Tinh Hoa

Quan chức Trung Quốc bị cảnh sát Séc bắt giữ vì hành vi bạo lực

PRAHA – Chuyến công tác của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Diễn đàn kinh tế lớn với sự tham gia của lãnh đạo các quốc gia Trung và Đông Âu đã gây chú ý bởi vụ một nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc bị bắt giữ vì hành vi bạo lực chống lại những người biểu tình.

DNES, một tờ báo lớn ở Séc đưa tin về  những liên quan của Trương Cao Lệ trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc

Ngay khi đoàn đại biểu Trung Quốc đến nơi thì nổ ra cuộc tranh cãi về việc Chính phủ Séc xử lý thế nào đối với những cá nhân như người đứng đầu đoàn Đại biểu Trung Quốc.

Ngày 28/8, ông Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng thứ nhất của Trung Quốc và là một  trong 7 thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị dẫn đầu đoàn đại biểu 500 người gồm các quan chức và doanh nhân đến Praha tham dự Diễn đàn Đầu tư vào Trung Quốc. Diễn đàn diễn ra trong hai ngày nhằm tăng cường quan hệ kinh tế cũng như chính trị giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu. Các bên đã thảo luận về những dự án đầu tư lớn.

Ông Trương Cao Lệ được các nhà hoạt động nhân quyền “chào đón” thông qua việc vạch trần việc ông ta tham gia bức hại môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Mặc dù các quan chức cấp cao Trung Quốc tham gia bức hại Pháp Luân Công thường bị kiện khi họ ra nước ngoài nhưng Hiệp hội Pháp Luân Công tại Cộng hòa Séc đã quyết định không kiện ông Trương ra tòa trước chuyến công tác này của ông. Thay vào đó, họ tập trung đưa vấn đề này ra công luận.

“Cuối cùng chúng tôi quyết định không kiện vì nghĩ việc này sẽ không mang lại tác dụng lớn”, ông Milan Kajinek, thành viên Hiệp hội Pháp Luân Công tại Cộng hoà Séc cho biết. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ công bố rộng rãi những tài liệu phơi bày hành động của ông ta”.

Thông báo điều tra ông Trương Cao Lệ được Tổ chức thế giới về điều tra bức hại Pháp Luân Công công bố ngày 25 tháng 8 đã giới thiệu tóm tắt tội ác của Trương như sau: “Ông Trương Cao Lệ đã tham gia bức hại tại tỉnh Quảng Đông, Thâm Quyến, Sơn Đông và Thiên Tân khiến hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công ở khu vực này bị bắt cóc, bị giam giữ và bị kết án bất hợp pháp. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công bị tra tấn dẫn đến bị thương, tàn tật và chết. Ông Trương bị nghi ngờ phạm các tội ác diệt chủng, tra tấn và chống lại loài người.

“Tôi rời khỏi hội nghị nửa tiếng sau lễ khai mạc sau khi đọc được thông tin về kẻ tồi tệ tham dự Diễn đàn này.” – Một doanh nhân Séc nói về quyết định của mình khi rời khỏi Diễn đàn đầu tư vào Trung Quốc.

Người dân Cộng hòa Séc vẫn còn lưu giữ những ký ức đau buồn dưới thời kỳ lãnh đạo độc tài của Đảng Cộng sản và những lời buộc tội chống lại các quan chức Trung Quốc nhận được ủng hộ của công chúng. Nhiều cơ quan truyền thông lớn của Cộng hòa Séc đã tiếp nhận thông tin từ Hiệp hội Pháp Luân Công và đưa tin về các tội ác của Trương. Hiệp hội cũng gửi thư điện tử tới thành viên tham dự Diễn đàn và thông tin nhanh chóng được phổ biến đến các thành viên.

Một trong số các doanh nhân đã viết thư cho Hiệp hội Pháp Luân Công nói rằng: “Cảm ơn các bạn đã gửi thông tin cho tôi. Tôi rời khỏi hội nghị nửa tiếng sau lễ khai mạc sau khi đọc được thông tin về kẻ tồi tệ tham dự Diễn đàn này”.

Một doanh nhân khác tham dự Diễn đàn nói với những người biểu tình bên ngoài hội nghị là thông tin về ông Trương Cao Lệ đã làm thay đổi toàn diện cách nhìn của những người tham gia Diễn đàn về ông ta”.

Trong email gửi Thời báo Đại Kỷ Nguyên, ông Roman Joch, cựu cố vấn của Thủ tướng và hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu Thành phố nói rằng “Phó Thủ tướng thứ nhất Trương Cao Lệ là…người có bàn tay nhuốm máu, máu của hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn người vô tội, họ hoàn toàn không phạm tội mà chỉ bày tỏ một cách ôn hòa niềm tin của họ”. “Ông ta có biểu hiện của một quan chức quan liêu, chỉ biết “thực thi mệnh lệnh” – như Eichman (1) đã làm 70 năm trước đây”.

