Tinh Hoa

Rét vì tuyết, lạnh vì sương: Áp lực “sưu cao thuế nặng” từ NĐ-126 đúng lúc suy thoái

Nghị định 126/NĐ-CP được Bộ Tài chính trình và Chính phủ ban hành có hiệu lực ngày 5/12 tới đây đang gây áp lực thực sự lên các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia tài chính cho rằng nghị định này không khác gì “sưu cao thuế nặng”, khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh đã rét vì tuyết lại lạnh vì sương.

(Ảnh minh họa).

Cụ thể Nghị định 126 quy định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm, nếu nộp thiếu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu. 

Nói đơn giản, một doanh nghiệp dự toán nộp thuế năm 2020 là 100 tỷ thì 3 quý đầu năm phải nộp 75 tỷ cho ngành thuế, nếu thiếu thì bị ăn phạt. Nếu quý 4 doanh thu tăng lên, nghĩa vụ nộp thuế tăng cũng ăn phạt, nhưng quý 4 doanh nghiệp mà lỗ khiến số tiền tạm nộp lớn hơn số phải nộp cả năm thì ngành thuế cũng không có trả lãi tạm nộp.

Tổng cục Thuế giải thích rằng nhiều doanh nghiệp không tuân thủ và lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp, không thực hiện tạm nộp hàng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý 4 (thông thường vào ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế.

Nói đơn giản, cơ quan thu thuế nhà nước cho ra một quy định khôn lỏi, đẩy cái rủi ro, oái oăm cho doanh nghiệp và tự giảm nhẹ trách nhiệm quản lý, giám sát của chính mình. Trong khi đó, ngành thuế sắp được hỗ trợ một công cụ mới từ việc được Ngân hàng bị buộc phải cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế cũng từ ngày 5/12 tới đây.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định quy định quản lý thuế kiểu mới này vắt kiệt sức của doanh nghiệp, đang đi ngược lại các chủ trương chính sách của Chính phủ, bộ ngành đang hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Thay vì tháo gỡ, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu thuế lâu dài thì lại tìm mọi cách để đánh thuế, phạt thuế.

Từ Thức (t/h)