Sa mạc Gobi là một vùng đất gợi lên nhiều bí ẩn và đậm chất phiêu lưu. Nó nằm trên Con đường Tơ lụa, có hệ sinh thái đặc biệt và đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều di tích cổ kính.
“Gobi” có nghĩa là “nơi không có nước”…
Những gì bạn thấy ở trên là Huyền Không Tự. Ngôi chùa này đã tọa lạc lừng chừng vách núi thẳng đứng như vậy được 1.500 năm. Hiện nay, vẫn còn hơn 100 người tu hành theo Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo sinh sống và thờ phượng tại đây.
Gần rìa của Ordos Gobi là thành cổ Bình Dao – thành phố cổ có tường bao quanh được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc. Thành phố như một viên nang được bao bọc khỏi tác động của thời gian, và lối sống truyền thống của Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn như cách đây hàng thế kỷ.
Sa mạc Gobi nằm giữa Cao nguyên Himalaya và đồng cỏ của Mông Cổ. Do đó, có thể nói sa mạc này nằm giữa biên giới Trung Quốc – Mông Cổ.
Mông Cổ ngày nay đã từng được gọi là Ngoại Mông – trong khi Gobi của Trung Quốc vẫn được được biết đến là Nội Mông. Và chúng ta đang khám phá Gobi của Nội Mông.
“Gobi” là một từ Mông Cổ, có nghĩa là “nơi không có nước” – nhưng có những nơi ẩn sâu bên trong sa mạc vẫn có nước.
Ở nơi hẻo lánh nhất của Gobi có một ốc đảo tuyệt đẹp. Cuối thế kỷ 13, nhà thám hiểm lừng danh Marco Polo đã đi đến sa mạc Gobi và viết lại chuyến phiêu lưu của mình. Trong hàng triệu năm, một con sông đã đổ xuống vách đá Himalaya và chảy vào sa mạc Gobi, sau đó dừng chân tại vùng đất phù sa lớn nhất thế giới, nay là vùng biên giới Mông Cổ.
Hồ nước ở đây có nhiều loài chim sinh sống…
Và đến đây chắc có lẽ bạn sẽ khó có thể cưỡng lại sức hút từ cảnh tượng một con lạc đà Bactria hai bướu đi dọc theo các cồn cát trên bờ hồ lúc hoàng hôn!
Gần đó là một trong những khu rừng kỳ lạ nhất thế giới – một trong những nơi cuối cùng còn tồn tại hệ thực vật bạch dương Euphrates sa mạc. Khi tháng 10 đến, lá sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ…
Ngoài ra còn có Thành phố cổ Diệc Tập Nãi Lộ (Khara Khoto), được người Mông Cổ Đảng Hạng lập ra cách đây 1.000 năm. Hốt Tất Liệt đã phái Marco Polo đến đây với vai trò sứ giả vào cuối thế kỷ 13. Một trăm năm sau đó, triều đại nhà Minh của Trung Quốc đã phá hủy nơi này. Cách đây chưa đầy 100 năm, Đức Đạt Lai Lạt Ma Dambin Jansang, người đã dẫn đầu một cuộc nổi dậy của người Mông Cổ chống lại sự xâm lược của Liên Xô, đã sử dụng Diệc Tập Nãi Lộ làm nơi trú ẩn của mình.
Người Mông Cổ tin rằng cho đến ngày nay, linh hồn của Dambin Jansang vẫn ám ảnh các tàn tích ở đó. Chúng ta có nên chờ mặt trời lặn để gặp ông vào lúc chạng vạng?
Marco Polo đã băng qua vùng A Lạp Thiện của sa mạc Gobi để đến được nơi người Mông Cổ gọi là Badain Jaran – nghĩa là “những hồ nước bí ẩn”. Ở A Lạp Thiện không có sông ngòi, chỉ có một đại dương cát, nhiều cồn cát trong đó được xem là cao nhất thế giới .
Có hơn 100 hồ nhỏ nằm rải rác tại đây, một số là hồ nước ngọt, một số lại là những hồ nước siêu mặn. Đa số các hồ đều màu xanh cô-ban tinh khiết. Chúng khiến cho Badain Jaran ở A Lạp Thiện trở thành sa mạc đẹp nhất trên Trái đất.
Tại đây từng có một ngôi chùa Tây Tạng hàng trăm năm tuổi, nơi những người du mục Mông Cổ đến để thờ phượng. Vào lúc bình minh, trên hồ phản chiếu hình ảnh những đụn cát ánh lên một màu vàng kim và ngôi chùa thì vẫn còn nằm trong bóng tối. Đó là một cảnh tượng đáng nhớ.
Núi Cầu Vồng ở sa mạc Gobi
Giữa Vách dốc của dãy Himalaya và sa mạc Gobi là Hành lang Hà Tây là nơi Con đường Tơ lụa kết nối Trung Quốc với thế giới. Gần một thành phố mà Marco Polo gọi là Campichu là một khu địa chất có tên Núi Cầu Vồng. Cái tên cũng không quá khó hiểu.
Tại cửa tây của Hành lang Hà Tây ở ngã ba Bắc Nam của Con đường Tơ lụa xung quanh vùng Sa mạc Taklamakan hoang dã tồn tại một thành phố cổ xưa có tên Đôn Hoàng.
Khoảng 2.000 năm trước, các nhà sư Phật giáo bắt đầu sinh sống, điêu khắc và trang trí công phu các hang động trên một vách đá có tên Mạc Cao. Trong hai thiên niên kỷ, Thiên Phật Động (Hang Mạc Cao) đã trở thành địa điểm hành hương. Marco Polo vô cùng ngạc nhiên trước những công trình này. Ngày nay, chuỗi hang động này chứa đựng kho tàng Phật giáo cổ đại lớn nhất trên Trái đất.
Một vài dặm sâu bên trong các cồn cát khổng lồ của vùng La Bố Bạc ở Gobi là một ảo ảnh… Khi nhìn thấy lần đầu tiên bạn sẽ nghĩ đó là một ảo ảnh, nhưng tất cả đều là thực – hồ Nguyệt Nha cùng ngôi chùa theo phong cách Trung Hoa đã tồn tại ở đây hàng thiên niên kỷ.
Rất ít người phương Tây từng đặt chân đến đây, mặc dù đây là hình ảnh của một trong những tấm bưu thiếp nổi tiếng nhất của Trung Quốc và được in trên bìa của nhiều quyển sách ảnh quý giá về Trung Quốc. Một lần nữa, đây lại là một trong những bí ẩn của sa mạc Gobi.
Bảo San, theo tothepointnews.com