“Phòng 610”, là tổ chức phi pháp nhưng đầy quyền lực, tương tự như Gestapo của Đức Quốc xã, do cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân lập ra để đàn áp Pháp Luân Công. Tuy nhiên, quan lộ của những chủ nhiệm phòng này lại đầy bất trắc.
Phòng 610 – Cơ quan phi pháp đầy quyền lực
Vào ngày 10/6/1999, ông Giang Trạch Dân vì muốn tập trung đàn áp Pháp Luân Công nên đã cho thành lập Tổ 610 Trung ương, việc thiết kế ra văn phòng này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, do Ủy ban Chính trị Pháp luật và ông Giang Trạch Dân trực tiếp điều hành.
Tổ chức này tương tự như tổ chức Gestapo của Đức Quốc xã và Tổ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc trước đây, nó đứng trên cả hệ thống pháp luật, có nhiệm vụ đàn áp trên quy mô rộng những người tu Pháp Luân Công.
Tuy không có cơ sở pháp lý, nhưng Phòng 610 được đặc cách trao cho quyền lực rất lớn, ngoài quản lý chung cả về công an, kiểm sát, pháp luật, còn can thiệp vào nhiều lĩnh vực khác nhau như đặc vụ, ngoại giao, tài chính, quân đội, y tế, thư tín… Như vậy, nó có thể điều động hầu như tất cả các cơ quan quyền lực trên toàn quốc, trở thành trung tâm quyền lực bậc nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Từ khi thành lập đến nay, “Phòng 610” đã có 6 người Chủ nhiệm: Vương Mậu Lâm (từ tháng 6/1999 – tháng 9/2001), Lưu Kinh (tháng 9/2001 – tháng 10/2009), Lý Đông Sinh (tháng 10/2009 – tháng 12/2013), Lưu Kim Quốc (tháng 1/2014 – tháng 1/2015), Phó Chính Hoa (tháng 9/2015 – tháng 5/2016) và Hoàng Minh (tháng 5/2016 – nay). Bắt đầu từ Lưu Kinh trở về sau, chức vụ Chủ nhiệm của Phòng này đều do một Thứ trưởng Bộ Công an kiêm nhiệm.
Trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình mấy năm qua, những người phụ trách chủ chốt của Phòng 610 này như Chu Vĩnh Khang, Lý Đông Sinh và Trương Việt đều lần lượt theo nhau “ngã ngựa”. Những người kế nhiệm sau đó cũng thay đổi thường xuyên, trong vòng 3 năm đã thay đổi 3 người, có khoảng thời gian chức vụ này bị khuyết gần 9 tháng. Người phụ trách hiện nay là ông Hoàng Minh, tuy nhiên chưa từng phát biểu công khai từ năm 2016 đến nay. Tháng 7/2016, Tổ Giám sát của Trung ương Trung Quốc đã từng thanh tra Phòng này.
Những năm gần đây, nhiều chủ nhiệm Phòng 610 tại các cấp hoặc những lãnh đạo liên quan đến Phòng 610 liên tiếp gặp “hạn vận” hoặc bị tử vong theo các nguyên nhân bất thường như: bị tai nạn giao thông, bị đột quỵ, hoặc bệnh nặng đột nhiên phát tác… Vì vậy nhiều người cho rằng chức vụ chủ nhiệm Phòng 610 là một vị trí tử thần nguy hiểm.
Cựu Chủ nhiệm Phó Chính Hoa đang lâm vào nguy cơ
Tháng 1/2017, người kiểm soát Tập đoàn Chính Tuyền là ông Quách Văn Quý tại hải ngoại đã “rò rỉ” thông tin, Thứ trưởng Bộ Công an Phó Chính Hoa “tham ô hủ bại”, “lạm dụng chức quyền”, “muốn gì làm nấy” cho đến việc có dã tâm chính trị, khiến ông này trong thời gian lưỡng hội của ĐCSTQ trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Ông Phó Chính Hoa từng đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Phòng 610 Trung ương từ tháng 9/2015 đến tháng 5/2016.
Đối với các loại chức vụ khác nhau của ông Phó Chính Hoa, trang website của Bộ Công an Trung Quốc trước giờ vẫn không liệt kê chức vụ “Chủ nhiệm Phòng 610 Trung ương”, khác với Lý Đông Sinh và Lưu Kim Quốc, ngay khi vừa nhậm chức đã được liệt kê chức vụ này trên website. Điều này khiến ngoại giới có cảm giác Phòng 610 này gần như ‘bặt vô âm tín’, hay ít nhất là không muốn công khai nhắc đến.
Từ tháng 5/2015, chính quyền Trung Quốc bắt đầu thực hiện chế độ đăng ký lập án, “có án phải xử, có tố phải lập”, đến nay đã có hơn 200.000 người tập Pháp Luân Công và người nhà đã khởi tố ông Giang Trạch Dân lên cơ quan tư pháp tối cao. Tuy nhiên, một bộ phận những người tố cáo đã bị Phòng 610 và cơ quan công an địa phương can nhiễu, bắt giữ. Ông Phó Chính Hoa đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Phòng 610 nên cũng khó thoát khỏi trách nhiệm.
