Tinh Hoa

“Quả cầu lửa” sao băng rực sáng bầu trời đêm trải dài từ Mỹ đến Canada

Mới đây, một “quả cầu lửa” sao băng được phát hiện ở một số bang của Hoa Kỳ và vài nơi ở Canada. Theo Hiệp hội Sao băng Hoa Kỳ, họ đã nhận được hơn 500 báo cáo về ngôi sao băng này.

Hiệp hội Sao băng Hoa Kỳ cho biết trong một bài báo ngày 5/10: “Quả cầu lửa được nhìn thấy chủ yếu ở Ontario, Canada nhưng các nơi khác như New York, Pennsylvania, Maryland, New Jersey, Washington DC, Michigan, West Virginia, Delaware, Massachusetts, Virginia và Québec cũng báo cáo về sự kiện này”.

“Cảnh sát và lính cứu hỏa Toronto, Canada đã nhận được nhiều cuộc gọi về tai nạn của “một máy bay đâm vào Bến cảng Toronto”, nhưng may mắn thay, nó chỉ là một quả cầu lửa trên bầu trời đêm”.

Hiệp hội Sao băng Hoa Kỳ cho biết đã có hơn 500 báo cáo về ngôi sao băng này.

Trang web của tổ chức này cho hay: “Quỹ đạo ước tính sơ bộ được vẽ từ các báo cáo của người chứng kiến cho thấy sao băng đã đi theo hướng từ Nam ra Bắc và kết thúc cuộc hành trình của nó ở phía nam Cameron, New York”.

Hiệp hội Sao băng Hoa Kỳ cho biết họ nhận được gần 510 báo cáo về sao băng này. (Ảnh: Internet)

Tối 4/10, đội bóng chày Toronto Blue Jays thi đấu với Orioles Baltimore tại Trung tâm Rogers ở Toronto, Canada. Người hâm mộ ở dãy cuối khán đài phía bắc sân vận động đã nhìn thấy một trận mưa sao băng từ hướng ngược lại.

Cảnh sát và lính cứu hỏa đã nhận được những cuộc gọi thông báo về việc có thể một máy bay vừa đâm xuống khu vực nước cách sân bóng chày vài dãy nhà.

Phát ngôn viên cảnh sát, Natasha Zver cho biết các nhân viên đã khẩn cấp rà soát các khu vực gần đó, loại trừ khả năng một vụ tai nạn máy bay, thay vào đó phía cảnh sát cho rằng đó là một thiên thạch.

Hình ảnh ngôi sao băng quan sát từ trường Đại học Toronto Scarborough. (Ảnh: Internet)

Thiên thạch này có nguồn gốc từ trận mưa sao băng Orionid, Toronto Star đưa tin.

“Trận mưa sao băng Orionids được hình thành từ các mảnh vỡ của sao chổi Halley, được biết là rất nhanh và sáng”, trang web của NASA cho biết.

Trận mưa sao băng Orionid sẽ hoạt động kéo dài trong năm nay từ ngày 4/10 – 14/11, theo NASA.

Cơ quan này nói rằng các trận mưa sao băng sẽ hoạt động cao điểm trong khoảng ngày 21-22/10. Mật độ có thể lên đến 20 sao băng/giờ lúc đỉnh điểm.  

Theo Daily Mail