Rome gắn liền với những nhà thờ, công trình kiến trúc, điêu khắc lộng lẫy và đẹp tới mức không thể không ngả mũ khâm phục tác giả của nó. Và khi nói về những vĩ nhân có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền tảng nghệ thuật của thành phố này, không thể không nói tới Michelangelo, Raphael Sanzio và Lorenzo Bernini.
Michelangelo
Michelangelo sinh năm 1475 ở làng Caprese, Arezzo, Ý. Từ bé đã thích vẽ nên cha của Michelangelo gửi con mình cho hai anh em họa sĩ danh tiếng Dominico và David Ghirlandajo. Nhưng học được 1 năm thì Michelangelo không phục tài của thầy nên bỏ đi học điêu khắc với Bertoldo đang làm việc ở vườn lãnh chúa Laurent de Médicis. Lãnh chúa thấy Michelangelo có tài nên đầu tư không tiếc tiền bạc vào cậu bé thiên tài này. Nhờ thế mà Michelangelo có điều kiện học và tiếp xúc hàng ngày với các danh nhân của mọi lĩnh vực văn hóa lúc bấy giờ. Thậm chí một vị tu sĩ còn giành cho Michelangelo một buồng kín để Michelangelo đem xác chết từ bệnh viện về và học giải phẫu. Chính yếu tố này đã đóng góp vào sự phát triển thiên tài của Michelangelo.
Tác phẩm quan trọng là Pietà cho nhà thờ thánh Pierre Roma, nó là một tuyệt tác của nền mỹ thuật thế giới và làm nên tên tuổi Michelangelo. Pietà là tên gọi chung của các tác phẩm điêu khắc mô tả cảnh Đức Mẹ Maria bế xác của Jesus sau khi được hạ từ Thập ác xuống. Đó là một thời khắc thiêng liêng, khi mà người Mẹ bế xác con trai của mình trong nỗi đau đớn khôn cùng và sự thần thánh vô ngần. Bởi bà biết rằng con trai mình là con của Chúa, và cái chết đó là để cứu vớt tội lỗi cho loài người, vinh quang và cao cả.
Tay phải Maria cố gắng bế trọn xác Jesus, tay trái đang vươn ra trong một nỗi đau khổ, người ngả ra sau như để ngắm con trai mình rõ hơn. Cả cơ thể bà đang trong một sự chuyển động rõ ràng, với bàn tay trái còn chưa kịp buông xuống. Ngược lại, thân thể Jesus hoàn toàn bất động, với đôi mắt nhắm nghiền, miệng hơi hé, cánh tay buông thõng lạnh lẽo, thân xác hoàn toàn dựa vào vòng tay Mẹ. Tuy nhiên, khuôn mặt của bà Maria lại không thể hiện sự đau đớn, ngược lại, lại rất thanh thản, bình yên, dường như bà đang ngắm người con đang ngủ chứ không phải đã chết.
Tạc xong Pietà, Michelangelo về lại quê hương Florence, ở đây có một nghệ sĩ đem về công trường Dome một tảng đá cẩm thạch tốt của Carrara, dài hơn 5 mét. Vì nó quá to và đẹp nên không ai dám nhận tạc tượng cho xứng với viên đá này. Lúc bấy giờ, Michelangelo 24 tuổi, đang là một sao chói sáng nên được giao nhiệm vụ cao cả này. Khi nhìn thấy tảng đá, Michelangelo nghĩ ngay ra tạc tượng David nhưng chủ đề David chiến đấu với khổng lồ Goliath đã được Donatello và Verrocchio thể hiện rồi nên Michelangelo thể hiện tượng David theo cách khác. Ông chọn lúc David còn là thanh niên cường tráng chuẩn bị đi chiến đấu. David của Michelangelo đẹp như một Apollo của Hi Lạp, không chỉ đẹp về thân hình cân xứng mà còn biểu hiện được sức sống mãnh liệt, một dũng khí mới mẻ đặc biệt mà mọi người không hề thấy ở David lúc trước đó.
Năm 1503, Giáo hoàng Jules II mời Michelangelo về làm việc cho tòa thánh. Cuộc gặp này được coi là sự kiện quan trọng của thời Phục Hưng vì nếu không có cuộc gặp này thì không có những tác phẩm nổi tiếng ở Vatican – trần nhà nguyện Sixtine.
