Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nghi ngờ thành tích của ngành giáo dục khi có quá nhiều học sinh giỏi.
Trên các trang mạng xã hội liên tục xuất hiện hình ảnh phụ huynh “khoe” bảng điểm tổng kết “rất đẹp” của con sau một năm học tập. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo lắng và bày tỏ quan điểm về những vấn đề xung quanh ngành giáo dục . Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, lời khen quan trọng đối với trẻ em, nhất là khen đúng. Điều này sẽ tạo động lực cho các em có sự cố gắng, phấn đấu trong học tập. Lời khen tốt không chỉ khích lệ kịp thời mà còn chỉ ra được những yếu kém của các em. Đưa ra lời phê phán trước thiếu xót là bình thường. Trở lại với chuyện quá nhiều học sinh giỏi – cũng giống như trao bằng khen tràn lan, ông Quân cho rằng sẽ gây ra nhiều “hậu quả tai hại”. Được khen những điều chưa đạt sẽ khiến các em ngộ nhận rằng các em đã quá tốt, giỏi và không cần phải phấn đấu, cố gắng. “Đó là sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm của ngành sư phạm, nếu chúng ta chạy theo bệnh thành tích và trao quá nhiều bằng khen giỏi cho học sinh”, ông Quân nói. Quá nhiều học sinh giỏi đã khiến cho cha mẹ băn khoăn, lo lắng Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, có nhiều học sinh giỏi là điều đáng mừng, nếu phản ánh đúng kết quả học tập. Nhưng trong xã hội của chúng ta, không chỉ riêng giáo dục, mà mọi ngành, mọi cấp đều có các mức giỏi, khá, trung bình,… Đó là một quy luật, chứ không thể nhiều đột biến học sinh giỏi như hiện nay. “Tôi nghi ngờ về điều đó và kết quả này không phản ánh được đúng thực tế của nó. Học sinh giỏi nhiều như vậy có phải chăng ngành giáo dục của nước ta xuất sắc?”, nguyên Thứ trưởng băn khoăn. Theo ông Nhĩ, nếu tình trạng này kéo dài, ngành giáo dục sẽ suy thoái, bởi vì tất cả các học sinh đâu cần phải phấn đấu. Càng ngày càng giỏi, càng tốt thì đâu mới là người giỏi, người tài thực chất để mà phục vụ đất nước. Xã hội không phải cái gì cũng tốt, nên cần phải xem xét lại phương pháp dạy học như thế nào mà có kết quả không chính xác như vậy. Để đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh phụ thuộc vào năng lực và đạo đức của người thầy giáo. Đạo đức và trách nhiệm của người thầy làm sao xứng đáng là một người thầy để không có hiện tượng tiêu cực sảy ra. Điều đó cũng là một năng lực trong đào tạo. Cha mẹ không nên chạy theo bệnh thành tích trong giáo dục mà cần theo dõi con em mình một cách thường xuyên sẽ đánh giá đúng được năng lực. Nếu học sinh học yếu cần có phương thức hợp lý để xử lý giúp con học tốt.
Bảng điểm tổng kết của một học sinh lớp 2 tại Hà Nội (Ảnh: L.Đ) Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT Trường THPT trường trung học Lương Thế Vinh (Hà Nội), trung bình ở trong lớp học, có 10% học sinh giỏi, 20-30% học sinh khá đã là tốt lắm rồi. Nếu 100% học sinh trong lớp khá giỏi thì bất thường quá. Nguy hiểm nhất là không đánh giá được khả năng, chất lượng học sinh. Nếu cứ khá giỏi hết, học sinh không cần học cũng điểm 10 hết, các em sẽ mất động lực, không phấn đấu học tập. Phó Giáo sư cũng cho rằng, “đáng lo ngại” khi tỷ lệ học sinh giỏi quá nhiều. Các nền giáo dục tiên tiến coi chuyện khá, giỏi hay trung bình, đạt yêu cầu là chuyện rất bình thường, không phải tranh nhau để đứng đầu. Do vậy, các cơ quan quản lý giáo dục, nên có buổi hội thảo, lấy ý kiến nhà khoa học nhìn nhận lại về vấn đề trên. |
Theo 24h.com.vn