Kiếm Hà – một huyện tại Quý Châu, Trung Quốc khi còn là một huyện nghèo cấp quốc gia đã chi gần 300 tỷ đồng để xây tượng nữ Miêu.
SOH đưa tin ngày 21/10, theo các phương tiện truyền thông tổng hợp, pho tượng nữ Miêu được khởi công xây dựng tại huyện Kiếm Hà, tỉnh Quý Châu vào tháng 11/2016 và hoàn thành vào tháng 7/2017. Bức tượng được làm bằng thép không gỉ, toàn bộ bức tượng cao 88 mét, trong đó phần đế cao 22 mét và chân tượng cao 66 mét. Dự án tiêu tốn tổng cộng 86 triệu nhân dân tệ (gần 300 tỷ đồng).
Được biết, huyện Kiếm Hà từng là một huyện nghèo cấp quốc gia, và nó chỉ bị rút khỏi danh sách các huyện nghèo vào ngày 3/3/2020. Vì trong thời gian xây pho tượng thì địa phương này vẫn còn là một huyện nghèo, bị liệt vào danh sách nghèo cấp quốc gia, nên một số người đã đặt câu hỏi về khoản đầu tư khổng lồ của chính quyền địa phương trong việc xây dựng công trình tượng này và nói rằng quỹ này nên được sử dụng để xóa đói giảm nghèo.
Các quan chức địa phương phản hồi rằng việc xây dựng các công trình phụ trợ cho bức tượng này đã bị đình chỉ.
Theo thông tin trên trang web chính thức của chính quyền địa phương, trước đây chính quyền địa phương đã chi số tiền rất lớn để xây dựng thị trấn suối nước nóng Ngưỡng A Toa và xây dựng danh lam thắng cảnh của huyện nhằm phát triển ngành du lịch. Việc xây dựng danh lam thắng cảnh bao gồm pho tượng Ngưỡng A Toa bên trong công trình công viên giải trí Ngưỡng A Toa.
Ngoài công viên giải trí, số tiền đầu tư của Thị trấn Suối nước nóng Ngưỡng A Toa cũng rất lớn. Trước đó, Cục Công an huyện Kiếm Hà cho biết, dự án danh lam thắng cảnh giai đoạn 1 trong vùng trung tâm của thành phố, suối nước nóng Kiếm Hà có tổng diện tích khoảng 430 mẫu, diện tích xây dựng khoảng 100.000m2, tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ nhân dân tệ, được xây dựng theo tiêu chuẩn danh lam thắng cảnh cấp 5A quốc gia.
Theo báo cáo, một bên là pho tượng tốn gần 100 triệu nhân dân tệ để xây dựng, bên còn lại là “nụ cười” mờ mịt của những hộ gia đình nghèo khổ. Ở hầu hết các thị trấn của Kiếm Hà, giao thông về cơ bản không có thay đổi. Những ngôi nhà của dân làng Loan Căn Trại tại thị trấn Sầm Tùng, huyện Kiếm Hà đổ nát và cũ kỹ, với những tòa nhà gỗ đơn sơ, thấp và cũ kỹ, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn. Người dân địa phương than phiền rằng họ thuộc diện hộ nghèo, nhưng không được trợ cấp khi xây nhà. Tất cả số tiền dành dụm được từ việc đi làm hơn 20 năm đều được dùng để xây một ngôi nhà mới.
Trung Quốc phải hoàn thành nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo vào cuối năm 2020, nhưng tình trạng lạm dụng ngân quỹ trên khắp quốc gia vẫn không ngừng lộ ra.
Vào tháng 7 năm nay, video tài liệu “Hãy nhìn cách huyện Độc Sơn đốt 40 tỷ nhân dân tệ!”. Vụ việc 40 tỷ nhân dân tệ nợ tài chính công của huyện Độc Sơn, châu Kiềm Nam, tỉnh Quý Châu một lần nữa được đưa ra trước dư luận.
Trong video, người dẫn chương trình đặt câu hỏi rằng huyện Độc Sơn, nơi chỉ có một con phố và tám thị trấn, đã vay khoản nợ 40 tỷ nhân dân tệ để tạo cảnh quan. Bao gồm cả Bảo tàng cổ huyện Độc Sơn – nơi được cho là có cơ sở vật chất hàng đầu, Tháp chuông Độc Sơn với chi phí ước tính khoảng 30 triệu nhân dân tệ và tháp nước đệ nhất thế giới với chi phí 200 triệu nhân dân tệ, nhưng một số đã trở thành những danh lam thắng cảnh bị bỏ hoang.
Đoạn video cũng đề cập rằng có một dự án quy mô lớn khác ở Độc Sơn là Bàn Cổ trang. Dự án Kinh doanh Du lịch Bàn Cổ trang nằm trong Khu Phát triển Kinh tế Độc Sơn. Đây là dự án được xây dựng vào năm 2013, trên diện tích một km2, xây dựng một khu phức hợp du lịch kinh doanh quy mô lớn với diện tích xây dựng là 1,1 triệu m2. Theo video, chi phí ước tính lên tới 5,65 tỷ nhân dân tệ.
Ngoài các danh lam thắng cảnh, người dẫn chương trình trong video còn đến thăm Thành phố Khoa học và Công nghệ Độc Sơn Hồng Kông, Trung tâm Dữ liệu lớn của Khu Phát triển Kinh tế Độc Sơn và các khu công nghiệp khác, cho biết hiện chúng đã “trắng tay” và là “thành quả của khoản nợ 40 tỷ”.
Ngoài ra, huyện Trấn An ở tỉnh Thiểm Tây, nơi chỉ mới được đưa ra khỏi các quận nghèo đói vào tháng 5/2019, cũng bị truyền thông nhà nước phanh phui vì chi tới 710 triệu nhân dân tệ để xây dựng một trường trung học cơ sở sang trọng với kiến trúc kiểu nhà Đường. Sau khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương can thiệp vào cuộc điều tra, các quan chức địa phương đã khẩn cấp phá dỡ các cảnh quan sang trọng không liên quan đến cơ sở dạy học vào tháng 8.
Lương Phong