Để vẽ được tác phẩm kinh điển này, Michelangelo đã phải tạo ra một giàn giáo vĩ đại, nằm trên đó suốt 4 năm ròng lao lực và cực khổ để hoàn thành. Bởi vì phải ngửa mặt lên để vẽ và làm việc trong tư thế đó suốt 4 năm nên sau khi hoàn thành tác phẩm thì Michelangelo không nhìn được khi đi đứng, điều này phải mất một thời gian lâu sau trở lại bình thường. Trần nhà nguyện Sixtine là một công trình vĩ đại của hội họa thế giới. Michelangelo đã chia trần đền là 12 chủ đề: 5 tranh về chủ đề Chúa sáng tạo đất trời, 7 tranh về thánh tích, sau khi Adam và Eva bị quyến rũ. Cụ thể lần lượt như sau, đầu tiên là Chúa tạo ra ánh sáng; đến Chúa tạo ra Mặt trời; Chúa tạo ra đất và nước; Chúa tạo ra Adam; Chúa tạo ra Eva; Adam và Eva phạm tội bị đuổi khỏi vườn Eden; Noah lập đàn tế Thiên Chúa; Đại hồng thủy; Noah say rượu.
Bức tranh vẽ Adam khỏa thân bên trái, giơ tay trái ra đón nhận. Thiên Chúa ngồi trong một đám mây giơ tay phải ra, hai ngón tay trỏ của hai người gần chạm vào nhau. Chúa trao linh hồn cho Adam theo cách đó.
Trong bức tranh này, Thiên Chúa rất đời thường, lực lưỡng như một lực sĩ, tay chân, bộ ngực vạm vỡ y như Adam. Michelanglo đã dùng ý tưởng trong Kinh thánh: Thiên Chúa tạo ra Adam theo hình dáng của mình, do đó Adam phải giống Chúa. Chúa mặc áo cộc, quần cộc, đôi chân choãi tự nhiên, và quàng tay trái qua cổ một người đàn bà, có thể là hình ảnh của linh hồn Eva (khi đó chưa có).
Trong suốt 500 năm, có vô vàn ý kiến quanh bức họa này, về ý tưởng sâu xa mà Michelangelo gửi gắm. Nhiều người công nhận một điều là đám mây mà Chúa ngồi có hình dáng giống hệt bộ não người, với vòng vải hồng là Đại não, dải lụa xanh là hành tủy, thân thể Chúa chính là phần não trong, và các thiên thần ẩn hiện giống hệt các nếp gấp trên não.
Một tác phẩm vĩ đại nữa ở nhà nguyện Sixtine là “Ngày phán xét cuối cùng”. Bức tranh mô tả vào Ngày Tận thế, các linh hồn đến trước Chúa Jesus để chờ nghe phán xử. Trong nguyên bản bức tranh Michelangelo vẽ, tất cả các nhân vật, chỉ trừ Chúa Jesus, đều khỏa thân, vì con người trần trụi vào ngày phán xét cuối cùng. Tuy nhiên, Giáo hoàng sau đó đã yêu cầu học trò của ông phải vẽ quần áo cho các nhân vật.
Khi đang vẽ bức này, một hầu cận của Giáo hoàng là hồng y giáo chủ Biagio đến xem và thấy Michelangelo vẽ các nhân vật trong tranh đều khỏa thân nên nói: “Tranh này để trong một nhà tắm thì đúng hơn là để ở lễ đường của giáo hoàng”. Michelangelo vẽ luôn hình ông này ở địa ngục bị rắn quấn và lửa đốt. Hồng y đến than phiền với Giáo hoàng thì Ngài nói “Nếu Michelangelo để người ở Lửa luyện tội thì ta còn cứu vớt được, nhưng Michelangelo để ngươi ở địa ngục thì ta chịu thôi”.
Michelangelo còn một lần nữa tạo ra một công trình bất tử đó là nóc tròn tuyệt mỹ của nhà thờ thành Pierre Roma nhưng mà ông đã qua đời trước khi công trình này hoàn thành năm 1564. Roma muốn xây mộ xứng đáng với tên tuổi của thiên tài này nhưng thành Florence nửa đêm nửa hôm đã cho người lẻn vào thành và đưa thi hài Michelangelo về an táng tại nhà thờ Santa Croce – quê hương của Michelangelo.
Người ta thường hay so sánh Michelangelo với Raphael Sanzio. Hai nhà mỹ thuật thiên tài này đồng thời phục vụ cho tòa thánh Vatican nhưng rất khác nhau về phong cách cũng như con người. Tác phẩm của Michelangelo tiêu biểu cho nghệ thuật hùng vĩ, còn tranh của Raphael tiêu biểu cho vẻ đẹp dịu dàng trong sáng. Michelangelo là thiên tài sáng tạo độc đáo, còn Raphael là thiên tài tiếp thu và tổng kết cái hay khéo của thời đại. Tuy nhiên có điểm chung là hai người cùng đem nền mỹ thuật đến một đỉnh cao chưa từng thấy trong một thời đại sáng chói nhất của lịch sử thế giới.