Ngày 3/4, truyền thông Hồng Kông tiết lộ, Cục trưởng Cục Công an Thiên Tân, Trùng Khánh liên tiếp xảy ra chuyện. Có phân tích chỉ ra, điều này cho thấy trung ương đang triển khai thanh lý hệ thống chính pháp ở mức cao. Hệ thống chính pháp tại hai thành phố trực thuộc khác là Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đối diện với kết cục tương tự, tín hiệu bất lợi cho những người như Phó Chính Hoa và Hoàng Minh thường xuyên xuất hiện, đặc biệt với ông Phó Chính Hoa.
Lưu Kim Quốc nhanh chóng rời nhiệm
Sau khi Lý Đông Sinh “ngã ngựa” năm 2013, người thay thế đảm nhiệm Phòng 610 là Lưu Kim Quốc. Tuy nhiên, Lưu Kim Quốc chỉ giữ chức vụ này vỏn vẹn một năm (từ tháng 1/2014 đến tháng 1/2015), sau đó đến Phó Chính Hoa. Trong khoảng thời gian chuyển giao này, vị trí Chủ nhiệm Phòng 610 bị khuyết mất 9 tháng.
Ngày 25/10/2014, tại Hội nghị lần thứ 4 của Ủy ban kỷ luật Trung ương (UBKLTW), ông Lưu Kim Quốc được bổ nhiệm làm Phó Bí thư, Thường ủy UBKLTW. Tháng 1/2015, UBKLTW thông báo, ông Lưu Kim Quốc không còn giữ chức Chủ nhiệm Phòng 610.
Bình luận viên thời sự chính trị Trung Quốc Thạch Cửu Thiên cho rằng thông thường việc sắp xếp nhân sự nội bộ của ĐCSTQ đều có tính toán trước. Việc ông Lưu Kim Quốc trở thành Phó Bí thư UBKLTW làm chức vụ Chủ nhiệm Phòng 610 bị khuyết đến 9 tháng cũng là có lý do. Trước đó, việc cựu Chủ nhiệm Phòng 610 Trương Việt “ngã ngựa” cho thấy hệ thống “610” đang trong giai đoạn suy thoái, ông Tập Cận Bình đang dùng danh nghĩa chống tham nhũng để tiến hành thanh lý hệ thống này.
Lý Đông Sinh “ngã ngựa” – chức vị Chủ nhiệm Phòng 610 lần đầu tiên được công khai
Ông Giang Trạch Dân thành lập Phòng 610, một cơ quan nằm ngoài hệ thống pháp luật của Trung Quốc, nhằm mục đích chính là để bức hại Pháp Luân Công. Lần đầu tiên ĐCSTQ công khai xác nhận Phòng 610 Trung ương thật sự tồn tại là vào cuối năm 2013, cũng là thời điểm tuyên bố người đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Phòng 610 Lý Đông Sinh “ngã ngựa”.
Ngày 12/12/2013, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ Trung Quốc lập tức ngừng việc mổ cướp nội tạng sống người tập Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác. Sau đó 8 ngày, tức ngày 20/12/2013, UBKLTW thông báo ông Lý Đông Sinh bị điều tra vì “liên quan đến vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng“.
Theo tin đưa của Tân Hoa Xã, vị trí của Lý Đông Sinh lần lượt là “Phó nhóm Phòng chống và Xử lý Tà giáo, Chủ nhiệm Văn phòng 610”, kế đến mới là “Phó Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an”. Hiếm khi ĐCSTQ cho nhấn mạnh chức danh bí mật có liên quan đến đoàn thể bức hại Pháp Luân Công một cách công khai như vậy.
Một tờ báo tiếng Trung ở hải ngoại đã phân tích, việc Nghị viện châu Âu cấp tốc ra nghị quyết phơi bày thực trạng mổ cướp nội tạng sống người tu Pháp Luân Công trên toàn cầu là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong hoạt động giảng rõ sự thật về cuộc bức hại của những người tập Pháp Luân Công. Trước tình thế đó, các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ buộc phải bắt ông Lý Đông Sinh để chừa lại một con đường lùi.
Việc chính quyền Trung Quốc công khai thân phận người đứng đầu Phòng 610 Trung ương của ông Lý Đông Sinh là có ý muốn cắt đứt liên đới trách nhiệm với việc bức hại Pháp Luân Công. Sau khi đưa ông Lý Đông Sinh ra công lý, thì cơ quan này cũng bắt đầu xuống dốc.
Cựu Chủ nhiệm Phòng 610 Lưu Kinh bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối
Đầu năm 2016, ông Lý Đông Sinh bị kết án 15 năm tù giam. Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lưu Kinh, người từng giữ chức Chủ nhiệm Phòng 610 trong 8 năm, người kế nhiệm thứ 2, bị chẩn đoán mắc ung thư vòm họng.
