Vụ rò rỉ thông tin quy mô lớn trong cơ sở dữ liệu của Cục Công an Thượng Hải liên quan đến dữ liệu cá nhân của 1 tỷ công dân Trung Quốc, bao gồm cả thông tin nhạy cảm liên quan đến người tập Pháp Luân Công bị bức hại ở nước này.
Ngày 30/6, một cư dân mạng có nickname “ChinaDan” đã đăng trên diễn đàn hacker “Breach Forums”, rao bán một lượng dữ liệu khổng lồ từ cơ quan công an Thượng Hải với giá 10 bitcoin (tương đương 200.000 USD).
“ChinaDan” cho biết trong bài đăng: “Vào năm 2022, cơ sở dữ liệu của Cục Công an Thượng Hải (SHGA) đã bị rò rỉ. Cơ sở dữ liệu chứa hàng terabyte dữ liệu và thông tin của hàng tỷ công dân Trung Quốc.”; “Cơ sở dữ liệu chứa thông tin của 1 tỷ công dân Trung Quốc và hàng tỷ thông tin hồ sơ vụ án bao gồm: tên, địa chỉ, nơi sinh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại di động, tất cả các chi tiết về tội phạm/vụ án.”
Với tư cách là người bán, “ChinaDan” cũng cung cấp cái mà anh ta gọi là tập dữ liệu mẫu, chứa 750.000 mẩu dữ liệu. Dữ liệu mẫu đã được tải lên máy chủ của diễn đàn.
Công an Thượng Hải: Đừng lo lắng về điều này, chúng tôi biết
Vụ rò rỉ thông tin này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc như Weibo và WeChat, nhiều người lo lắng rằng thông tin cá nhân đã bị rò rỉ.
Phóng viên của Epoch Times đã gọi điện cho chính quyền thành phố Thượng Hải vào hôm thứ Tư (ngày 6/7) để hỏi về tính xác thực của vấn đề, tuy nhiên bên nhấc máy không trả lời chỉ nói “Hãy đi hỏi Cục Công an“, và đưa số điện thoại của Cục Công an Thượng Hải.
Sau đó, phóng viên đã gọi cho Cục Công an Thượng Hải để hỏi, nhưng một cảnh sát đã hỏi phóng viên đang ở đâu. Sau khi biết cuộc gọi của phóng viên là từ nước ngoài, viên cảnh sát nói: “Việc này không cần phải bận tâm, chúng tôi biết rồi.”
Vào ngày 7/6, phóng viên của Epoch Times đã lấy được mẫu cơ sở dữ liệu của 750.000 người do ChinaDan công bố, nhận thấy đúng như vậy, mẫu cơ sở dữ liệu này chứa thông tin cá nhân và hồ sơ chi tiết tiếp nhận báo cáo các vụ án của cảnh sát.
Theo một số thông tin được tiết lộ trong mẫu dữ liệu, phóng viên đã gọi điện cho nhiều người để xác minh. Trong số đó có một người họ Cố, sống ở Thanh Đảo, đã xác nhận tính xác thực của thông tin về ông với các phóng viên. Nhưng ông nói rằng ông chưa từng đến Thượng Hải và không có liên hệ với Thượng Hải.
Cơ sở dữ liệu của Công an Thượng Hải bị rò rỉ, thông tin nhạy cảm nhất liên quan đến ĐCSTQ
Trong mẫu dữ liệu bị rò rỉ của 750.000 người, phóng viên đã nhập từ khóa “Pháp Luân Công” trong cơ sở dữ liệu báo cáo “case_data_index” để tìm kiếm, và phát hiện trường hợp cảnh sát Thượng Hải bí mật bức hại người tập Pháp Luân Công. So sánh với các báo cáo của trang Minghui.org, thời gian hoàn toàn khớp, điều này cũng chứng thực tính xác thực của cơ sở dữ liệu.
Vào ngày 20/7/1999, khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại những người tập Pháp Luân Công tại Đại Lục, bôi nhọ bịa đặt tung tin phô thiên cái địa. Về sau, ĐCSTQ thấy rằng nếu tiếp tục làm như thế này thì mọi người không những phản cảm với đảng, mà còn sẽ đồng tình với người tập Pháp Luân Công, vì thế đã chuyển sang ngấm ngầm tiến hành bức hại, không để cho người dân biết, thậm chí không để cho quan chức cấp cao trong nội bộ đảng biết.
Trong cơ sở dữ liệu báo cáo vụ án “case_data_index“, có rất nhiều người không biết sự thật (cuộc đàn áp Pháp Luân Công). Sau khi họ nhận được cuộc gọi nói sự thật về Pháp Luân Công (giảng chân tướng), thì đã gọi điện tố cáo với cảnh sát Thượng Hải.
