Trong buổi họp bàn ngày 23/4, nhà chức trách Quảng Nam đã thống nhất san lấp quần thể di tích Chăm mới được phát lộ hồi tháng 8/2014 nhằm thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quãng Ngãi, nhưng quyết định này phải chờ ý kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Ngày 23/4, trong buổi họp bàn phương án xử lý di tích Chăm mới được phát lộ tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, nhà chức trách Quảng Nam đã thống nhất việc san lấp di tích này để thi công đường cao tốc. Tuy nhiên, do không đủ thẩm quyền quyết định nên đang chờ ý kiến từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Khoảng tháng 8/2014, một quần thể kiến trúc rộng khoảng 3.000 m2 nằm sâu trong lòng đất được phát lộ khi các công nhân san lấp mặt bằng đoạn qua thôn Chiêm Sơn để phục vụ thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Sau đó, sự việc được báo lên chính quyền địa phương để khoanh vùng bảo vệ.
Theo ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và thắng cảnh Quảng Nam, quần thể phế tích có niên đại khoảng từ thế kỳ IX – XII, thuộc văn hoá Chăm. Sau khi tiến hành khai quật quần thể này, Viện khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện thêm hàng loạt thành phần kiến trúc mới lạ.
Sau khi khai quật khoảng 2.000 m2, các chuyên gia nhận định đây có thể là nơi tập giảng kinh, có quy mô khá lớn và được sử dụng trong thời gian dài của Vương quốc Champa (tồn tại từ năm 192 – 1832). Hằng năm, từ kinh đô Trà Kiệu, đức vua sẽ triệu tập giới tăng lữ về đây để tập giảng kinh sách, luyện các nghi lễ thờ cúng….
Hệ thống kiến trúc này được cho là có mối liên hệ mật thiết với thánh địa Mỹ Sơn và kinh đô Trà Kiệu. Những hiện vật được tìm thấy phản ánh sinh hoạt của giai cấp thượng tầng Chăm. Các chuyên gia nhận định, đây có thể là khu tập giảng kinh của Bà la Môn giáo, khác với di tích Đồng Dương ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam, vốn là một Phật viện lớn nhất Đông Nam Á ở thế kỷ IX.
Sau khi khai quật xong 1.000 m2 còn lại, dự kiến khu vực này sẽ phải bàn giao lại cho đơn vị thi công san ủi toàn bộ, làm đường cao tốc chồng lên trên.
“Các đơn vị đã thống nhất phương án bảo tồn di tích này bằng hình thức 3D. Kết cấu kiến trúc sẽ được lưu lại trong hồ sơ. Các chi tiết hiện vật khai quật lên sẽ được chụp ảnh, quay phim theo không gian 3 chiều rồi lưu lại”, ông Cẩm cho biết.
Vị giám đốc này nói rằng, một số nước trên thế giới cũng làm tương tự khi gặp trường hợp này.
Theo đơn vị chủ đầu tư đường cao tốc, hệ thống kiến trúc mới phát lộ nằm ngoài rìa di tích Triền Tranh đã được phát hiện và công nhận di tích cấp tỉnh trước đó. Trước khi làm đường cao tốc, đơn vị đã tránh vành đai bảo vệ di tích này 70m theo quy định.
Theo VNE