cáo có nhan đề “Thu hoạch Đẫm máu” (Bloody Harvest), kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã thực sự xảy ra.
“Đây là những tội ác phản nhân loại. Đây là những tội ác chống lại tất cả chúng ta”, cả hai ông đã viết trong phiên bản cập nhật của cuốn sách. Với bằng chứng mới, một báo cáo cập nhật đã được phát hành vào năm 2007.
Trong khi đó, ông Ethan Gutmann, một nhà phân tích kỳ cựu về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, lúc đầu tỏ ra hoài nghi về các cáo buộc này, đã bắt đầu mở cuộc điều tra của riêng mình về vấn đề này. Sau 7 năm nghiên cứu, ông Gutmann đã đưa ra một kết luận tương tự trong cuốn sách năm 2014 của mình có nhan đề “Đại Thảm Sát” (The Slaughter.)
“Giới lãnh đạo đã biết rõ việc này và hoạt động này được nhà nước hậu thuẫn — cuối cùng thì nhà nước đã cho phép tội ác này xảy ra và khuyến khích tội ác đó xảy ra”, ông Gutmann đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 với The Epoch Times.
Hệ thống theo yêu cầu
Một sự bùng nổ đột ngột và bí ẩn trong ngành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc bắt đầu vào đầu những năm 2000. Mặc dù thiếu một hệ thống hiến tặng nội tạng chính thức, nhưng tỷ lệ ghép tạng vẫn tăng vọt; hàng trăm trung tâm cấy ghép quốc gia mới đã được mở; và vô số các trang web cung cấp thời gian chờ đợi ngắn chỉ trong vài tuần cho ca cấy ghép một cơ quan nội tạng quan trọng — điều chưa từng xảy ra ở các quốc gia vốn dựa vào hệ thống hiến tặng tự nguyện.
Thời gian chờ cực ngắn
Thời gian chờ đợi ngắn hơn đã thu hút bệnh nhân từ khắp nơi trên thế giới đến Trung Quốc để tiến hành các cuộc phẫu thuật có thể cứu sống họ. Trong số đó có ông Mordechai Shtiglits. Vào tháng 11/2005, ông bắt đầu hành trình đến Thượng Hải sau một năm rưỡi ở Trung tâm Y khoa Sheba ở Israel để chờ đợi được nhận một trái tim mới.
Các bác sĩ Trung Quốc chỉ mất vài ngày để tìm được một trái tim phù hợp. Một tuần sau khi đến Thượng Hải, ông Shtiglits được thông báo rằng ông có thể nhận được trái tim mới vào ngày hôm sau, theo một bài báo điều tra năm 2013 trên tờ Die Zeit của Đức.
Một bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc cho rằng trái tim này đến từ một “người hiến tặng” 22 tuổi, người này đã tử vong trong một vụ tai nạn giao thông. Nhưng bài báo cho biết tình huống như vậy là “rất khó xảy ra”. Bài báo cho biết, mặc dù mỗi năm ở Trung Quốc có hơn 60.000 người tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ, nhưng các bác sĩ Trung Quốc không thể biết trước liệu có ai sẽ tử vong trong một vụ tai nạn hay không. Hơn nữa, quốc gia này không có hệ thống phân phối nội tạng nhanh chóng vào thời điểm đó.
Tiến sĩ Jacob Lavee đã điều trị cho ông Shtiglits trong nhiều năm. Ông mô tả trải nghiệm của bệnh nhân của mình khi lần đầu tiên ông biết đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. Ông Lavee kể lại cảnh bệnh nhân vốn đang mắc bệnh nặng này thông báo rằng ông ấy sẽ được phẫu thuật ghép tim ở Trung Quốc sau 2 tuần nữa.
“Tôi nhìn ông ấy và hỏi: Ông có lắng nghe chính mình không? Làm sao họ có thể lên lịch cấy ghép tim trước thời hạn 2 tuần?” Ông Lavee đã nói như vậy trong bộ phim tài liệu “Sự Thật Khó Tin” (Hard to Believe) năm 2015.
