Tàu thăm dò Curiosity của NASA sẽ không phải khoan quá sâu để tìm bằng chứng của sự sống trên sao Hỏa khi nó đáp xuống hành tinh đỏ vào tháng 8 tới.
Chỉ cần khoan vài cm dưới bề mặt sao Hỏa là có thể phát hiện các phân tử hợp chất hữu cơ – dấu hiệu cho thấy sự sống có thể tồn tại trên hành tinh đỏ. Đây là nhận định của nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Alexander Pavlov thuộc Trung tâm bay không gian Goddard của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA).
Các nhà khoa học cho rằng những hợp chất hữu cơ có thể tồn tại dưới bề mặt ở các hố mới hình thành trên sao Hỏa do ảnh hưởng sau các vụ va chạm với thiên thạch. Các hợp chất hữa cơ này, được tạo từ 10 hoặc nhiều nguyên tử carbon, có thể giúp tạo ra những thành phần cơ bản của sự sống như axít amin và protein. Điều này đồng nghĩa sự sống trên sao Hỏa có thể sẽ được phát hiện vào tháng 8 tới khi tàu thăm dò Curiosity hạ cánh xuống hành tinh đỏ. Sứ mệnh của tàu thăm dò Curiosity là khoan sâu xuống bề mặt khoảng 10cm để tìm kiếm các hợp chất thích hợp cho sự sống phát triển. “Thử thách hiện tại là các tàu thăm dò sao Hỏa trước đây chưa tìm thấy bất cứ vật chất hữu cơ nào trên hành tinh đỏ”, tiến sĩ Alexander Pavlov cho biết trên Daily Mail. “Chúng ta biết các phân tử hữu cơ tồn tại trên sao Hỏa, nhưng lại không thể tìm thấy chúng trong những lớp đất đá trên bề mặt.” Không giống các tàu thăm dò trước đây, tàu thăm dò Curiosity mang theo các thiết bị để khoan lấy mẫu đất đá dưới và trên bề mặt của sao Hỏa và chuyển lên phòng phân tích và kiểm tra ngay trong thân của tàu thăm dò này. Kết quả phân tích sẽ cho biết điều kiện trên sao Hỏa có thích hợp để vi khuẩn sinh sống hay không và tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống trên hành tinh đỏ trong quá khứ. Dự kiến tàu thăm dò Curiosity sẽ đáp xuống khu vực gần chân núi nằm trong hố lớn Gale có niên đại cách đây 3,5 tỷ năm, vào ngày 6/8 tới. Các lớp địa chất của ngọn núi này được cho là chứa các khoáng chất hình thành trong nước. Hà Hương
|
Theo VietnamNet