Những người biểu tình bị tấn công

Một nhân viên của Đại sứ quán Trung Quốc đã bị cảnh sát Prague còng tay sau khi tấn công các học viên Pháp Luân Công biểu tình bên ngoài Diễn đàn đầu tư Trung Quốc , vào ngày 28 Tháng Tám, bên ngoài Prague Castle. (Sun Hao / Epoch Times)

Ngày 28/8, ngày đầu tiên của hội nghị, những người biểu tình phản đối hành động vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc và những người chào đón đoàn đại biểu Trung Quốc đã tập trung bên ngoài toà nhà Prague Castle, nơi diễn ra hội nghị.

Những người phản đối đem theo biểu ngữ còn những người chào mừng cầm cờ Trung quốc cỡ lớn. Theo Minh Huệ (Minghui.org), trang web do các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài lập nên, những người chào đón đoàn đại biểu đã bao vây và đẩy các học viên Pháp Luân Công.

Cảnh sát Praha yêu cầu nhóm chào đón đoàn đại biểu Trung Quốc đứng ở một bên đường, nhường chỗ cho các học viên Pháp Luân Công đứng ở bên kia đường nhưng một nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc có đeo thẻ nhân viên Chính phủ ở trên cổ đã phản ứng mạnh mẽ trước yêu cầu của cảnh sát.

Để tránh xung đột với người của Đại sứ quán Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công đã lui lại sau một toà nhà. Khi ô tô dẫn đường của đoàn đại biểu Trung Quốc đến, nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc và hai người nữa trong nhóm những người ủng hộ đã xông vào nhóm học viên Pháp Luân Công, giật biểu ngữ và có hành động bạo lực, họ lờ đi cảnh báo của các cảnh sát. Bức ảnh đăng trên trang web Minh Huệ cho thấy một biểu ngữ Pháp Luân Công đã bị xé làm đôi trong vụ tấn công này.

Quyền con người và hoạt động kinh doanh

“Chúng tôi không muốn ngăn cản hoạt động kinh doanh với Trung Quốc”, bà Veronika Sunova, người đứng đầu Hiệp hội Pháp Luân Công tại Cộng hòa Séc phát biểu với cơ quan truyền thông địa phương.

“Tuy nhiên chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng đầu tư vào Trung Quốc có thể mang lại lợi nhuận cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quan trọng là số tiền đó có thể được dùng để đàn áp Pháp Luân Công”.

Đầu năm nay, Tổng thống Milos Zeman và Thủ tướng Bohuslav Sobotka Cộng hòa Séc cho biết họ muốn tăng cường mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc và vì vậy sẽ không đề cập đến vấn đề nhân quyền trong các cuộc hội đàm với đối tác Trung Quốc. Lập trường này không nhận được ủng hộ của người dân cũng như các chính trị gia thuộc phe đối lập.

Cựu Bộ trưởng Bộ Môi trường, ông Martin Bursik mang theo cờ Tây Tạng tham dự Hội nghị vào buổi sáng ngày 28 tháng 8 để biểu thị sự ủng hộ đối với những người phản đối đoàn đại biểu Trung Quốc. Ô

ng Bursik bày tỏ quan điểm trước phát biểu của Thủ tướng Séc: “Tôi cảm thấy sự cấp thiết trong việc thể hiện thái độ không hài lòng đối với hình thức của Diễn đàn đầu tư vào Trung Quốc. Tôi cho rằng nếu nói đây là đỉnh cao trong quan hệ giữa Séc và Trung Quốc thì thật đáng hổ thẹn”.

Mới đây, một số nghệ sĩ nổi tiếng của Séc thông báo sẽ tổ chức buổi hòa nhạc vào ngày 6 tháng 10 với chủ đề “Lương tâm không thể đem ra mua bán” để ủng hộ Pháp Luân Công và luật sư người Trung Quốc Cao Trí Thịnh (người bị bắt giam vì nhận bào chữa cho học viên Pháp Luân Công). Trong số các nghệ sĩ tham gia có ca sĩ Marta Kubisova, bạn lâu năm của cựu Thủ tướng Vaclay Havel, đồng thời là cựu phát ngôn viên của Hiệp ước 77 về hoạt động chống lại chế độ cộng sản của Cộng hòa Séc.

(1) Eichman: tên đầy đủ là Adolf Eichmann, sinh ngày 19/3/1906, bị tử hình ngày 31/5/1962, là trung tá lực lượng vũ trang Đức Quốc xã. Với đầu óc có tổ chức và lý tưởng quốc xã sâu đậm, Eichman được cấp trên giao trách nhiệm chính trong kế hoạch thủ tiêu người Do Thái ở châu Âu.

Theo Đại Kỷ Nguyên