Ông Lavee từng biết chuyện các bệnh nhân Israel đến Trung Quốc để ghép thận. Ông nghĩ rằng quả thận đó được mua từ những dân làng nghèo khó. Bản thân điều đó đã là một việc phi đạo đức, nhưng việc này hoàn toàn khác với việc hiến tim — người ta có thể sống sót sau khi cắt bỏ một quả thận, nhưng nếu cắt bỏ trái tim thì sẽ kết liễu mạng sống của người đó.
Nhưng bệnh nhân người Israel này không phải là trường hợp cá biệt. Các trang web của Trung Quốc đã công khai quảng cáo thời gian chờ ghép tạng cực ngắn, thường chỉ trong vòng vài tuần. Ví dụ, các nhà điều tra nhấn mạnh Bệnh viện Trường Chinh (Changzheng) có trụ sở tại Thượng Hải cho biết trên trang web của mình, “thời gian chờ đợi trung bình để được cung cấp một lá gan là 1 tuần đối với tất cả các bệnh nhân.”
Nguồn cung cấp nội tạng dồi dào
Bên cạnh thời gian chờ đợi ngắn, các trang web của bệnh viện Trung Quốc thậm chí còn hứa hẹn công khai rằng nếu ca cấy ghép nội tạng ban đầu thất bại, họ có thể tiếp tục tìm nội tạng phù hợp cho đến khi thành công.
Theo cuốn sách Thu hoạch Đẫm máu, trang web của Trung tâm Hỗ trợ Cấy ghép Quốc tế Trung Quốc cho biết: “Có thể chỉ mất 1 tuần để tìm ra người hiến [thận] phù hợp, thời gian tối đa là 1 tháng … Nếu nội tạng của người hiến tặng xảy ra vấn đề gì, bệnh nhân sẽ có quyền lựa chọn đề nghị một người hiến tạng khác và được phẫu thuật lại sau 1 tuần.”
Các nhà điều tra sau đó đã xác nhận rằng một số bệnh nhân thực sự nhận được nhiều nội tạng, một số người nhận được nội tạng thứ 3 hoặc thứ 4. Ví dụ, một người đàn ông từ Châu Á đã đến Thượng Hải 2 lần trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2004. Lần đầu tiên, một bác sĩ Trung Quốc mang đến cho ông ấy 4 bộ thận trong vòng 2 tuần, nhưng không bộ nào trong số đó tương thích. Vài tháng sau, khi trở lại Trung Quốc, ông ấy được cho xem thêm 4 bộ thận khác, và đến bộ thứ 8 mới phù hợp với ông.
“Khi chúng ta nhìn thấy ông ấy, thì ông ấy đang khỏe mạnh. Nhưng 8 người khác đã phải mất mạng“, ông Kilgour nói trong bộ phim tài liệu “Nạn Diệt chủng trong Y khoa” (Medical Genocide), đề cập đến bệnh nhân này.
Bùng nổ nhanh chóng
Trung Quốc hiện có ngành công nghiệp cấy ghép lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ. Năm 2007, nước này có hơn 700 trung tâm cấy ghép trong một hệ thống ghép tạng ngày càng bành trướng, với hơn 160 trung tâm quốc gia đã ghi danh và được chính quyền phê chuẩn, theo dữ liệu do các nhà điều tra thu thập. Nhưng trước năm 1999, Trung Quốc chỉ có 150 cơ sở cấy ghép.
Theo một báo cáo năm 2016 do ông Matas, ông Kilgour, và ông Gutmann đồng tác giả, dựa trên phân tích về cơ sở hạ tầng và năng lực tại các bệnh viện cấy ghép, các nhà điều tra ước tính chế độ này thực hiện khoảng 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép mỗi năm. Con số ước tính này vượt xa con số 10.000 ca cấy ghép được thực hiện mỗi năm mà ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), Thứ trưởng Bộ Y tế khi đó, đã cho biết.
Một số lượng đầu ra khổng lồ như vậy từ ngành công nghiệp cấy ghép của đất nước này cho thấy [họ có] một kho nội tạng lớn. Tuy nhiên, mãi đến năm 2015, Trung Quốc mới có hệ thống phân phối và hiến tạng chính thức.
Ca ghép tạng đầu tiên ở Trung Quốc đã diễn ra vào những năm 1970. Trong khi đó, người dân Trung Quốc miễn cưỡng hiến tặng nội tạng của họ, vì theo quan niệm truyền thống của nước này thì người dân xem cơ thể là một món quà mà cha mẹ ban tặng, do đó họ không cho ai động đến, và phải để nguyên vẹn cơ thể ấy sau khi qua đời. Truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố, đến năm 2003, số ca hiến tạng của đất nước này vẫn ở mức 0.
