Quân đội Syria đã không cho người dân rời khỏi Palmyra trước khi thành phố này bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng chiếm giữ, Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết.
LHQ không có văn phòng tại Palmyra, nhưng cho biết thông tin này nhận được từ các nguồn tin cậy.
Tổ chức này nói rằng, họ “vô cùng quan ngại” về tình trạng của người dân bị mắc kẹt lại Palmyra, trong khi có tin về các vụ hành quyết. ISIS cũng chiếm được khu di sản thế giới nằm bên cạnh thành phố, gây lo lắng về tương lai của khu này.
Trước đây tổ chức Hồi giáo đã phá hủy một số di tích cổ có từ trước khi đạo Hồi ra đời.
ISIS đã giành kiểm soát một căn cứ không quân và một nhà tù gần Palmyra, nơi thất thủ chỉ vài ngày sau thành phố Ramadi. Nhóm phiến quân này cũng giành được cửa khẩu cuối cùng giữa Syria và Iraq sau khi quân đội Syria rút đi.
Mất kiểm soát cửa khẩu al-Tanf ở tỉnh Homs đồng nghĩa với việc chính phủ Syria nay không còn kiểm soát các cửa khẩu dọc đường biên với Iraq.
Washington thừa nhận đây là thất bại của liên quân, nhưng Tổng thống Barack Obama nói Mỹ không thua cuộc.
Ravina Shamdasani, người phát ngôn của LHQ tại Geneva, nói với BBC rằng, dân số Tadmur, thị trấn gần khu di tích Palmyra, là khoảng 200.000 và chỉ có 1/3 là đã rút đi được.
Một nhà hoạt động có người thân ở Palmyra cho biết, thân nhân của ông muốn đi sơ tán nhưng không có đường ra.
Người dân cũng tức giận vì truyền thông phương Tây chỉ chú ý tới di tích lịch sử mà không đoái hoài tới họ.
Tổng giám đốc Unesco, Irina Bokova, đã kêu gọi các bên giữ gìn khu di tích.
Bà Bokova nói với BBC rằng, việc bảo vệ các di chỉ như Palmyra không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn quan trọng về an ninh vì lực lượng ISIS đã bán các cổ vật để lấy tiền hoạt động.
Theo BBC