Sách giáo khoa tiểu học thời xưa chú trọng những giá trị đạo đức truyền thống, gồm nhiều bài thơ văn giản dị nhưng giàu lòng yêu thương, từ yêu thương gia đình, thầy cô, đến đồng bào, quê hương, đất nước…
Nội dung, tư tưởng trong sách giáo khoa tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Nó in sâu vào tâm trí trẻ từ những ngày đầu cắp sách đến trường cho đến lúc trưởng thành.
Khi đề cập đến vai trò của sách giáo khoa bậc tiểu học, nhiều nhà giáo dục luôn nhắc đến bộ sách Quốc văn giáo khoa thư của ông Trần Trọng Kim, Đỗ Thận, Nguyễn Văn Ngọc và Đặng Đình Phúc, xuất bản từ những năm 1930 – 1940. Đây là một trong những cuốn sách giáo khoa Việt ngữ được dạy ở các trường tiểu học Việt Nam trong suốt những thập niên nửa đầu thế kỷ 20.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17, thành hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc xây dựng nền giáo dục theo chủ nghĩa Mac-Lenin, hướng đến chủ nghĩa xã hội. Trong khi Miền Nam theo chính thể tự do.
“Tiên học lễ, hậu học văn”
Tinh thần chung của nền học vấn miền Nam lúc bấy giờ là phải học lễ trước rồi mới học văn, tức coi việc rèn luyện đức – trí là quan trọng như nhau, nhưng đức phải đi trước một bước. Vì vậy thời đó, trường nào cũng có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” treo ở những vị trí quan trọng nhất trong mỗi phòng học. Nhờ thế, tinh thần trọng lễ không chỉ luôn ở trong tâm tưởng mọi giáo chức, mà còn lan tỏa rộng khắp mọi giai tầng xã hội, tạo thành xu thế học tập chú trọng cả đức lẫn tài để chuẩn bị đầy đủ cho thế hệ tương lai trở thành những người hữu dụng với bản thân, gia đình, xã hội.
Vì thế chương trình môn Quốc văn bậc tiểu học là dựa theo nội dung các bài học về đạo đức trong bộ sách Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư để soạn chương trình phù hợp với hoàn cảnh mới.
Theo chủ trương, một chương trình có thể có nhiều sách giáo khoa, chỉ cần theo chương trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục. Các soạn giả sách giáo khoa được tự do chọn bài, trích dẫn từ các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hoặc tự sáng tác thơ, văn theo chủ đề giảng dạy để đưa vào sách. Giáo viên cũng có quyền chọn sách giáo khoa để giảng dạy. Nhờ vậy, các soạn giả luôn cố gắng soạn ra những sách giáo khoa có giá trị và ra sức cải tiến cả về hình thức lẫn nội dung cho những lần xuất bản sau.
Ngoài sách giáo khoa, giáo viên có thể sử dụng tác phẩm của những nhà văn có uy tín để bổ sung cho bài học, như cuốn Tâm Hồn Cao Thượng (nguyên tác Grand coeurs của Edmond de Amicis. Dịch giả: Hà Mai Anh), Thơ ngụ ngôn (Les Fabres de la Fontaine, Dich giả: Nguyễn văn Vĩnh)…
Dân tộc Việt Nam sính thơ nên ngay cả trong lĩnh vực giáo dục cũng có thói quen sử dụng thơ ca. Nhìn lại một số sách giáo khoa cũ, có thể thấy về hình thức, hầu hết đều là những bài thơ lục bát, song thất lục bát hoặc thơ mới,… Để phổ biến kiến thức, các nhà Nho thuở trước dạy dân, cũng quen dùng cùng một thể loại văn vần để giúp người học dễ thuộc nằm lòng, chẳng hạn như:
…Năm châu quanh mặt địa cầu,
Á Châu lớn nhất, Mỹ Châu thứ nhì.
