Tinh Hoa

Quân cờ Nhật trên biển Đông

(PL)- Ngày 3-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc Nhật ngừng phát tin đồn về vấn đề biển Đông.

Cuộc tập trận chung Nhật-Philippines hôm 23-6 đã khởi đầu cho hàng loạt tuyên bố chỉ trích Nhật từ Trung Quốc. Điều Trung Quốc lo ngại là Nhật đã điều động máy bay tuần tra P3-C Orion bay đến gần bãi Cỏ Rong trên biển Đông.

Vì sao Philippines bắt tay Nhật?

Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp) đã đăng bài viết với đầu đề “Nhật-Philippines: Liên minh chiến lược mới ở biển Đông?”. Bài viết nhận định cuộc tập trận chung chứng tỏ Philippines sẽ dựa vào sức mạnh quốc phòng Nhật.

Trước cuộc tập trận chung, hôm 5-6, trong ngày cuối cùng trong chuyến công du đến Nhật, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã bày tỏ mong muốn Nhật giữ vai trò hơn nữa trong an ninh châu Á-Thái Bình Dương.

Ông đã ký hợp đồng trị giá 12,79 tỉ yen (2.276,6 tỉ đồng VN) để mua 10 tàu tuần tra Nhật bằng tiền vay với lãi suất thấp của Nhật. Ông cũng thông báo sẽ bắt đầu đàm phán để quân đội Nhật sử dụng các căn cứ của Philippines làm căn cứ hậu cần. Với thỏa thuận này thì máy bay và tàu chiến Nhật có thể vươn tầm hoạt động đến biển Đông.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) giải thích Philippines mong muốn liên minh với Nhật trong bối cảnh Mỹ tuy là đồng minh lâu đời của Philippines nhưng lại không cam kết rõ ràng sẽ giúp Philippines nếu xung đột xảy ra với Trung Quốc.

Philippines xem Nhật như tác nhân cân bằng trong khu vực. Nhật còn sở hữu phi đội 70 máy bay P3-C Orion và trong năm năm tới sẽ triển khai 20 máy bay tuần tra thế hệ mới P-1. Ngoài ra, Nhật cũng có thể sẽ phối hợp với Mỹ tuần tra giám sát hải quân Trung Quốc trên biển Đông.

Ảnh vệ tinh chụp đá Chữ Thập hồi tháng 7-2014 chỉ có một cơ sở nhỏ (trái) và ảnh ngày 28-6 mới rồi. Ảnh: DIGITALGLOBE

Tân Hoa xã “dạy đời”Nhật

Trong và sau cuộc tập trận chung Nhật-Philippines, Trung Quốc không ngừng tuyên bố nắn gân Nhật và Philippines. Ngày 23-6, tức đúng ngày Nhật bắt đầu tập trận với Philippines, Tân Hoa xã (Trung Quốc) đã đăng bài viết chỉ trích Nhật can thiệp vào biển Đông là tính toán sai lầm.

Bài viết cho rằng Nhật quan tâm đến biển Đông chỉ nhằm đánh lạc hướng để Trung Quốc ngưng triển khai các phương tiện đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Bài viết chụp mũ khi Nhật muốn liên minh với các nước đang tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông, Nhật còn có ý đồ tạo bầu không khí thuận lợi để Quốc hội Nhật thông qua các đạo luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

Bài viết moi móc lại quá khứ, tố rằng quyền phòng vệ tập thể của Nhật đã đánh thức quá khứ quân phiệt của Nhật và Nhật can thiệp vào biển Đông nhằm làm cho thế giới quên rằng Nhật không hề cắn rứt đối với tội ác trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Câu kết của bài viết đã bộc lộ ý đồ của Trung Quốc: “Nhật không phải là bên tranh chấp trong khu vực này thì nên dừng gây sóng gió ở đó”.

Trung Quốc “không tiến không lùi”!?

Ngày 27-6, báo Asahi Shimbun(Nhật) đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã “lên lớp” với Nhật tại hội thảo Diễn đàn hòa bình thế giới lần thứ tư do ĐH Thanh Hoa tổ chức ở Bắc Kinh.

Ông nói nguồn gốc xung đột giữa Nhật và Trung Quốc là “Nhật không chấp nhận hoặc không chào đón sự phát triển và trỗi dậy của Trung Quốc”.

Ông khăng khăng nói: “Yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) không tiến không lùi…”.

Đến ngày 29-6, tướng Chu Thành Hổ ở Học viện Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục nhận xét: Mỹ được tuần tra trong khu vực tranh chấp ở biển Đông nhưng sự hiện diện của Nhật là không thể chấp nhận được.

Giải thích vì sao Mỹ thì được, Nhật thì không, tướng này nói Mỹ đã xây dựng căn cứ ở Đông Nam Á và còn hợp tác quân sự với Singapore trong khi Nhật chưa có gì.

Philippines bị tố “lộng giả thành chân”

Đối với Philippines, Trung Quốc cũng hằn học không kém. Trung Quốc lên án Philippines tập trận với Nhật nhằm ý đồ lôi kéo các nước khác (Nhật) kích động gây căng thẳng khu vực.

Liên quan đến sự kiện Philippines phát hành bộ phim tài liệu về biển Đông (ba tập), ngày 29-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh chụp mũ Philippines quảng bá về biển Đông với ý đồ kích động để nhân dân hai nước Trung Quốc và Philippines mâu thuẫn với nhau.

Bà khăng khăng cho rằng Trung Quốc có bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền đối với các đảo trên biển Đông còn Philippines đã “bóp méo thông tin”, “lộng giả thành chân”.

Một ngày sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tố ngược rằng Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế là “khoác vỏ bọc pháp lý cho âm mưu chính trị”.

Trang web news.com.au (Úc) ghi nhận Trung Quốc đang khai thác vị trí địa lý theo hướng có lợi. Tàu bè muốn vào lãnh hải Trung Quốc phải đi qua Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khu vực này, các điểm chiến lược tự nhiên gồm có các eo biển Malacca, Sunda, Lombok trên Ấn Độ Dương rồi đến eo biển Luzon (giữa Philippines và Đài Loan) và chuỗi đảo bao gồm Okinawa (giữa Đài Loan và Nhật).

Từ thập niên 1980, Đô đốc Trung Quốc Lưu Hoa Thanh đã xác lập chiến lược hàng hải bành trướng gồm chuỗi đảo thứ nhất (đường kéo dài từ phía nam Nhật đến phía nam Philippines) và chuỗi đảo thứ hai (từ phía bắc nước Nhật qua đảo Guam đến Indonesia). Mục tiêu đề ra là đến năm 2010, hải quân Trung Quốc phải kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất và đến năm 2020 phải kiểm soát chuỗi đảo thứ hai.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia nhận định hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trên biển Đông của Trung Quốc nhằm ý đồ xây dựng chuỗi căn cứ quân sự dựa theo chiến lược hàng hải nêu trên. Lợi ích của chiến lược này là thiết lập một vị trí cẩn mật để bảo vệ tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân.

DẠ THẢO

Theo Pháp Luật TP.HCM