Raphael Sanzio
Raphael Sanzio từ bé cũng thích vẽ, đi học vài năm thì vẽ giỏi hơn cả thầy. Năm 20 tuổi, Raphael đến Florence – quê của Michelangelo nơi tập trung những nhân tài về văn học và nghệ thuật thời bấy giờ. Khi mới đến nơi, Raphael chỉ là một họa sĩ trẻ hạng thứ yếu giữa một một rừng tên tuổi lững lẫy, thế mà ko đầy 3 năm sau Raphael được liệt vào hàng đầu.
Tới năm 1508, Raphael được mời làm việc cho tòa thánh Vatican, Raphael được giao một nhiệm vụ quan trọng là xóa sạch sẽ và vẽ lại những tác phẩm của các danh họa thời Tiền phục hưng ở Stanza della Segnatura (phòng Chữ ký). Vì dù sao Raphael cũng mới là một họa sĩ trẻ mới nổi, chưa có tác phẩm nào vang dội thế mà được giao nhiệm vụ đó. Nhưng sự thật cho thấy, những tác phẩm của Raphael ở Phòng chữ ký này vượt xa những gì người ta mong đợi, chúng chứng tỏ rằng sự tín nhiệm của giáo hoàng Jules II đối với Raphael là đúng đối tượng, có tác dụng làm phát triển một nhân tài lỗi lạc, để lại cho đời sau một sự nghiệp nghệ thuật lớn lao. Chủ đề 4 bích họa lớn ở phòng Chữ ký là: Giáo lý (Dispute du Saint-Sacrement), Triết lý (Ecole d’ Athenes), Pháp luật (Paranasse) và Thi ca.
Nói đến nhiều nhất là bức Ecole d’ Athenes và Dispute du Saint-Sacrement.
Ở bức Ecole d’ Athenes – Trường Athenes, Raphael thể hiện bên trong một ngôi đền đồ sộ có mái vòm nhà tương tự như gian giữa của một nhà thờ lớn Thánh Pierre đang được xây dựng lúc đó. Ở bên trong ngôi đền, trên nền cao là Aristote và Platon – hai vị tổ của triết học châu Âu vừa đi vừa thảo luận. Ở dưới bậc thang rộng, nhà hiền triết Diogène ngồi bệt một chỗ dường như không thiết gì tới mọi việc xung quanh. Xung quanh là các nhà triết học, tư tưởng, nghệ sĩ của các trường phải khác đang tranh luận sôi nổi. Khối hình chặt chẽ, đường nét hài hòa, phong cách sinh động, không khí trong trẻo của Trường Athenes cũng như nhiều tác phẩm khác của Raphael ở phòng chữ ký tiêu biểu cho giai đoạn mới của hội họa, giai đoạn Đại phục hưng.
Bức Dispute du Saint Sacrement – Giành Thánh giáo cho thấy nhân vật dưới đất và trên trời đều tôn thờ Thánh giáo. Trên trời có đức Chúa cha, thiên thần ở xung quanh. Dưới một bậc thì có đức chúa Jesus ngồi giữa, thánh Jean và Đức mẹ Maria. Bốn thiên thần cầm 4 quyển thánh kinh. Dưới đất, các vị giáo hoàng, giám mục…. bao quanh. Mình thánh chúa để trên bàn thờ ở giữa để tôn sung tỏ lòng tín ngưỡng của mình.
Sau phòng Chữ ký, Raphael còn được giao trang trí phòng Heliodore, phòng hỏa hoạn của Bourg và phòng Costantine.
Trong vòng 12 năm từ khi làm việc cho giáo hoàng tới khi ông qua đời lúc 37 tuổi, Raphael đã hoàn thành số tác phẩm lớn lao ở Vatican và trong các bảo tàng lớn ở Âu Mỹ. Mặc dù có sự cộng tác của các học trò nhưng trong mỗi tác phẩm, Raphael đều lao tâm suy nghĩ về bố cục, màu sắc….và hầu như không để ý tới sức khỏe. Về sau tòa thánh còn giao cho Raphael quản lý về công trình kiến trúc tòa thánh và điêu khắc… Và trong một lần có lệnh của giáo Hoàng gọi đi, Raphael bị cảm nặng và qua đời lúc 37 tuổi.
Đám tang của Raphal gần như quốc tang của tòa thánh, Raphael là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế giới tiêu biểu cho thời Phục hưng, và cái tên Raphael luôn gợi cho mọi người hình ảnh một người trẻ trung, thanh tú gần như một nhân vật huyền thoại.