Ông Lưu Kinh có thời gian dài đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, từ năm 1999 kiêm chức Chủ nhiệm Phòng 610 Trung ương. Ông này là người lên kế hoạch và chấp hành mệnh lệnh bức hại Pháp Luân Công chính trong phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, được mệnh danh là một trong “tứ đại hung thủ” bức hại Pháp Luân Công (3 người còn lại là ông Giang Trạch Dân, La Cán và Chu Vĩnh Khang).
Trong 8 năm giữ “chức vụ tử thần” này, Lưu Kinh một mặt không ngừng đi các nơi để trực tiếp chỉ huy cuộc bức hại, truyền đạt chính sách “tiêu diệt” Pháp Luân Công của ông Giang Trạch Dân, một mặt phát ngôn với truyền thông quốc tế những điều dối trá nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công với mục đích che giấu cuộc đàn áp và tô vẽ cho việc bức hại nhân quyền trên quy mô lớn.
Vì tích cực đàn áp Pháp Luân Công nên vào tháng 11/2002, sau Đại hội 16 của ĐCSTQ, Lưu Kinh không chỉ đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Phòng 610, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Bí thư Đảng ủy, mà còn được thăng làm Ủy viên Trung ương Đại hội 16 ĐCSTQ.
Năm 2012, Lưu Kinh bị chẩn đoán mắc ung thư vòm họng giai đoạn cuối và bị khởi tố vì bức hại Pháp Luân Công rộng rãi trên quốc tế.
Chủ nhiệm Phòng 610 ở các địa phương cũng gặp nhiều tai ương
Ngoài những người liệt kê trên, những Chủ nhiệm Phòng 610 ở các địa phương cũng gặp nhiều tai ương khác nhau. Theo thống kê chưa đầy đủ, số nhân viên quản lý Phòng 610 địa phương bị tử vong bất thường là hơn 10.000 người. Trang Minh Huệ đã thu thập được một số trường hợp như sau:
Tháng 10/2014, Phó Chủ nhiệm Phòng 610 tại Thanh Đảo là Triệu Mẫn (Zhaomin) bị lập án điều tra vì tội tham ô, đến tháng 10/2015 bị xử tù 8 năm 6 tháng.
Ngày 23/3/2013, Chủ nhiệm Phòng 610 tại thành phố Hán Trung tỉnh Thiểm Tây cùng 6 người thân (con gái, con rể, cháu ngoại, thư ký) bị tai nạn giao thông. Con gái, thư ký và tài xế chết ngay tại hiện trường.
Ngày 7/7/2012, Chủ nhiệm Phòng 610 Lý Giai Minh (Li Jiaming) thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ tỉnh Hắc Long Giang, trên đường đi siêu thị cùng vợ đã bị nhồi máu cơ tim, chết lúc 49 tuổi.
Tháng 2/2012, Phó Chủ nhiệm Phòng 610 Lưu Duy Đông (Liu Weidong) tại thị xã Tê Hà tỉnh Sơn Đông chết vì ung thư ruột kết khi mới 50 tuổi.
Vào 11 giờ chiều ngày 23/12/2011, Chủ nhiệm Phòng 610 huyện Ninh tỉnh Cam Túc là Mạnh Triệu Khánh (Meng Zhaoqing) chạy xe trên đường cao tốc đâm vào đuôi một chiếc xe phía trước khiến thùng dầu bén lửa, xe bị cháy làm Mạnh Triệu Khánh tử vong.
Ngày 14/4/2009, Chính ủy Cục Công an thị trấn Tuy Hóa tỉnh Hắc Long Giang, Chủ nhiệm Phòng 610 thị trấn Tuy Hóa là Vương Chí Kiệt (Wang Zhijie) bị chết vì ung thư.
Năm 2008, nhân viên cốt cát của Phòng 610 tỉnh Vân Nam là Dương Hưng Nguyên bất ngờ bị bệnh rồi qua đời; Chủ nhiệm Phòng 610 huyện Kiến Thủy cũng bị chết vì ung thư.
Chủ nhiệm Phòng 610 huyện An Định tỉnh Hải Nam là Vương Trung Tuấn (Yang Xingyuan) từng hét to: “Các người nói báo ứng, báo ứng ở đâu? Ta đã tóm vô số người trong các người nhưng vẫn tự do tự tại, sống an lành thoải mái, có thấy báo ứng gì đâu”. Chưa đến một tháng sau, người con duy nhất của ông ta bị chết vì trúng độc ở Quảng Châu, đến ngày 8/5/2004, vợ ông ta cũng nhảy giếng tự tử.
Trang Minh Huệ cho biết do chính quyền Trung Quốc phong tỏa tin tức nên số lượng vụ án mà họ có thể thu thập được cũng chỉ giới hạn trong một góc của hiện thực mà thôi.
TinhHoa tổng hợp