Năm 2005, lần đầu tiên các quan chức cao cấp của Trung Quốc thừa nhận rằng, hầu hết nguồn nội tạng dành để cấy ghép đều đến từ các tử tù. Tuyên bố đó đã đánh dấu một bước ngoặt đối với nhà cầm quyền nước này, vốn đã phủ nhận việc thu mua nội tạng từ các tù nhân trong những năm đó. Đây là một thông lệ bị các tổ chức nhân quyền lên án và bị các quốc gia bên ngoài Trung Quốc cấm do các tử tù không có khả năng đưa ra sự đồng ý một cách tự do.
Tuy nhiên, số lượng tử tù bị hành quyết không thể giải thích cho số ca ghép tạng đang được tiến hành ở nước này.
Năm 2015, trong bối cảnh quốc tế ngày càng gia tăng giám sát đối với hành vi lạm dụng cấy ghép, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ không còn sử dụng nguồn nội tạng từ các tử tù để cấy ghép nữa, mà chỉ dựa vào một hệ thống hiến tặng tự nguyện.
Một lần nữa, tuyên bố chính thức này đã không làm hài lòng các nhà điều tra, những người cho rằng hệ thống hiến tặng nội tạng non trẻ này không thể là nguồn chính cho số ca cấy ghép đáng kinh ngạc đang xảy ra.
Các nhà nghiên cứu thậm chí đã đặt câu hỏi về tính xác thực của các số liệu hiến tạng chính thức của Trung Quốc. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Y Đức BMC (BMC Medical Ethics) cho thấy dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hiến tạng chính thức khớp “gần như chính xác với một công thức toán học”. Chẳng hạn, vào năm 2016, dữ liệu được thu thập từ Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc, tổ chức không có liên kết với Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế, đã cho thấy có trung bình 21.3 cơ quan nội tạng thu được trên một người hiến tặng trong khoảng thời gian 10 ngày, điều mà các tác giả mô tả là “một kỳ tích rõ ràng là không thể.”
Sát hại học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng
Một tòa án độc lập và các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng nguồn cung cấp chính thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành ghép tạng ở Trung Quốc chính là các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.
Thật trùng hợp khi ngành thu hoạch nội tạng này lại bùng nổ vào đúng thời điểm chế độ này leo thang chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công trên quy mô toàn quốc. Đây là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn, cùng với một bộ công pháp tĩnh tại.
Kể từ khi được hồng truyền ở Trung Quốc vào năm 1992, môn tu luyện này đã trở nên phổ biến, và vào cuối thập niên đó, người ta ước tính rằng có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học môn pháp này.
Xem sự phổ biến rộng rãi này là mối đe dọa đối với quyền cai trị và thao khống của Đảng, năm 1999, lãnh đạo Trung Quốc khi đó là ông Giang Trạch Dân đã chủ mưu khởi xướng một chiến dịch bạo lực nhằm “xóa sổ” nhóm tu luyện tâm linh này.
Các học viên của môn tu luyện này trên khắp đất nước đã tìm đủ mọi cách để thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp. Vì điều này mà họ đã bị đánh đập, bị bắt, và bị tống vào các trại lao động, trung tâm giam giữ, và cái gọi là cơ sở cải tạo, nơi họ bị tra tấn. Để bảo vệ thân nhân và bằng hữu, nhiều người từ chối tiết lộ danh tính của mình cho công an. Một số người đã mất tích kể từ đó.
Bà Chen Ying, một phụ nữ đến từ một thành phố cảng nằm ở phía Đông tỉnh Sơn Đông, hiện đang sống ở Pháp, là một trong số những người đã bị giam giữ mòn mỏi trong các trung tâm giam giữ của Trung Quốc. Bà Chen đã bị bắt 3 lần từ năm 2000 đến năm 2001 vì bà đã từ chối từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Mỗi lần bà bị tra tấn, bà đều kể hết với các nhân viên điều tra, nhưng điều mà bà không thể hiểu được vào thời điểm đó là các đợt kiểm tra thể chất.
