New York Times đánh giá Việt Nam và Mỹ trong vài năm qua xích lại gần nhau một cách nhanh chóng, tới mức những “kiến trúc sư” hòa giải phải dùng từ “ngoạn mục” để mô tả.
Các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam ngồi gần nhau tại bàn trong một bữa tiệc do một cựu binh Thủy quân Lục chiến Mỹ tổ chức tại thành phố Đà Nẵng nhân ngày quốc khánh Mỹ. Những người từng đứng ở hai chiến tuyến cùng ăn bánh mỳ kẹp thịt khi giai điệu các bài hát của ban nhạc Creedence Clearwater Revival (Mỹ) vang lên. Do Hung Luan, một cựu binh Việt Nam dùng đũa để ăn bánh burger và cánh gà. Ông Luan từng bị bắt giam và tra tấn trong 9 năm thời chiến. Ngồi cạnh ông là Nguyen Tien, một cựu binh khácmất chân do trúng mìn của quân đội Mỹ. “Tôi cảm nhận được tình bạn. Chúng tôi đã khép lại quá khứ”, ông Tien cười và nói với New York Times. Các cựu binh Mỹ – những người to cao hơn Luan gấp 3 lần – ngồi xung quanh ông. Mối quan hệ Việt – Mỹ đã thay đổi đáng kể và được thể hiệnrõ nét hơn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lần đầu tiên thăm Nhà Trắng vào ngày 7/7. “Đây thực sự là một điểm nhấn trong quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước”, Antony J. Blinken, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, nhận định. Theo giới chức Mỹ, 20 năm sau khi bình thường hóa, vấn đề kinh tế và địa chính trị khiến hai nước càng xích lại gần nhau và hai bên mong muốn nuôi dưỡng mối quan hệ đồng minh nhằm cân bằng sức mạnh của các cường quốc tại khu vực. Chọn hòa bình
Theo các quan chức Mỹ, Việt Nam đang vận động Washington sớm chính thức công nhận quốc gia Đông Nam Á là nền kinh tế thị trường, đồng thời xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí. “Trong tất cả các lựa chọn, Việt Nam chọn cách hòa bình với Mỹ”, Le Van Cuong, một tướng về hưu từng chiến đấu chống Mỹ 50 năm trước, nói. Việt Nam và Mỹ cũng là hai trong 12 quốc gia, không gồm Trung Quốc, đang đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Người Việt Nam nhìn nhận TPP là cách giao dịch trực tiếp với Mỹ mà không phải qua Trung Quốc. Người Việt đã hợp tác với Washington trong quá trình tìm kiếm và hồi hương hài cốt người Mỹ thiệt mạng hoặc mất tích trong chiến tranh. 3 năm trước, Mỹ khởi động chương trình giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc da cam, dù những người chỉ tríchnói rằng Mỹ chưa thực hiện đủ trách nhiệm của họ. Số lượng nhà đầu tư Mỹ, cựu binh chiến tranh và khách du lịch tới Việt Nam ngày càng đông. Ngược lại, số lượng sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ cũng tăng cao, từ 800 (2 thập kỷ trước) lên tới 16.000 người (năm 2014). Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, cũng từng học tập tại Mỹ. Ông David Clark, một cựu binh của Thủy quân lục chiến Mỹ chuyển tới Đà Nẵng năm 2007, từng ngạc nhiên khi người Việt ưa thích đất nước và con người Mỹ. “Khi nhận ra bạn là một cựu chiến binh, họ mời bạn tới ăn tối và trở thành khách mời danh dự”, ông Clark nói. Một cựu binh khác, ông Larry Vetter, cũng khẳng định rằng “mọi người đều rất thân thiện. Người ngoài rất khó để tin được rằng những người Việt Nam chấp nhận chúng tôi”. Vetter cho biết thêm, ông cùng một số cựu chiến binh Mỹ sống tại Đà Nẵng đang hoạt động từ thiện. Mỗi tháng, ông tặng 300 USD cho hai anh em nhiễm chất độc da cam ở Đà Nẵng. Chuck Palazzo cũng là một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ. Ông chuyển đến Việt Nam cách đây 8 năm và hiện điều hành một công ty phần mềm. Palazzo đang vận động các tổ chức tham gia dự án xây dựng nhà tình nghĩa cho 5.000 nạn nhân Việt Nam nhiễm chất độc da cam. Ngày 25/7 tới, người cựu binh Mỹ sẽ chủ trì một buổi đấu giá từ thiện để gây quỹ cho dự án. “Tôi đã học từ người Việt cách tha thứ và luôn nhìn về phía trước”, Palazzo nói và khẳng định Việt Nam và Mỹ hiện có nhiều điểm chung. Ông tin rằng hai nước sẽ trở thành đồng minh thân cận trong tương lai. Hải Anh |
Theo Zing