Ngày 16/3 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết hối thúc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chấm dứt tội ác mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm.
Nghị quyết này do cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ros-Lehtinen đưa ra, mục đích để Quốc hội Mỹ quan tâm đến tội ác này ở Trung Quốc.
Sự việc này đặc biệt phát triển mạnh từ năm 1999 sau khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân khởi động cỗ máy bức hại Pháp Luân Công. Có chứng cứ chỉ ra, chính ông Giang Trạch Dân trực tiếp ra lệnh cho phép lấy nội tạng học viên Pháp Luân Công để cấy ghép.
Ngày 30/9/2014, Tổ chức Quốc tế Điều tra bức hại Pháp Luân Công đã gọi điện và ghi âm đối với ông Bạch Thư Trung, Trưởng ban Y tế Tổng cục Hậu cần Trung Quốc. Theo đó, ông Bạch Thư Trung đã xác nhận vấn đề cấy ghép nội tạng trong hệ thống bệnh viện quân đội lấy nguồn từ các học viên Pháp Luân Công không phải đơn phương phía quân đội tự làm, nguyên nhân vì có chỉ thị của Giang Trạch Dân.
Đây là tội ác vượt ngoài sức tưởng tượng của cộng đồng quốc tế, vì thế mà cho đến nay nhiều người vẫn không tin, không tưởng tượng được loại tội ác man rợ này có thể tồn tại trong thế kỷ 21.
ĐCSTQ dĩ nhiên không muốn tội ác này được đưa ra ánh sáng. Từ năm 2006, sau khi tấm màn đen mổ cướp nội tạng ở Tô Gia Đồn bị bại lộ, chính quyền Trung Quốc càng đề cao cảnh giác, che giấu sự thật bằng nhiều thủ đoạn. Trên thực tế, tội ác này đến nay vẫn chưa dừng lại, hệ thống Y viện địa phương và quân đội tại Trung Quốc Đại Lục vẫn hoạt động hết công suất trong phẫu thuật thay gan và thận nhờ có “kho nội tạng người sống”.
Nghị quyết của Quốc hội Mỹ lần này nhằm lên án tội ác mổ cướp nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc Đại Lục, đặc biệt là vấn đề mổ cướp tạng học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác. Nghị quyết yêu cầu phải thả các học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bắt giam trái phép.
Báo cáo điều tra của ông Kilgour – cựu Nghị sĩ Quốc hội Canada và luật sư nhân quyền Matas vào năm 2006 đã chỉ ra, từ năm 2000 – 2005 có hơn 41.000 ca cấy ghép nội tạng có nguồn gốc từ chính những học viên Pháp Luân Công bị bắt. Trong Nghị quyết của Quốc hội Mỹ cũng dẫn ra kết luận này của báo cáo điều tra.
Đối với tuyên bố của ĐCSTQ về vấn đề dừng sử dụng nội tạng tù nhân, Nghị quyết cho rằng ĐCSTQ tuyên bố đã chấm dứt nạn sử dụng nội tạng tử tù trong cấy ghép tạng từ ngày 1/1/2015, nhưng lại không giải quyết vấn đề sử dụng nội tạng tù nhân lương tâm.
Điều này phần nào cho thấy tuyên bố dừng sử dụng nội tạng tử tù, chỉ dùng nội tạng hiến tặng là lừa bịp. Vì thế Nghị quyết đã phủ định tuyên bố của ông cựu Thứ trưởng Bộ Y tế ĐCSTQ Hoàng Khiết Phu cho rằng Trung Quốc chỉ dùng nội tạng do hiến tặng. Nghị quyết yêu cầu vấn đề phải được tổ chức độc lập tiến hành điều tra.
Nghị quyết nhắc đến “cấm những người tham gia vào tội ác kể trên nhập cảnh”, yêu cầu hàng năm phải báo cáo tình hình cấp visa Mỹ lên Quốc hội. Điều lệ này là một cú đánh mạnh đối với những kẻ tham gia vào tội ác mổ cướp nội tạng sống, vì con đường chạy trốn sang Mỹ của chúng đã bị chặn lại, cho dù có chạy thoát vào Mỹ cũng khó thoát bị truy cứu “tội ác chống lại loài người”.
Nghị quyết mong muốn ngành Y tế Mỹ nâng cao nhận thức đối với hành vi cấy ghép tạng vô đạo đức ở Trung Quốc, yêu cầu công dân Mỹ không nên đến Trung Quốc để cấy ghép tạng, vì như thế là tiếp tay cho cái ác.
Từ trước đến nay người Mỹ khá thận trọng đối với vấn đề này và chưa đưa ra một Nghị quyết chính thức nào. Trước đó, Liên minh châu Âu đã có một Nghị quyết tương tự. Với việc 166 Nghị sĩ Quốc hội Mỹ cùng tham gia ký tên vào Nghị quyết lần này cho thấy một bước đi đáng khích lệ, cho dù chưa qua thủ tục bỏ phiếu trong Quốc hội Mỹ.
Nghị quyết đã nhận được ủng hộ của đông đảo các Nghị sĩ Quốc hội và đang có bước tiến triển mạnh mẽ để được Quốc hội thông qua. Về vấn đề đối nội, đây là bước tiến nhắc nhở chính quyền của Tổng thống Obama khi luôn đặt quan hệ Trung – Mỹ lên trên vấn đề nhân quyền.
Về đối ngoại, động thái của Quốc hội Mỹ lần này sẽ khiến cộng đồng quốc tế quan tâm hơn đối với tình hình cấy ghép tạng ở Trung Quốc, tạo áp lực lớn cho chính quyền ĐCSTQ.
Theo Đại Kỷ Nguyên