Châu Âu, châu Úc, châu Phi,
Mỗi châu mỗi giống sắc chia rành rành…
(“Bài hát kể đường đất nước ta”)
Các bài học mang đậm tính nhân văn
Sách giáo khoa bậc tiểu học của Miền Nam trước 1975 chú trọng những vấn đề luân lý đạo đức truyền thống, vẫn hàm chứa nội dung đạo đức trong các sách giáo khoa cũ của thế hệ 1940. Dưới đây là một số bài tiêu biểu về tình thương yêu đồng bào, lòng biết ơn đối với mọi người trong xã hội, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu nhân loại.
- Tình thương yêu đồng bào, đồng loại
Theo truyền thống của người Việt Nam, tình thương yêu không chỉ dành cho trong gia đình, mà mở rộng đến cả đồng bào và đồng loại. Một giá trị tốt đẹp của con người là lòng nhân đạo. Khi thấy người hoạn nạn, đau yếu phải giúp đỡ bằng tình thương yêu chân thành. Quốc văn giáo khoa thư mượn bài thơ trong gia huấn ca để dạy học sinh:
Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng trông nom,
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa.
— Nguyễn Trãi (Gia huấn ca)
Các bài học về tình thương yêu đồng bào, đồng loại đã nhắc nhở học sinh phải tôn trọng mạng sống của con người, có lòng nhân ái, không nói hay làm điều xấu. Đây là thước đo tiêu chuẩn đạo đức, nhân cách của con người.
“Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. ‘Không hại người’ tức là công bình, ‘làm hay cho người’ tức là nhân ái.
Người ta mà không công bình, chẳng những có tội đối với lương tâm, mà luật pháp lại còn trừng trị. Giết người thì phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy.
Con người mà không có lòng nhân ái, thì tuy đối với luật pháp không có tội lỗi, nhưng đối với lương tâm, thì là không phải. Gặp người đói khó, mà mình không giúp người ta, cũng không ai bắt được mình, nhưng trong bụng không đành”. (Trích Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý/Sơ Đẳng. Công bình và nhân ái).
Bài thơ “Cách ăn ở” và “Những đứa trẻ mồ côi” là bài học luân lý về lòng nhân đạo mà học trò bậc tiểu học thời ấy được học nằm lòng. Khi thấy người hoạn nạn, đau yếu phải giúp đỡ bằng tình thương yêu chân thành.
Cách ăn ở
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người cô quả cô đơn
Thương người đói rách lẩm than kêu đường.
Thấy ai đói rét thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên.
— Nguyễn Trãi (Gia huấn ca)
- Lòng biết ơn mọi người trong xã hội
Trong gia đình thì cha mẹ, vợ con, anh em nương tựa nhau. Ngoài xã hội, mọi người cũng đều có sự tương quan, không thể sống lẻ loi. Do nương nhờ nhau mà cuộc sống của mỗi cá nhân mới an ổn. Vì vậy đối với mọi người, mọi ngành nghề chúng ta đều cần phải biết ơn, tôn trọng, không được làm tổn hại. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” chính là nói lên tinh thần biết ơn, là truyền thống đạo lý của con người Việt Nam. Trong bài Người ta phải làm việc, sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư cũng nói lên tinh thần này:
“Người làm ruộng có trồng trọt cấy cày, thì ta mới có thóc gạo mà ăn. Thợ nề, thợ mộc có làm nhà, thì ta mới có nhà mà ở. Thợ dệt có dệt vải, thợ may có may áo, thì ta mới có đồ mặc vào mình. Quyển sách ta học cũng phải có người làm, người in. Cái đường ta đi cũng phải có người sửa, người quét. Nói tóm lại, nhất thiết một chút gì ta cần dùng đến, cũng là có người chịu khó làm việc mới nên”. (Trích bài Người ta phải làm việc, trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư)
Thật vậy, trong xã hội muốn sinh tồn thì mọi người phải có bổn phận đem sức mình giúp vào lợi ích chung. Biết nhớ ơn công sức của mọi người cũng giúp ta có trách nhiệm tạo ra những giá trị có ích cho người khác. Bài “Giấc mộng” là một trong những bài thơ dạy học sinh biết yêu mến và nhớ ơn mọi người.