Bà Chen nói với các nhà điều tra: “Cuối tháng 09/2000, vì tôi không chịu cho họ biết danh tính nên tôi bị công an gọi ra và đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe toàn diện: tim, máu, mắt, v.v. Tôi phải mang xiềng xích trên chân và tôi bị còng vào khung cửa sổ. Công an đã chích những chất lạ vào người tôi. Sau khi những mũi chích đó, tim tôi đập nhanh bất thường. Mỗi lần như thế đều để lại cho tôi ấn tượng là tim mình sắp nổ tung.”
Tương tự bà Chen, nhiều học viên báo cáo rằng họ buộc phải trải qua các cuộc kiểm tra thể chất, đặc biệt là xét nghiệm máu — một điều kiện tiên quyết để cấy ghép nội tạng. Những người khác đã trốn khỏi Trung Quốc sau khi bị giam giữ, kể cả người Duy Ngô Nhĩ, họ cũng nói về việc bị kiểm tra huyết áp và các xét nghiệm y tế khác, trong một phiên xét xử của tòa án nhân dân độc lập ở London vào năm 2019.
Tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành của nhóm vận động Các Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, cũng đã đặt câu hỏi tại phiên tòa này:“Tại sao các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ lại phải kiểm tra thể chất, (cụ thể là chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu) đồng thời bị tẩy não, lao động khổ sai, tra tấn, hoặc tra tấn đến tử vong?”
Trong vô số các bằng chứng khác, các bác sĩ và y tá đã thừa nhận việc sử dụng nội tạng của các học viên Pháp Luân Công trong các cuộc điện thoại được các nhà điều tra bí mật ghi âm, những người đóng giả là bệnh nhân tiềm năng cần (cấy ghép) nội tạng.
Chỉ thị của ông Giang
Hơn nữa, các cuộc gọi do Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ thực hiện, cho thấy rằng thông lệ khủng khiếp này là do chính các cấp lãnh đạo cao nhất của chính quyền Trung Quốc ra lệnh, chứ không phải là trường hợp phạm tội được thực hiện bởi một số bệnh viện không được kiểm soát và bác sĩ phẫu thuật phi đạo đức.
Trong một trường hợp, một quan chức quân đội cao cấp của Trung Quốc đã nói rõ rằng chỉ thị đó chính là của ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Quốc.
“Vào thời điểm đó, chính là Chủ tịch Giang. Thật ra đã có một chỉ thị để bắt đầu việc này, đó là cấy ghép nội tạng”, ông Bạch Thư Trung, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế thuộc Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân cho biết.
Ông Bạc Hy Lai, một quan chức cao cấp bị thất sủng, là nhân vật chủ chốt trong phe cánh chính trị trung thành với ông Giang, cũng đã xác nhận tính xác thực của chỉ thị này trong một cuộc gọi điện khác.
Khi ông Bạc đến thăm Hamburg vào tháng 09/2006, một điều tra viên đóng giả là quan chức của đại sứ quán Trung Quốc tại Đức đã nói chuyện qua điện thoại với ông Bạc. Khi được hỏi liệu chỉ thị thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công là của ông ấy hay của ông Giang, ông Bạc trả lời: “Là của Chủ tịch Giang.”
Các nhà điều tra phát hiện ra rằng, tương tự các quan chức và sĩ quan quân đội cao cấp khác trong phe ông Giang, ông Bạc cũng như cánh tay phải của ông ấy là ông Vương Lập Quân, đã đóng một vai trò trong hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Vào đầu những năm 2000, ông Bạc từng là người đứng đầu tỉnh Liêu Ninh, một tỉnh phía Đông Bắc, nơi có trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng. Dưới sự giám sát của ông Bạc, Mã Tam Gia nổi lên như một trong những trại cải tạo tử thần đối với các học viên Pháp Luân Công, người ta gọi đó là “hang ổ hắc ám của tà ác”. Tỉnh Liêu Ninh cũng là khu vực đầu tiên có những người tố giác cáo buộc rằng nạn thu hoạch nội tạng sống đã diễn ra.
Vào thời điểm đó, ông Vương là Giám đốc Sở Công an thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh. Năm 2009, một công an làm việc dưới quyền của ông Vương, nói với các nhà điều tra rằng ông Vương đã ra lệnh cho họ “phải tiêu diệt toàn bộ” các học viên Pháp Luân Công.
