Tinh Hoa

Samsung: Từ anh bán cá trở thành gã khổng lồ công nghệ

Samsung hiện là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, tuy nhiên khi thành lập hãng này hoạt động trên một lĩnh vực chẳng liên quan gì tới công nghệ.

Trong khuôn khổ bài viết này, mời độc giả cùng nhìn lại hành trình từ một công ty nhỏ trở thành một đế chế công nghệ của Samsung.

Buôn bán hải sản

Samsung, theo tiếng Hàn Quốc có nghĩa là ba ngôi sao, được thành lập vào năm 1938 bởi ông Byung-Chull Lee dưới tên gọi Samsung Sanghoe. Ban đầu, trụ sở của hãng được đặt tại Daegu (Hàn Quốc) và xuất khẩu cá khô, rau và hoa quả tại địa phương sang Mãn Châu và Bắc Kinh.

Ông Lee bắt đầu khởi nghiệp với số vốn 30.000 won, tương đương 25 USD (theo tỷ giá hiện tại). Samsung nhanh chóng mở rộng hoạt động, chỉ trong một thập kỷ, hãng này đã có nhà máy, hệ thống bán lẻ và những cỗ máy nghiền bột và máy sản xuất bánh kẹo của riêng mình. Năm 1951, ông Lee thành lập Samsung Moolsan (nay là Samsung Corporation).

Mở rộng kinh doanh

Vài thập kỷ sau, nhiều công ty con khác được thành lập trong đó có Samsung Fire & Marine Insurance, Samsung Life Insurance và Samsung Everland. Đáng chú ý nhất là vào năm 1969, Samsung-Sanyo Electronics (tiền thân của Samsung Electronics ngày nay) được thành lập.

Sản phẩm đầu tiên của Samsung-Sanyo Electronics là một chiếc TV đen trắng, tên mã P-3202, được sản xuất vào năm 1970. Một vài năm sau, mẫu TV này được bán tại Hàn Quốc.

Một chiếc TV đen trắng thời kỳ đầu của Samsung

Năm 1976, Samsung đã xản xuất 1 triệu chiếc TV đen trắng. Vài năm sau, con số này được tăng lên gấp bốn lần. Samsung Electronics cũng bắt đầu sản xuất TV màu, máy giặt, tủ lạnh và lò vi sóng. Thập kỷ 1970 là thập kỷ đầu tiên Samsung xuất khẩu sản phẩm điện tử ra nước ngoài. Trong thập kỷ này, Samsung đã thâu tóm phần lớn cổ phần của Korea Semiconductor sau đó đổi tên thành Samsung Semiconductor.

Chiếc điện thoại đầu tiên

Trong thập niên 1980, Samsung Electronics đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng bao gồm mạo hiểm tham gia sản xuất AC (điều hòa nhiệt độ), sản xuất 20 triệu TV màu, xuất khẩu lò vi sóng và đầu VCR tới thị trường Mỹ và Canada.

Trong năm 1985, Samsung Electronics đã sản xuất thành công chiếc điện thoại đầu tiên với tên gọi SC-1000. Mẫu điện thoại này chỉ được sử dụng trên xe hơi.

Do gặp vấn đề về chất lượng nên SC-1000 đã không thành công. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản Samsung sản xuất mẫu điện thoại cầm tay đầu tiên của hãng với tên mã SH-100 vào năm 1988. Đáng buồn là SH-100 cũng không thành công.

Trong thập kỷ này, Samsung Electronics bắt đầu tham gia vào sản xuất máy tính cá nhân và phát triển băng ghi video 4mm, nhỏ nhất, nhẹ nhất thế giới. Một số công ty con mới bao gồm Samsung BP Chemicals, Samsung Semiconductor & Telecommunications, Samsung Advanced Institute of Technology và Samsung Data Systems đã được thành lập trong những năm 1980.

