Tinh Hoa

Quan chức Trung Quốc né lời xin lỗi bác sĩ Lý Văn Lượng

Trong một cuộc họp báo tại Hong Kong liên quan đến tình hình dịch bệnh viêm phổi do virus corona vào hôm 7/2, quan chức ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi chính quyền có xin lỗi về cái chết của Lý Văn Lượng hay không mà chỉ đọc tuyên bố chia buồn, theo CNN.

Tạ Phong, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong, trong cuộc họp báo tại Hong Kong hôm 7/2/2020. (Ảnh qua CNN)

Bất chấp cơn thịnh nộ từ công chúng đối với chính quyền cũng như công tác kiểm duyệt thông tin. Tạ Phong, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong, chỉ đọc một tuyên bố ngắn gọn thông báo chính quyền thành phố Vũ Hán bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc nhất” với gia đình bác sĩ Lý Văn Lượng. Ông Tạ đã không trả lời câu hỏi của phóng viên liệu chính quyền Vũ Hán có phải xin lỗi về cái chết của bác sĩ Lý hay không. 

Bác sĩ Lý Văn Lượng, 34 tuổi, là bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Anh được công chúng Trung Quốc coi là “anh hùng” vì giúp cảnh báo sớm dịch bệnh. Bác sĩ Lý từng gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện gồm 150 bác sĩ, vốn là bạn học cũ, để cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Tuy nhiên, sau đó Lý bị giới chức Vũ Hán triệu tập và buộc ký biên bản với nội dung “phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”.

Đến ngày 8/1, bác sĩ Lý chữa trị cho một người bị bệnh tăng nhãn áp. Người này sau đó có triệu chứng sốt, hình chụp CT cho thấy bà bị viêm phổi do virus. Sau đó vài ngày, BS Lý bị ho, sốt và có các biểu hiện không bình thường, buộc phải nhập viện. Sau nhiều ngày chẩn đoán, BS Lượng đã bị nhiễm bệnh, dương tính với corona. 

Bác sĩ Lý từng tâm sự với truyền thông khi được hỏi về kế hoạch sau khi khỏi bệnh: “Hồi phục xong, tôi vẫn muốn lên tuyến đầu làm việc. Dịch bệnh đang lây lan, tôi không muốn làm kẻ bỏ trốn!” Nhưng Bác sĩ Lý đã không qua khỏi và qua đời vào khoảng 21h30 ngày 6/2. 

Tuy nhiên sau đó, tờ Thời báo Hoàn cầu lại cho biết Lý đang được cấp cứu bằng phương pháp ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) giúp tim bơm máu và giữ cho máu được oxy hóa mà không đi qua phổi. Rồi sau đó họ thông báo lại Lý đã qua đời vào lúc 2h58’ sáng 7/2. Hồ sơ bệnh án của bác sĩ Lý đều không được công bố.

Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu – phụ bản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo viết: “Vũ Hán nợ Lý Văn Lượng một lời xin lỗi. Các quan chức Vũ Hán và Hồ Bắc cũng nợ người dân Hồ Bắc và toàn quốc một lời xin lỗi trịnh trọng. Tại sao các quan chức hàng đầu của thành phố Vũ Hán không đi an ủi Lý Văn Vượng lúc anh bệnh nặng, tại sao họ không sớm thay đổi thái độ trước đó với anh? Chính quyền và các quan chức của chúng ta làm sai, cúi đầu xin lỗi người hàm oan, lẽ nào việc này khó lắm sao?”

Chính quyền Bắc Kinh thông báo Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo sự nguy hiểm của virus corona đã qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán hôm 7/2. (Ảnh qua New Sky)

Ông Hồ Tích Tiến cho rằng, không thể đẩy hết trách nhiệm lên cảnh sát, bởi vì vào thời điểm đó, nhận thức của mọi người về dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới còn quá ít và các nhân viên cảnh sát cũng chỉ đang thực hiện theo chức trách được giao.

Tại sao các quan chức Vũ Hán không có thái độ tích cực vào thời điểm này, điều này không chỉ trả lại sự công bằng cho Lý Văn Lượng mà còn chủ động tháo gỡ nút thắt đang khiến nhiều người cảm thấy khó chịu? Tinh thần chịu trách nhiệm của người làm quan như họ đi đâu cả rồi?“, ông Hồ Tích Tiến đặt câu hỏi.

Ông này cũng kêu gọi quan chức các địa phương cần tôn trọng và đối diện thẳng thắn với quần chúng nhân dân, một khi phạm sai lầm thì họ cần phải sửa chữa kịp thời, chấp nhận những lời chỉ trích của người dân với tinh thần khiêm tốn. “Quần chúng nhân dân không thể bị khiêu khích. Bất cứ ai khiêu khích quần chúng nhân dân cuối cùng đều sẽ phải trả giá“, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh

Tờ Daily Mail cho biết, sau khi những lùm xùm và giận dữ trên các phương tiện truyền thông xã hội, gia đình của bác sĩ Lý được trả 90.000 bảng (khoảng 2,72 tỷ tiền Việt Nam) và chính quyền Bắc Kinh thông báo cái chết của anh là do chịu ‘tổn thương tại nơi làm việc’.

Một người bình luận trên WeChat tiết lộ rằng chính phủ đã chỉ thị tất cả các phương tiện truyền thông phong tỏa tin tức về bác sĩ Lý. “Anh không được phép nói. Anh thậm chí còn không được phép chết“, cô cho biết.

Bác sĩ Li Wenliang chỉ được phép’ chết ‘sau khi hầu hết người dùng Internet đã đi ngủ’, một người khác viết trên Weibo, tuyên bố bệnh viện nơi bác sĩ Lý từng làm việc đã gấp rút từ chối các báo cáo liên quan và tuyên bố cái chết của bác sĩ trong vài giờ hôm 7/2 .

Theo New York Times, cái chết của bác sĩ Lý làm lộ ra một vấn đề vốn không được đề cập trong các số liệu cập nhật hằng ngày của Trung Quốc: Có bao nhiêu bác sĩ, y tá đã nhiễm virus corona chủng mới? Hôm 3/2 mới đây, chính quyền quận Tây Thành ở Bắc Kinh còn phát hiện một ổ dịch virus corona chủng mới ngay trong một bệnh viện trên địa bàn. Có 5/9 người nhiễm là y bác sĩ tại bệnh viện này.

Thiện Thành (t/h)