Tinh Hoa

Sài Gòn – Gia Định một thời để nhớ – Kỳ 10: Tháp nước gần 140 năm tuổi

Cách đây gần 140 năm, người Sài Gòn đã được sử dụng nước sạch qua xử lý khử trùng cung cấp đến tận nhà.

Tháp nước gần 140 năm tuổi trong khuôn viên Sawaco – Ảnh: Trung Hiếu

Thời Pháp thuộc, Sài Gòn là thủ phủ và là trung tâm kinh tế quan trọng nhất ở Nam kỳ, cho nên việc cấp nước cho Sài Gòn là vấn đề cấp bách đặt ra cho nhà quy hoạch đô thị thời bấy giờ.

Khai thác nước ngầm dưới lòng đất
Năm 1862, dự án thiết kế đầu tiên cho thành phố Sài Gòn được phê duyệt trong đó có vấn đề cấp nước. Năm 1880, người Pháp đã đưa vào hoạt động một hệ thống cung cấp và phân phối nước đầu tiên ở Sài Gòn. Hệ thống khai thác nước ngầm có tên là Thévenet (tên của viên kỹ sư cầu đường, Giám đốc Sở Công chính lúc bấy giờ) được xây dựng ở vị trí hồ Con Rùa hiện tại, có khả năng cung cấp nước từ 1.000 m3 đến 1.500 m3 một ngày.
Trong các năm tiếp theo, chính quyền Pháp đã xây dựng một loạt captage (cụm giếng cạn) để cung cấp nước cho Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1884, xây dựng hai cụm captage Blancsubé và Mac Mahon; năm 1896, xây dựng Nhà máy bơm Duy Tân; năm 1898, xây dựng cụm captage Chợ Lớn, Tân Hưng để cung cấp nước cho khu vực Chợ Lớn.
Trong các captage kể trên thì cụm Blancsubé và Mac Mahon là hai cụm giếng cạn quan trọng nhất. Cho nên tên của hai captage này được đặt theo tên của hai nhân vật nước Pháp có sức ảnh hưởng lúc bây giờ. Mac Mahon là tên của Tổng thống Pháp từ năm 1873 đến 1879, Blancsubé từng là thị trưởng của Sài Gòn.
Captage là cụm gồm nhiều giếng cạn. Mỗi giếng có đường kính từ 1,6 m đến 2,2 m, sâu từ 13 m đến 22 m. Vách giếng ban đầu xây gạch nhưng về sau được làm bằng bê tông cốt thép. Thường mỗi captage có từ 10 – 20 giếng cạn. Các giếng cạn trong hệ thống captage thường được bố trí theo hình tròn đưa nước về giếng trung tâm nằm ở giữa. Từ giếng trung tâm, nước sẽ được xử lý, khử trùng rồi được bơm vào các hồ chứa, thủy đài hoặc đưa thẳng ra đường ống phân phối cho người dùng.
Nước sạch thời kỳ này sản xuất không nhiều nên người Sài Gòn chỉ sử dụng để nấu ăn, nước uống. Trước hẻm một số con đường lớn ở trung tâm TP có trụ nước, người dân xếp hàng dùng thùng đựng dầu hôi chừng 20 lít đem về đổ đầy lu xài dần. Còn tắm giặt và rửa ráy, người dân sử dụng nước từ kênh rạch lúc đó còn rất sạch sẽ, trong lành.
Được công nhận di tích kiến trúc
Dấu tích của hệ thống cấp nước gần 140 năm tuổi ở Sài Gòn hiện không còn nhiều. Dấu tích của captage Blancsubé còn vài giếng cạn trong công viên trước dinh Thống Nhất và công viên Tao Đàn. Captage Mac Mahon còn một vài giếng cạn trong Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, đường Võ Văn Tần, Q.3.
Nhà máy bơm Duy Tân sau này được cải tạo, làm lại sàn để làm nơi làm việc của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tại đường Võ Văn Tần, Q.3. Còn hệ thống giếng trung tâm của captage Gò Vấp nằm trong khuôn viên công viên Gia Định cũng được cải tạo, lót lại sàn để lấy chỗ làm việc cho đội thi công tu bổ của Công ty cấp nước Trung An – một công ty con thuộc Sawaco.
Ngoài tháp nước ở địa điểm hồ Con Rùa (được xây dựng năm 1878 và đập bỏ năm 1921), còn có một tháp nước xây dựng năm 1886 nằm trong khuôn viên Sawaco. Hiện tháp nước này được công nhận là di tích kiến trúc của TP.HCM.
“Ẩn số” thủy đài
Ngoài tháp nước thời Pháp hiện diện trong khuôn viên Sawaco, hiện ở TP.HCM vẫn còn rất nhiều tháp nước “khủng” được xây dựng trước năm 1975, nằm rải rác ở đường Hoàng Diệu (Q.4), Hồ Văn Huê (Q.PN), Ba Tháng Hai (Q.10)…
Lý do ra đời của những tháp nước trên là năm 1966, Nhà máy nước Thủ Đức hoàn thành, Sài Gòn không còn thiếu nước sạch. Tuy nhiên, do nhà máy đặt ở Thủ Đức nên nước chảy về trung tâm khá yếu, nhất là vùng ngoại thành. Các thủy đài hình nấm được xây dựng nhằm nâng áp lên, cung cấp nước cho những vùng ở xa như Q.8, Gò Vấp, Nhà Bè…
Thời gian này, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng 8 thủy đài lớn có dung tích tổng cộng hơn 48.500 m3 và 12 thủy đài nhỏ tổng cộng dung tích gần 13.000 m3 nằm rải rác ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khi các thủy đài này sắp hoàn thành thì xảy ra biến cố 30.4.1975 thống nhất đất nước. Đến nay các thủy đài chưa một lần sử dụng.
Sawaco nhiều lần mời chuyên gia tới khảo sát tháp nước để tìm phương án vận hành nhưng chưa ai đưa ra được hướng khả thi. Đến nay hướng xử lý các thủy đài hình nấm khổng lồ giữa trung tâm TP vẫn là “ẩn số” chưa có đáp án.

Trung Hiếu

Theo Thanh Niên