Ngoài ra, trong cơ sở dữ liệu còn có một số vụ bắt bớ phi pháp đối với người tập Pháp Luân Công. Ví dụ, “Phân cục An ninh quốc gia cùng cơ quan chúng tôi thông qua điều tra phát hiện, người trình báo cảnh sát họ Từ (lược bỏ tên), vào ngày 10/6/2009 đã đến cơ quan chúng tôi báo cáo, băng rôn Pháp Luân Công được treo trên tường vây tại bãi đỗ xe ở đường Nghi Sơn, thuộc phố Tiểu Sạp, đường Trung Sơn Tây của thành phố này là do nghi phạm Giang Dũng làm. Hiện nghi phạm này đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự.”
Phóng viên đã tìm kiếm báo cáo trên trang Minghui.org của Pháp Luân Công, người tập Pháp Luân Công ở Thượng Hải có tên Giang Dũng (Jiang Yong) đã được ra tù vào tháng 1/2009 sau khi bị kết án oan sai 8 năm tù. Ông Giang Dũng bị đồn cảnh sát Điền Lâm thuộc phân cục cảnh sát Từ Hối bắt cóc, và bị giam giữ phi pháp tại trại tạm giam Từ Hối. Ông tuyệt thực để phản đối, và được tại ngoại 1 tháng sau đó. Ngày 30/12/2009, ông lại bị cảnh sát an ninh quốc gia Từ Hối và cảnh sát của đồn Điền Lâm bắt cóc, bị giam giữ phi pháp tại nhà tạm giam. Ngày 26/11/2019, ông Giang Dũng chết trong oan ức ở tuổi 51.
Như vậy, ngày 10/6 ông Giang Dũng bị tố cáo, ngày 12/6 ông bị bắt giữ phi pháp, xét về thời gian trong dữ liệu rò rỉ thì trùng khớp.
Tài liệu tố cáo này cũng cho thấy, khi những người Trung Quốc không biết sự thật về Pháp Luân Công nhận được tờ rơi, fax hay điện thoại của người tập Pháp Luân Công, họ đã báo cáo với cục công an địa phương và yêu cầu cảnh sát xử lý vụ việc.
Trong đó có một cư dân phố Châu Gia Độ, quận Phố Đông, Thượng Hải, trình báo với cảnh sát rằng đã nhận được 2 tờ báo màu khổ A4 và 1 cuốn sách nhỏ có thông tin về Pháp Luân Công trong hòm thư của nhà mình, và yêu cầu cảnh sát đến xử lý. Hồ sơ của cảnh sát vào thời điểm đó cho thấy Cục Công an Thượng Hải đã được thông báo, yêu cầu cơ quan An ninh Trung Quốc nắm bắt vụ việc.
Dữ liệu của cảnh sát cho thấy, có nhiều trường hợp Cục Công an Thượng Hải bắt giữ và bức hại người tập Pháp Luân Công. Ví dụ, cô Chu Hiền Văn (Zhou Xianwen) bị bắt vào tháng 7/2007, và một lượng lớn tài liệu về Pháp Luân Công đã bị thu giữ. Qua điều tra thấy rằng từ năm 2007, cô Hiền Văn đã gửi tài liệu Pháp Luân Công qua đường bưu điện từ Bưu điện Tường Ân.
Theo các trường hợp bức hại được trang Minghui.org báo cáo: Người tập Pháp Luân Công Thượng Hải – Chu Hiền Văn đã bị ĐCSTQ bắt cóc nhiều lần và bị giam giữ bất hợp pháp trong các trại giam, trại lao động và trung tâm tẩy não để bức hại. Vào ngày 31/7/2007, cô Chu Hiền Văn bị 8 cảnh sát thuộc phân cục Công an quận Dương Phố bắt cóc. Sau 1 tháng bị giam giữ và bức hại phi pháp, cô tiếp tục bị đưa đến lớp tẩy não quận Thanh Phố để bức hại.
Vào ngày 24/6/2019, cô Chu Hiền Văn bị Cảnh sát An ninh Quốc gia bắt cóc ở Tân khu Phố Đông, Thượng Hải, sau đó cô bị đưa đến Trung tâm giam giữ Trương Giang ở Khu vực Mới Phố Đông để giam giữ và bức hại bất hợp pháp. Cô Chu Hiền Văn vốn là người khỏe mạnh, sau khi bị trại giam bức hại, cô đã xuất hiện các triệu chứng bệnh tim nặng, huyết áp cao. Tháng 9 cùng năm, cô được “bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử” và trở về nhà. Vào ngày 8/8/2021, cô Chu Hiền Văn đã qua đời.
Hiện tại, vụ rò rỉ dữ liệu của hơn 1 tỷ người trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát Thượng Hải đã gây chấn động cộng đồng an ninh mạng toàn cầu. Những tài liệu nhạy cảm này bị rò rỉ thế nào cũng là điều mà rất nhiều người bàn tán.
Có phân tích chỉ ra, vụ rò rỉ này có khả năng là do người trong nội bộ Công an ĐCSTQ làm, chứ không phải do hacker tấn công và làm rò rỉ. Cũng có phân tích chỉ ra, nguyên Cục trưởng Cục Công an Thượng Hải Cung Đạo An bị điều tra và “ngã ngựa” năm ngoái, có khả năng liên quan đến việc này.
Theo The Epoch Times