Vị công an này kể lại việc 2 chuyên gia quân y đã tiến hành một ca phẫu thuật cưỡng bức mổ lấy nội tạng vào tháng 04/2002 trong một phòng phẫu thuật tại một bệnh viện quân sự ở Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh.
Người này cho biết rằng một bệnh nhân nữ đồng thời là một học viên Pháp Luân Công ở độ tuổi 30, vẫn còn sống vào thời điểm lấy nội tạng, mặc dù người ta có thể nhìn thấy “vô số vết thương” trên cơ thể cô sau khi chịu đựng một đợt tra tấn kéo dài một tuần. Vị công an này được trang bị vũ khí canh gác tại địa điểm đó, nơi anh chứng kiến toàn bộ hoạt động.
Anh kể lại: “Họ dùng dao khía vào ngực của cô ấy … Cô ấy hét lớn ‘A’, nói rằng ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo.’”
“Cô ấy nói, ‘Các người đã sát hại tôi, sát hại một con người.’”
Anh ấy nói rằng trái tim và 2 quả thận của cô ấy đã bị cắt ra, và họ không sử dụng loại thuốc gây mê nào. Người phụ nữ này qua đời trong đau đớn.
Ông Vương tiết lộ trong một lễ trao giải năm 2006 rằng văn phòng an ninh của ông cũng điều hành một phòng thí nghiệm liên kết nơi thực hiện các vụ hành quyết, thu hoạch nội tạng, cấy ghép nội tạng, và các thí nghiệm liên quan. Giải thưởng này do Quỹ Khoa học và Công nghệ Quang Hoa, một tổ chức từ thiện dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đoàn Thanh niên ĐCSTQ, trao cho ông vì nghiên cứu tiên phong của nhóm ông về cấy ghép nội tạng thực tế.
Ông Vương nói trong bài diễn văn nhận giải thưởng của mình: “Là một công an kỳ cựu mà nói, chứng kiến ai đó bị hành quyết và chứng kiến nội tạng của người này được cấy ghép vào cơ thể của nhiều người khác, điều đó vô cùng xúc động. Đây là một nỗ lực tuyệt vời bao gồm rất nhiều công sức của nhiều người.”
Phản ứng của quốc tế
Trong khi chính quyền tiếp tục che đậy hoạt động kinh doanh ghép tạng trị giá hàng tỷ USD của mình, thì ngày càng có nhiều chuyên gia y tế và nhà lập pháp ở phương Tây bắt đầu lên tiếng.
Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, các tổ chức y tế, và các nhóm vận động nhân quyền đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào. Vào năm 2021, hàng chục chuyên gia nhân quyền liên kết với tổ chức toàn cầu này đã bày tỏ sự bàng hoàng và thất vọng trước những gì họ cho là những cáo buộc đáng tin cậy về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Các quốc gia gồm Israel, Đài Loan, Ý, và Tây Ban Nha đã cấm du lịch cấy ghép nội tạng đến Trung Quốc. Vương quốc Anh cũng thay đổi luật đạo đức sinh học của mình để ngăn chặn các bệnh nhân người Anh vốn đang chờ nội tạng không được sang Trung Quốc để cấy ghép.
Đầu năm nay, Hiệp hội Cấy ghép Tim và Phổi Quốc tế đã cấm nghiên cứu từ Trung Quốc, với lý do lo ngại về các hoạt động cấy ghép của nước này.
Đối với Tiến sĩ Trey, giám đốc điều hành của Tổ chức Các Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, một nhóm vận động có trụ sở tại Washington, vẫn còn nhiều việc phải làm để chấm dứt hoạt động này.
Tiến sĩ Trey nói với The Epoch Times: “Đã đến lúc xã hội quốc tế phải thực hiện các biện pháp quan trọng, có ý nghĩa để chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.”
“Bây giờ là lúc để giúp người dân Trung Quốc chấm dứt thông lệ man rợ này. Nếu người ta không thể áp đặt những thay đổi đối với chính quyền Trung Quốc, thì ít nhất các quốc hội phương Tây có thể tổ chức các phiên điều trần, thông qua nghị quyết hoặc thông qua luật mà hoàn toàn không vướng bận gì.”
Theo The Epoch Times