Lorenzo Bernini
Lorenzo Bernini (1598-1680) khi còn thiếu niên đã tỏ ra mình là một thần đồng, chưa đầy 15 tuổi đã cùng cha là nhà điêu khắc tạo nên những tác phẩm được nhiều người khen tặng. Khi chưa đầy 20, Đức hồng y Borghese đặt Bernini làm 4 bức tượng cho vườn hoa của ông, chủ đề tùy ý. Bernini đã chọn 4 chủ đề trong cổ sử và thần thoại là: David, Anh hùng Enee cõng cha là Anchise, sự cưỡng bắt Proserpine và Apollo rượt Daphne.
David của Michelangelo, Donatello và Verrocchio đều tạc trong tư thế tĩnh. Còn Bernini lại thể hiện David đang bậm môi quay mình lấy đà để ném viên đá vào đầu đối thủ.
Có thể nói cả thân người David đều căng ra, giống “Người ném đĩa” của Miron, đang lấy hết sức để hạ người khổng lồ. Bức tượng cho thấy sự am hiểu tuyệt vời của Bernini về giải phẫu người.
Cái động còn thể hiện trong tác phẩm Apollo và Daphne. Theo thần thoại Hy Lạp, Apollo ve vãn, tán tỉnh nữ thần Daphne. Daphne khi thấy Apollo đuổi sát rồi thì liền biến thành cây nguyệt quế để lừa Apollo. Tượng Bernini làm thể hiện lúc thân dưới của Daphne hóa ra cành và tóc thì biến thành lá nhưng thân hình vẫn còn là hình người. Thân hình thần ánh sáng và nghệ thuật Apollo cũng đẹp và vạm vỡ không kém.
Đến Rome, vào nhà thờ thánh Pierre thì quảng trường và hai hàng cột Dorien bằng cẩm thạch hình vòng cung danh tiếng, như vòng tay của chúa dang tay đón tín đồ tứ phương nổi tiếng chính là của Bernini.
Vào bên trong Thánh đường này sẽ thấy bức trướng đồng do Bernini làm, người ta cũng đồn bên dưới bức tượng đồng là mộ thánh Peter.
Còn tác phẩm The Angel of Death. Bên trên là tượng Giáo hoàng Alexander VII. Bên dưới là hình một tấm vải rất lớn màu đỏ phủ xuống, được tạc từ một khối cẩm thạch đỏ nguyên khối rất lớn. Nét tạc mạnh mẽ và sống động như tấm vải thật.
Từ dưới tấm vải, là một bộ xương người khô thò lên, đầu lâu cười, tay cầm một cái đồng hồ cát. Bộ xương làm bằng đồng mạ vàng, thể hiện cho Thần Chết. Thần Chết chui từ dưới lớp vải đang báo hiệu thời gian của con người sẽ hết, ai cũng sẽ chết, ngay cả Giáo hoàng cũng sẽ chết. Hai bên là hai tượng thần. Vị thần bên phải đứng lên quả địa cầu. Ngón chân cái của vị thần ấy dẫm lên một cái chốt mạ vàng, cái chốt ấy cắm đúng vào nước Anh, bởi vào thời gian tạc tượng, thì sự Ly giáo của Anh quốc là một mối lo lớn trong lòng giáo hoàng Alexander VII, do đó Bernini đã tạc pho tượng này thể hiện điều đó.
Một công trình vĩ đại nữa của Bernini là Quảng trường Navona ở Rome mà ở đó có đài phun nước Fontana dei Quattro Fiumi với kiệt tác 4 vị thần sông. Bốn vị này tượng trưng cho bốn châu lục là Ganges (sông Hằng, châu Á), Nile (châu Phi), Danube (Châu Âu) và Rio de la Plata (châu Mỹ) và hai đài phun nhỏ hơn là Moro và Nettuno.
Ngoài ra còn có Quảng trường The Fontana di Trevi. Bản thiết kế Trevi do Bernini vẽ nhưng phải tới gần 1 thế kỉ sau nó mới được xây dựng.
Trung tâm của đài phun nước Trevi là bức tượng khổng lồ của thần Neptune, vị thần của biển cả đang oai hùng đứng trên cỗ xe ngựa được điều khiển bởi hai vị thần đầu người thân cá. Một con ngựa thì nghe lời trong khi con còn lại thì đang ở trong trạng thái bất kham. Chúng là tượng trưng cho sự thay đổi bất thường của đại dương. Phía trên là bốn bức tượng đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Bernini có một kỹ thuật kì diệu về tác tượng đá. Chất cẩm thạch cứng rắn đối với Berinini chỉ như bột, bởi ông có thể uốn nắn theo ý mình thành để trở thành da thịt mịn màng của thiếu nữ hay những tà áo lụa nhẹ nhàng phất phơ theo gió. Do đó tên tuổi của Bernini bao trùm mỹ thuật Ý thế kỉ XVII.