Tinh Hoa

Quyết tâm tu hành của Huệ Khả – Đệ tử kế thừa lừng danh của Bồ Đề Đạt Ma

Huệ Khả là đệ tử lừng danh của Bồ Đề Đạt Ma. Sử sách cho tới nay vẫn lưu lại không ít những câu chuyện đậm chất huyền thoại về cuộc đời của ông. Trong đó, phải kể đến chuyện Huệ Khả quyết tâm cầu Pháp và tu hành.

H-129-02
Huệ Khả cầu Pháp. (Ảnh: Internet)

Huệ Khả sinh vào năm 487 tại huyện Hổ Lao, nay thuộc tỉnh Hà Nam của Trung Quốc. Huệ Khả thực ra là pháp hiệu sau khi xuất gia. Khi còn nhỏ, Huệ Khả được cha mẹ đặt tên là Thần Quang. Từ nhỏ Thần Quang đã được cha mẹ cho theo học Nho. Do trí thông minh, lại có hứng thú với sách vở nên Thần Quang là học trò vô cùng xuất sắc.

Chưa đầy 20 tuổi, Thần Quang đã thông thuộc khắp lượt các loại sách kinh điển của Nho học. Thêm vào đó, do cả cha lẫn mẹ Thần Quang đều rất tin vào Đạo giáo, vì vậy, từ nhỏ ông cũng bị ảnh hưởng, rất thích tìm hiểu Đạo giáo. Thông thạo cả Nho học lẫn Đạo giáo, thế nhưng cơ duyên cuối cùng lại đưa Thần Quang đến với Phật giáo.

Năm Thần Quang hơn 20 tuổi, vua Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy cho phép Bạt Đà xây dựng chùa Thiếu Lâm tại núi Tung Sơn. Thần Quang nghe danh đại sư Bạt Đà ngưỡng mộ lắm mới lặn lội lên Thiếu Lâm tự xuất gia, tu tập theo đường lối Phật giáo tiểu thừa của Bạt Đà. Với trí thông minh và kiến thức uyên bác sẵn có, rất nhanh chóng Thần Quang trở thành đệ tử của Bạt Đà.

Câu chuyện Thần Quang gặp Đạt Ma diễn ra vào năm 518, khi đó Bạt Đà viên tịch đã nhiều năm. Khi đó, ở tuổi 40, Thần Quang đang giảng giải giáo nghĩa tiểu thừa của Phật giáo tại Nam Kinh thì gặp Bồ Đề Đạt Ma. Cũng bắt đầu từ đây, Thần Quang nảy sinh niềm tin với Phật giáo Đại thừa và niềm tin này ngày một lớn hơn. Nhờ có Đạt Ma chỉ điểm, Thần Quang theo Đạt Ma về Thiếu Lâm tự. Trong suốt thời gian Đạt Ma “diện bích” (quay mặt vào tường thiền định), Thần Quang chịu trách nhiệm là người bảo vệ và hầu hạ cho Đạt Ma.

Mặc dù Thần Quang thành khẩn theo học Đạt Ma suốt 9 năm song do trước nay Thần Quang bị ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho học, Đạo giáo lẫn Phật giáo Tiểu thừa, vì vậy, suốt trong thời gian này, Thần Quang vẫn không nhận được sự tin tưởng của Đạt Ma. Thậm chí, mỗi lần giảng kinh, Đạt Ma còn sai người đuổi Thần Quang ra ngoài, không cho tham dự.

Truyền thuyết kể rằng, vào một buổi sáng mùa đông, thời tiết trên đỉnh Tung Sơn rất lạnh, tuyết bay đầy trời, Huệ Khả đến gặp Đạt Ma cầu học pháp. Nhưng khi đến phòng Đạt Ma thì gặp đúng lúc ông đang ngồi thiền. Huệ Khả không muốn đánh động Đạt Ma nên chắp tay đứng đợi ở bên ngoài. Từ sáng tới chiều, rồi đợi tới tận lúc nửa đêm mà Đạt Ma ở bên trong vẫn chưa động đậy. Bên ngoài, Huệ Khả vẫn kiên trì đứng im lặng chờ đợi.