Kết thúc một kỷ nguyên

Thập niên 1980 cũng chứng kiến sự kết thúc một kỷ nguyên của Samsung khi người sáng lập, ông Byung-Chull Lee, qua đời vì ung thư phổi vào năm 1987. Do Samsung là một chaebol (một thuật ngữ của Hàn Quốc ám chỉ những doanh nghiệp thuộc sở hữu của một gia tộc) nên một trong những thành viên trong gia đình ông Lee sẽ thừa kế vị trí của ông.

Ông Lee có ba người con trai nhưng ông muốn con gái lớn của ông, Lee In-hee, kế nghiệp. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra bởi rõ ràng tập đoàn cần một người lãnh đạo là đàn ông.

Vài tuần sau khi ông Lee qua đời, con trai út của ông là Lee Kun-hee trở thành chủ tịch thứ hai của Tập đoàn Samsung. Ông Lee không chọn hai người con trai lớn bởi ông cảm thấy họ “không thích hợp với vị trí điều hành”.

Tuyên ngôn Frankfurt và vụ đốt lửa trại trị giá 50 triệu USD

Samsung đã có rất nhiều thành công và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đầu thập niên 1990, Samsung Electronics phát triển thành công bộ nhớ 64M DRAM đầu tiên trên thế giới và đầu ghi đĩa video kỹ thuật số đầu tiên (DVD-R). Tuy nhiên, chất lượng những sản phẩm mà Samsung Electronics tạo ra vẫn chưa tốt.

Năm 1993, chủ tịch Kun-hee đã thực hiện một chuyến “vi hành” toàn cầu nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của Samsung trên thị trường toàn cầu. Ông phát hiện ra rằng hầu hết các sản phẩm của Samsung, đặc biệt là TV, có hiệu suất kém hơn so với các sản phẩm của những đối thủ cạnh tranh như Sony và Panasonic. Ông không hề hài lòng với kết quả này.

Khi tới Frankfurt, Đức, ông đã triệu tập khoảng 200 giám đốc của Samsung tới Khách sạn Falkenstein Grand Kempinski. Và ông đã trình bày một bản diễn thuyết trong vòng ba ngày, ông nói cho họ biết tầm nhìn của ông về tương lai của Samsung và những bước cần thiết để biến những gì ông muốn thành hiện thực.

Sức mạnh của bản diễn thuyết của ông được thể hiện qua một câu trích dẫn phổ biến là “hãy thay đổi tất cả mọi thứ trừ vợ và con của các bạn”. Sự kiện này trở nên nổi tiếng và thường được gọi là Tuyên ngôn Frankfurt 1993.

Không lâu sau, Samsung Electronics phát triển thành công bộ nhớ 256M DRAM đầu tiên trên thế giới và trình làng TV 33 inch màn hình kép đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm của Samsung lại bắt đầu đi xuống.

Năm 1995, Kun-hee đã tặng những chiếc điện thoại không dây mới của Samsung làm quà năm mới cho gia đình, bạn bè và một số đối tác kinh doanh thân cận. Đáng buồn là những thiết bị này đã gặp lỗi. Quá xấu hổ với sự phát triển và giận dữ vì chất lượng sản phẩm quá kém, Kun-hee đã ngay lập tức tới nhà máy lớn nhất của Samsung tại Gumi (Hàn Quốc).

Tại đó, đầu tiên ông yêu cầu tất cả nhân viên phải đeo một chiếc khăn buộc đầu với dòng chữ Quality First (Chất lượng được đặt lên hàng đầu) sau đó ra lệnh đốt khoảng 150.000 thiết bị bao gồm cả điện thoại, máy fax và TV trước mặt họ.

Số thiết bị có giá trị lên tới 50 triệu USD đã biến thành tro chỉ trong một ngày. Năm 1996, Kun-hee đã bổ nhiệm một CEO mới cho Samsung Electronics. Cùng năm này, Samsung Electronics đã phát triển thành công CPU nhanh nhất thế giới có tên Alpha.

