Tắc kè hoa thay đổi màu sắc để tránh kẻ thù, Columbus phát hiện ra châu Mỹ, quả táo rơi trúng đầu Isaac Newton… là những lầm tưởng phổ biến.
Tắc kè hoa thay đổi màu sắc để ngụy trang: Tắc kè hoa có thể thay đổi màu da để phù hợp màu sắc và địa hình của môi trường xung quanh. Nhiều người lầm tưởng hành động này nhằm giúp nó trốn kẻ thù. Tuy nhiên, thực tế, chúng đổi màu sắc với mục đích duy trì nhiệt độ cơ thể, cũng như để giao tiếp với những con tắc kè hoa khác.
Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ: Nhiều người tin rằng Christopher Columbus là người đầu tiên phát hiện ra châu Mỹ, nhưng thực tế không phải vậy. Người Mỹ bản địa đã sinh sống ở đây từ rất lâu. Người châu Âu đầu tiên đến châu Mỹ được các nhà sử học công nhận là nhà thám hiểm người Viking Leif Erikson. Ông khởi hành từ Greenland đến Newfoudland tại Canada vào khoảng 1.000 năm sau công nguyên. Trong lịch sử, hành trình của Columbus đến châu Mỹ vào năm 1492 đã mang theo một số căn bệnh khiến khoảng 90% người Mỹ bản địa thiệt mạng. Chuyến đi của ông mang ý nghĩa mở đường cho chủ nghĩa đế quốc châu Âu phát triển ở Tây bán cầu.
Isaac Newton phát hiện ra lực hấp dẫn khi bị quả táo rơi trúng đầu: Sự thật là quả táo đã không rơi trúng đầu Newton. Ông bắt đầu suy nghĩ và đưa ra giả thuyết về lực hấp dẫn khi nhìn thấy một quả táo rơi từ trên cây xuống. Câu chuyện này được ghi lại trong hồi ký của chính Newton.
Con người chỉ có thể cảm nhận một số vị nhất định trên từng bộ phận của lưỡi: Thực tế, phần nào trên lưỡi cũng có thể phát hiện tất cả vị. Trung tâm Mùi và Vị của Đại học Florida, Mỹ, cho rằng một số vùng có thể dễ dàng tiếp nhận vài vị nhất định hơn những vùng khác.
Vạn Lý Trường Thành là công trình nhân tạo duy nhất có thể nhìn thấy từ vũ trụ: Alan Bean, phi hành gia của tàu Apollo 12, nói với NASA: “Thứ duy nhất có thể thấy khi nhìn Trái Đất từ Mặt Trăng là quả cầu tuyệt đẹp với màu sắc chủ yếu là trắng, xanh dương, vàng và đôi khi là màu xanh lá. Không vật thể nhân tạo nào có thể được nhìn thấy ở đây”. Năm 2003, một phi hành gia Trung Quốc thừa nhận anh không thể nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành từ không gian bởi điều kiện thời tiết không cho phép. Trong điều kiện thích hợp, các phi hành gia tại Trạm Vũ trụ Quốc tế có thể nhìn thấy các thành phố lớn, Kim tự tháp Giza và một số cây cầu lớn từ không gian.
Ngửa mặt lên trời sẽ khiến máu cam ngừng chảy: Khi còn nhỏ, bạn có thể được dạy rằng ngửa mặt lên trời có thể ngăn chảy máu cam. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng đây không phải giải pháp tốt. Thay vì ngửa mặt, bạn nên cúi đầu về phía trước và bóp mũi để ngăn dòng máu chảy ra. Ngửa mặt lên trên không những chẳng làm cho máu cam ngừng chảy mà còn có thể dẫn đến những tổn thương khác. Nó có thể khiến máu chảy vào cổ họng, dạ dày và xuất hiện những triệu chứng khó chịu hơn nữa.
Lạc đà giữ nước trong bướu: Bạn có thể nghĩ rằng lạc đà trữ nước trong bướu, song điều này không đúng sự thật. Thực tế, bướu của lạc đà là nơi trữ chất béo. Chỗ chất béo này hoạt động như một nguồn lương thực dự trữ dùng cho những lúc lạc đà phải đi một chặng đường dài với nguồn lương thực hạn chế. Theo Animal Planet, một con lạc đà có thể sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng thay thế lương thực trong 3 tuần. Điều kỳ diệu khiến loài vật này có thể sống nhiều ngày mà không cần uống nước nằm ở các tế bào máu. Không giống những sinh vật khác, lạc đà có các tế bào máu hình bầu dục. Chúng linh hoạt hơn và có thể lưu trữ một lượng nước lớn.
Theo Zing.vn