Người Maori ở New Zealand nổi tiếng vì tình yêu và ý thức bảo vệ thiên nhiên. Họ có một phong tục rất đặc biệt giúp bảo tồn những tài nguyên thiên nhiên đang dần bị cạn kiệt ở quốc gia này.
Maori là một dân tộc đã sinh sống từ rất lâu tại New Zealand. Người Maori được coi là người bản xứ của quốc gia này cho đến tận ngày nay, và là dân tộc có nhiều nét văn hóa độc đáo. Một trong số đó là rahui – nghi lễ đặc biệt với nhiều ý nghĩa văn hóa và tinh thần. Và quan trọng hơn, rahui được thực hiện nhằm bảo vệ một số loại tài nguyên thiên nhiên đang dần bị mất đi.
Trong văn hóa của người Maori, rahui là một hoạt động thiêng liêng của nhóm bộ tộc Iwi, dựa theo triết lý “bảo vệ thông qua sự cấm đoán”. Theo đó khi nghi lễ rahui bắt đầu, các hoạt động di chuyển và khai thác tài nguyên tại một số khu vực nhất định bị cấm tạm thời cho đến khi họ tin rằng vùng đất đó đã được “hồi phục” khỏi những tác động xấu từ con người.
Với việc thông qua Luật Nghề cá năm 1996, rahui cũng có thể do Bộ Thủy sản New Zealand đưa ra. Ở Quần đảo Cook, Raui (rahui) được Cục Môi trường Quốc gia đưa ra.
Rahui có thể được đưa ra vì nhiều lý do, như giúp người dân nâng cao nhận thức về bảo tồn tài nguyên thực phẩm, hoặc tôn trọng người mới mất trong khu vực,… Nghi lễ Rahui có thể được áp dụng trên đất liền, biển, sông, rừng, vườn, ngư trường và các nguồn tài nguyên khác.
Về mặt truyền thống, nghi lễ rahui nhằm mục đích bảo vệ những giá trị thiêng liêng của vùng đất nơi nghi lễ này diễn ra. Nó thường gắn chặt với quan niệm của người Maori về quyền và trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên.
Ở những vùng nghi lễ rahui đang diễn ra, người ta sẽ đặt những biểu tượng bằng gỗ nhằm thông báo cho người dân rằng khu vực này đang bị hạn chế hoặc bị cấm sử dụng. Các đặc điểm tự nhiên của cảnh quan cũng có thể cho biết ranh giới của khu vực bị hạn chế.
Ngoài ra, mọi người sẽ được thông báo về việc bắt đầu nghi lễ rahui. Những người trong tộc Iwi cũng sẽ thông báo cho dân địa phương, thậm chí chính quyền và người dân còn có thể được mời đến dự buổi lễ chính của rahui. Họ còn thay phiên nhau canh gác tại những khu vực mà rahui đang diễn ra, để tăng cường nhận thức cho người dân về những vấn đề thiên nhiên.
Một ví dụ cho việc thực hành rahui là tại Waitakere – một trong những công viên lớn nhất tại New Zealand. Nơi đây có những con đường mòn tuyệt đẹp, rừng rậm, thác nước và rất nhiều những cảnh quan hoang sơ, thu hút nhiều người yêu thích khám phá thiên nhiên.
Vì vậy, việc bảo vệ tài nguyên và môi trường tại đây là rất quan trọng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.
Vào cuối năm 2017, người Iwi đã thực hiện lệnh cấm tạm thời cho khu vực này trên diện tích 16.000 ha. Mục đích của nghi lễ khi ấy là để bảo vệ giống cây kauri khỏi dịch bệnh đang lây lan, mà chủ yếu do hoạt động của con người và các loài động vật.
Ban đầu chính quyền địa phương không đồng ý với ý tưởng này; tuy nhiên sau nhiều lần thảo luận, họ đã quyết định rằng đóng cửa khu vực này là điều cần thiết phải làm.
Tuy Rahui không phải là luật pháp của quốc gia mà chỉ do bộ tộc cấm và những người vi phạm cũng không phải chịu bất kỳ hình phạt chính thức nào, nhưng việc không tuân thủ nguyên tắc khi rahui bắt đầu có thể được coi là một sự vi phạm văn hóa và nói chung tất cả người dân ở đây có xu hướng tôn trọng các giá trị truyền thống.
Đôi khi, rahui có thể diễn ra tại những khu vực nhạy cảm, đặc biệt là ở những vùng biển bị đánh bắt quá mức. Tại cảng Wakatu vào năm 2002, rahui lần đầu tiên được ban hành có hiệu lực trong 2 năm, trong đó cấm mọi hoạt động đánh bắt thủy sản và lần gần đây nhất nghi lễ này được thực hiện trên biển là tại vịnh Maugnanui.
Dù việc tuân thủ rahui có thể không hoàn toàn bắt buộc, nhưng nó cũng đóng vai trò như một chất xúc tác cho sự thay đổi.
Ví dụ như trường hợp của công viên Waitakere, việc thảo luận giữa chính quyền và bộ tộc iwi cũng tạo sức ép để cả hai bên đưa ra những giải pháp để bảo vệ tài nguyên tại đây, từ đó nâng cao nhận thức cho cả chính quyền và người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên.
>>> New Zealand: Tù trưởng tộc người Maori khởi kiện Giang Trạch Dân
>>> Sinh vật sống to lớn nhất trên thế giới là gì?
Hồng Liên (t/h)