Tập trung vào điện thoại

Cuộc khủng hoàng tài chính châu Á năm 1997 đã ảnh hưởng tới hầu hết các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tuy nhiên, Samsung nằm trong số ít công ty không chỉ vượt qua khủng hoảng mà còn phát triển trong thời kỳ khủng hoảng. Năm 1998, Samsung nắm phần lớn thị phần màn hình TFT-LCD trên toàn cầu. Thời điểm này, Samsung cũng bắt đầu đầu tư vào điện thoại di động một cách nghiêm túc. Vào năm 1999, Samsung trình làng SCH-3500, mẫu điện thoại hỗ trợ Internet đầu tiên của hãng.

Đầu thập niên 2000, Samsung trình làng mẫu điện thoại PDA (Personal Digital Assistant), mẫu điện thoại siêu mỏng đầu tiên, và điện thoại 16 Chord Progression Melody Phone.

Trong khoảng thời gian này, mẫu màn hình màu TFT-LCD độ phân giải cao mới cho điện thoại di động và nguyên mẫu màn hình UFB-LCD cũng được trình làng. Một số thành tựu khác của Samsung trong khoảng thời gian đầu thập niên 2000 bao gồm TV TFT-LCD 40 inch đầu tiên trên thế giới, PDP-TV mỏng nhất thế giới, TV LCD 46 inch đầu tiên trên thế giới và màn hình TV kỹ thuật số TFT-LCD 54 inch lớn nhất thế giới.

Trong thời gian này, Samsung xếp hạng một trong tốp các công ty công nghệ thông tin của Business Week và vị trí thứ 5 trong tốp các công ty công nghệ đáng ngưỡng mộ của Tạp chí Fortune.

Trong năm 2005, Samsung phát triển thành công điện thoại đầu tiên trên thế giới có khả năng nhận dạng giọng nói. Mẫu điện thoại này có tên p207 (hình dưới).

Cũng trong năm 2005, Samsung trình làng mẫu điện thoại đầu tiên trên thế giới được trang bị camera 7MP, và một mẫu điện thoại với camera 10MP đã được ra mắt trong những năm tiếp theo. Trong năm 2007, mẫu điện thoại BlackJack (hình dưới) đã được trao giải Best Smart Phone tại hội nghị CTIA diễn ra ở Mỹ.

Trong năm 2008, Samsung tuyên bố giữ vị trí đầu tiên trên thị trường điện thoại di động Mỹ. Windows Mobile 6.1 Professional cho điện thoại Omnia cũng được trình làng trong năm 2008.

Samsung Omnia

Các cột mốc quan trọng khác mà Samsung Electronics đạt được trong thập kỷ này bao gồm TV OLED 40 inch đầu tiên trên thế giới, tấm màn hình LCD dẻo lớn nhất thế giới, đầu đọc đĩa Blu-Ray Disc Player đầu tiên trên thế giới, màn hình LCD hai mặt thực sự đầu tiên trên thế giới, đầu đọc đĩa Blu-ray mỏng nhất thế giới và TV mỏng nhất thế giới (6,5mm). Năm 2009, Samsung trình làng Bada, nền tảng mở của hãng dành cho thiết bị di động.

Điện thoại Android

Samsung Galaxy (i7500), mẫu điện thoại Android đầu tiên của Samsung, được trình làng vào năm 2009. Máy sử dụng SoC Qualcomm MSM7200A với CPU ARM 11 tốc độ 528MHz và GPU Adreno 130. Màn hình của máy có kích thước 3.2 inch. Samsung Galaxy cũng là thiết bị Android đầu tiên có camera 5MP.

Một năm sau, Samsung trình làng Galaxy S với SoC Hummingbird (vi xử lý Cortex-A8 tốc độ 1GHz và lõi đồ họa PowerVR SGX540), màn hình Super AMOLED 4 inch, camera 5MP. Đây là thiết bị mà Samsung dùng để thâm nhập thị trường smartphone Mỹ. Máy nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng Mỹ.