Trời về đêm ngày một lạnh hơn, gió tuyết mù mịt buốt da buốt thịt nhưng Huệ Khả gần như chẳng biết đến thời tiết bên ngoài, đứng im trong bão tuyết không hề động đậy. Cho tới buổi sáng ngày hôm sau, Đạt Ma mới kết thúc ngồi thiền, mở mắt ra thấy Huệ Khả đang đứng ở bên ngoài phòng, tuyết đã phủ kín cả người. Đạt Ma mới hỏi Huệ Khả đứng trong tuyết làm gì, Huệ Khả đáp: “Để cầu sư phụ truyền pháp cho!”. Đến lúc đó, Đạt Ma vẫn chưa cảm thấy lay động, sắt đá nói: “Muốn ta truyền pháp cho người, họa chăng là trời rơi tuyết màu hồng”.

Huệ Khả nghe câu nói này, biết rằng Đạt Ma vẫn lo lắng mình sẽ đem những thứ đã học từ Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo Tiểu Thừa vào trong giáo lý Thiền học Đại thừa nên không chịu truyền pháp cho mình. Để thể hiện quyết tâm của mình cũng là để thuyết phục Đạt Ma, Huệ Khả quyết định chặt đứt một cánh tay ngay trước mặt Đạt Ma. Vì vậy, Huệ Khả thuận tay cầm một con dao sắc chặt đứt cánh tay trái của mình. Máu từ cánh tay phun ra ngoài, làm đỏ cả một đám tuyết xung quanh chỗ đứng của Huệ Khả. Lúc bấy giờ Đạt Ma mới thừa nhận sự quyết tâm của Huệ Khả và quyết định truyền pháp cho ông.

Để thể hiện quyết tâm của mình cũng là để thuyết phục Đạt Ma, Huệ Khả quyết định chặt đứt một cánh tay ngay trước mặt Đạt Ma.

Sau khi tự chặt đứt cánh tay, Huệ Khả được đưa lên đỉnh Bát Vu để dưỡng thương. Mặc dù nói là dưỡng thương, nhưng đây cũng là một thử thách mà Đạt Ma dành cho Huệ Khả. Trên núi Bát Vu cây cối tươi tốt là một chỗ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng rất tốt, tuy nhiên lại tuyệt nhiên không có nước. Đạt Ma mới dùng cây tích trượng của mình chọc một cái xuống mặt đất, lập tức trên mặt đất xuất hiện một miệng giếng.

Nước trong chiếc giếng đầu tiên có vị rất đắng. Chú tiểu theo hầu Huệ Khả muốn đi tìm Đạt Ma muốn nhờ ông tạo ra một cái giếng mới cho vị nước ngọt hơn. Huệ Khả ngăn lại không cho đi, nói: “Không nếm cái đắng sao biết được thế nào là ngọt. Nước mà Đạt Ma sư Tổ ban cho thì cứ uống”. Vì vậy, Huệ Khả và chú tiểu theo hầu dựng lều ngay bên cạnh chiếc giếng và sống luôn ở đó.

Chuyện kể rằng, để Huệ Khả có thể lĩnh ngộ Phật giáo, Đạt Ma còn dùng tích trượng tạo nên các miệng giếng có vị chua, cay và ngọt. Cứ như vậy tu luyện trên đỉnh Bát Vu, nếm đủ các vi chua, cay, đắng, ngọt, sự lĩnh hội của Huệ Khả đối với Thiền tông Đại thừa ngày một sâu sắc hơn.

Sau thời gian dưỡng thương, Huệ Khả bắt đầu du ngoạn khắp nơi vì chưa muốn thu nhận đệ tử và muốn tập trung nghiên cứu kinh Lăng Già mà Đạt Ma giao cho khi truyền Pháp.

Sau một thời gian du ngoạn, Huệ Khả quyết định quay về chùa Pháp Vương trên đỉnh Ngọc Trụ thuộc dãy Tung Sơn lập đàn thuyết pháp, giảng giải kinh Lăng Già. Tương truyền, Huệ Khả thuyết pháp rất hay nên dân chúng kéo đến nghe đông như trẩy hội.

Việc các tín đồ kéo đến nghe thuyết giảng ngày một đông gây ra sự ghen ghét và ganh tị của các vị sư khác. Vì vậy, họ tung tin rằng Huệ Khả truyền bá tà đạo và đem chuyện này thông báo với quan phủ. Do quan phủ bị mua chuộc nên đã cho lính đến bắt Huệ Khả và xử chém ông.

Huệ Khả thản nhiên chấp thuận bản án vô lý dành cho mình, cho rằng điều đó đúng với luật nhân quả, rằng bản thân mình vẫn còn một món nợ phải trả. Huệ Khả mất năm 593, thọ 106 tuổi, tâm ấn của Thiền tông được ông truyền cho Tăng Xán, vị tổ thứ 3 của Thiền tông.

Theo chuahaiquang