Ăn theo độ nóng của bộ phim Ấn Độ “Cô dâu 8 tuổi”, nhiều điểm kinh doanh nhanh chóng in hình ảnh dàn diễn viên chính lên quần áo, dép, cốc, quạt… để thu hút khách.
Chị Trần Viên, chủ một cửa hàng tại chợ Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bộ quần áo hè ngắn tay in hình cô bé Anandi – nhân vật chính trong phim Cô dâu 8 tuổi – đang được nhiều người ưa chuộng. Trong sạp hàng, sản phẩm trên bán chạy hơn cả, với doanh số gấp đôi những món khác. Chỉ trong một tuần, hơn 100 bộ đã được bán. “Chất liệu hàng chợ chỉ ở mức trung bình nhưng tôi vẫn mua vì áo in hình Anandi, nhân vật con gái tôi rất thích”, chị Nguyễn Thị Thanh, nhà ở phố Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết trong lúc đứng chọn mua đồ ở chợ Ngã Tư Sở. Theo khách hàng này, các nhà sản xuất đã bắt nhịp nhanh khi bán đồ ăn theo bộ phim đang được xem nhiều. Ngoài quần áo, những sản phẩm khác ăn theo Cô dâu 8 tuổi như cốc, quạt… cũng được bán nhiều tại các chợ ở Hà Nội. Tại chợ Ngã Tư Sở, Phùng Khoang, Nhà Xanh, giá bán những món đồ này dao động 20.000-120.000 đồng.
Khi thấy trên mạng xã hội bàn tán rầm rộ về Cô dâu 8 tuổi cùng cô bé Anandi, anh Nguyễn Thanh Phong, chủ cửa hàng lưu niệm nảy ra ý tưởng in hình nhân vật này lên áo, gối, cốc… Mỗi sản phẩm có giá 60.000-150.000 đồng. Khách mua phần lớn là học sinh, sinh viên. Một số phụ huynh cũng đặt in gối làm quà cho con. Anh Phong cho biết, việc ăn theo các trào lưu “hot” chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn. Vì thế, người làm kinh doanh phải tận dụng cơ hội để quảng bá sản phẩm nhanh và rộng rãi. Dịp SEA Games 28, anh Phong nhận đơn hàng lên đến 400 chiếc áo in số, tên cầu thủ Công Phượng. Nhưng sau khi sự kiện kết thúc, lượng khách đặt cũng thưa dần.
Một số điểm bán hàng trực tuyến cũng tranh thủ sử dụng câu nói quen thuộc trong phim “Ôi, thần linh ơi!”, hay hình ảnh Anandi, Jagdish để quảng cáo, hút khách mua hàng. Khi tung lên trang cá nhân hình ảnh đôi dép in hình Anandi và tên bộ phim Cô dâu 8 tuổi, chị Phương Linh, chủ một cửa hàng giày dép ở TP HCM cho biết, lượng truy cập trang bán hàng tăng mạnh. Rất nhiều khách hỏi mua đôi dép trên nhưng chị lấy lý do cháy hàng để từ chối. “Thực chất, tôi không bán sản phẩm mà chỉ lấy ảnh đôi dép trên Facebook một người bạn chụp ở chợ để đưa lên trang bán hàng cá nhân”, Phương Linh chia sẻ. Theo thông tin từ TodayTV, kênh truyền hình đang phát bộ phim này, giá quảng cáo khung giờ chiếu Cô dâu 8 tuổi đang cao nhất (40-50 triệu cho 30 giây). Các chương trình, phim thông thường khác, giá quảng cáo chỉ 12 triệu đồng. Trước và trong một tập phim có 3 lần quảng cáo, mỗi lần 5 phút. Ngọc Lan |
Theo Zing