Trên mẫu Galaxy S2 ra mắt vào năm 2011, Samsung đã nâng cấp tất cả mọi thứ từ kích thước màn hình, sức mạnh xử lý tới những thông số kỹ thuật khác. Thiết bị này giúp Samsung trở thành một đối trọng đáng gờm với những hãng sản xuất smartphone khác như Apple. Galaxy S2 nhận được rất nhiều sự khen ngợi và giành được giải thưởng Smartphone của năm tại MWC 2012.

Samsung Galaxy S2

Xu hướng nâng cấp được tiếp tục trên Galaxy S3. Nhờ có thiết kế mới và SoC lõi tứ mạnh mẽ, Galaxy S3 trở thành smartphone cực kỳ thành công của Samsung trên cả khía cạnh thương mại lẫn đánh giá của các chuyên gia. Chưa đầy ba tháng, doanh số Galaxy S3 đã đạt 10 triệu chiếc. Galaxy S3 cũng được gọi là “sát thủ iPhone” khi vượt qua iPhone 4s để trở thành smartphone bán chạy nhất thế giới trong quý 3/2012.

Samsung Galaxy S3

Được phát hành vào năm 2013, Galaxy S4 có màn hình Super AMOLED 5 inch độ phân giải 1080p, SoC Exynos 5 Octa 5410 và camera sau 13MP. Galaxy S4 nhanh chóng trở thành smartphone bán chạy nhất của Samsung cũng như smartphone Android bán chạy nhất mọi thời đại.

Samsung Galaxy S4

Đáng buồn là Galaxy S5 không thể tiếp nối thành công của Galaxy S4 khi mà doanh số quý đầu tiên sau khi ra mắt của S5 kém 40% so với dự kiến. Galaxy S5 thất bại vì máy có thiết kế quá xấu. Sau thất bại của Galaxy S5, Samsung đã sa thải ba giám đốc cao cấp.

Galaxy S5 là một thất bại đáng quên của Samsung

Năm nay, Samsung đã trở lại mạnh mẽ với cặp đôi Galaxy S6 và S6 edge. Cả hai thiết bị này được cho là cực kỳ thành công.

Galaxy S6 Edge và Galaxy S6 vừa trình làng

Các sản phẩm khác

Ngoài dòng Galaxy S gặt hái được nhiều thành công, Samsung còn tung ra nhiều smartphone đáng chú ý khác. Ví dụ như Nexus S, thiết bị mà Samsung hợp tác phát triển cùng với Google. Dòng Galaxy Note của Samsung cũng khá phổ biến trên thị trường.

Galaxy Note 4

Bên cạnh smartphone, Samsung còn phát triển tablet, smartwatch và smartband. Gã khổng lồ Hàn Quốc cũng tham gia phát triển hệ điều hành di động. Trong khi Bada đã bị khai tử thì smartphone Z1 chạy Tizen đã được thương mại hóa ở một số thị trường. Samsung cũng phát triển một hệ thống thanh toán di động riêng có tên Samsung Pay và dự kiến sẽ công bố nó trong tháng này.

Thay lời kết

Samsung đã phát triển từ một công ty chẳng liên quan gì tới công nghệ với số vốn ít ỏi trở thành một tập đoàn sản xuất gần như mọi thiết bị công nghệ. Thậm chí, Samsung còn có một công ty con với tên gọi Samsung Techwin chuyên sản xuất xe tăng và động cơ phản lực cho các khách hàng như Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.

Với nguồn lực dồi dào và những chiến lược mạnh mẽ, trong tương lai, Samsung có thể sẽ còn lớn mạnh và mang tới cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm công nghệ đột phá hơn nữa. Tuy nhiên, thị trường smartphone bão hòa đang đặt hãng đứng trước những thách thức mới cần phải chinh phục

ĐHK

Theo GSMArena

Theo VnReview