Nằm mộng thấy nông phu lại bảo:
“Ra công làm kiếm gạo từ đây.
Tao thôi chẳng có nuôi mầy,
Phải lo trồng trọt cấy cày cho siêng.”
Người dệt cửi dặn mỉnh làm áo;
Chú thợ hồ lại bảo cầm bay!
Bơ vơ chẳng kẻ đoái hoài,
Tôi mang thơ thẩn đọa nầy cùng nơi.
Tôi túng thế vái trời cứu thử,
Lại thấy kia sư tử trên đàng!…
Tỉnh ra, thấy sáng, mơ màng!
Tiểu công hút gió, rộn ràng trên thang;
Nghe máy dệt rần rần tiếng chạy;
Ruộng đâu đâu cũng cấy đã xong.
Phận mình nghĩ lại thong dong,
Mới hay dưới thế ai không nhờ người.
Từ ngày rõ cuộc đời đắp đồi,
Cám thương người xã hội như nhau.
Dập dìu kẻ trước người sau,
Sức riêng một ít giúp vào lợi chung.
— Nguyễn ngọc Ẩn (100 Bài Tập đọc, Lớp Nhất và Lớp Nhì)
- Tình yêu quê hương đất nước
Ngoài những nội dung xây dựng cho trẻ tình yêu thương, nhân ái, tôn trọng các ngành nghề trong xã hội, gần 1/3 số bài thơ dùng làm bài học thuộc lòng là để bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình cảm lành mạnh với quê hương đất nước. Đó là những bài thơ ca ngợi quê hương xứ sở giàu đẹp, qua hình ảnh con trâu trên đồng lúa, mái tranh vách đất trong xóm nghèo, rồi những con kênh, giếng nước, lũy tre…, các hoạt động xã hội trong làng xã, gợi nên ước mơ về một cuộc sống an cư lạc nghiệp trong cảnh hòa hợp, thanh bình, hạnh phúc:
Quê em nhà cửa liền nhau,
Mái tranh, mái ngói chen màu xinh xinh.
Quê em có miễu, có đình,
Có con sông nhỏ uốn mình trong tre.
Có đồng có ruộng bao la,
Nông dân làm lụng hát ca bên đồng.
Lúa xanh đang trổ đòng đòng,
Một mùa mơn mởn đẹp lòng dân quê.
Nương dâu xanh ngắt bốn bề,
Bắp, mì, khoai, đỗ, lang, mè tốt xanh.
Sớm hồng trời đẹp trong lành,
Sương mai rung động trên cành chim ca.
Vàng son lơ lửng chiều tà,
Đồng quê thơ mộng bao la xanh rờn.
— Thanh Giang (Tiểu học nguyệt san, tháng 10/1958)
Tóm lại trong giai đoạn trước năm 1975, nội dung các sách giáo khoa môn quốc văn của nền giáo dục miền Nam chú trọng những vấn đề đạo đức truyền thống, hướng tới triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa: Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng. Đáng tiếc, sau sự kiện ngày 30/4/1975, chính quyền ra lệnh tiêu hủy các loại sách của Miền Nam kể cả sách giáo khoa môn quốc văn các cấp. Do đó, việc sưu tập các sách quốc văn cũ rất khó khăn.
Dù thời gian có trôi qua, hoàn cảnh có biến đổi, nhưng các giá trị đạo đức làm người trong các trang sách quốc văn của nền giáo dục miền Nam như kính yêu cha mẹ, tình thầy trò, bè bạn, lòng yêu quê hương đất nước, đồng bào, nhân loại… vẫn in sâu trong ký ức những học sinh thời xưa qua bao thế hệ.
Hồng Liên (t/h)