Giọng nói là một yếu tố đặc trưng vô cùng quan trọng trong nhân tướng học. Những bậc thầy tướng số hoàn toàn có khả năng nghe tiếng nói mà đoán định được chủ nhân của giọng nói đó là kẻ tiểu nhân hay là người quân tử.
Trong sách tướng viết: “Tướng mạo của người được chia thành Ngũ hình thì giọng nói cũng được chia thành Ngũ âm: Giọng Kim vang vọng, giọng Mộc khô khan, giọng Thủy gấp gáp, giọng Hỏa mạnh mẽ, giọng Thổ trầm đục.
Những người có phần hình tương sinh với phần thanh (giọng nói) thì sẽ gặp được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống: ngược lại, những người mà phần hình tương khắc với phần thanh thì cuộc sống sẽ gặp rất nhiều trắc trở, khó khăn, hung họa”.
“Người giọng nói nhẹ thì không có khả năng quyết đoán sự việc. Người có giọng nói phá thanh thì làm việc không thành công. Người có giọng nói đục thì vận mưu không phát. Người có giọng nói thấp thì thô lỗ không văn vẻ. Người có giọng nói trong trẻo ngân nga như nước suối chảy thì cực hiển quý. Người có giọng nói trôi chảy vang rõ, tự thấy như tiếng vọng trong vại thì chính là người ngũ phúc đủ đầy”.
Điều đó có nghĩa là giọng nói của con người có đặc trưng của hình tượng ngũ hành, mỗi giọng đều mang theo đặc trưng sang hay hèn, có phúc khí hay không và hành sự có thành công hay không.
Chúng ta cùng xem trường hợp nhà thư họa Đổng Bang Đạt đời Thanh được ghi lại trong cuốn sách “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Hàn lâm Đại học sỹ Kỷ Hiểu Lam.
Đổng Bang Đạt gặp cao nhân toán mệnh
Đổng Bang Đạt (1696-1769) là người Phú Dương, Chiết Giang, ông là một vị quan nhà Thanh, đồng thời là một nhà thư họa, đỗ tiến sĩ vào năm Ung Chính thứ 11, thụy là Văn Khác.
Khi ông làm Thị lang Công bộ, có kể với người khác rằng, lúc ông còn nhỏ sống ở một thôn nhỏ tại huyện Phú Dương. Một hôm, có một ông lão đang ngồi bên nhà hàng xóm, vừa nghe thấy giọng đọc sách của Bang Đạt đã nói: “Đây là một quý nhân” rồi mời ông ra để gặp mặt.
Ông lão nhìn kỹ khắp người Đổng Bang Đạt nhiều lần, còn hỏi sinh thần bát tự của ông, sau đó trầm tư một hồi lâu, rồi nói rằng, vận mệnh và tướng mạo của Đổng Bang Đạt là quý cách nhất phẩm, vào năm nào đó sẽ làm Tri huyện, năm nào sẽ làm Đại lý đại huyện.
Rồi năm nào đó lại thăng quan tiến chức trở thành Thông phán, năm nào đó thì thăng làm Tri phủ, năm nào đó lại từ Tri phủ thăng lên làm Bố chính sử, năm nào đó thì thăng làm Tuần phủ, năm nào đó lại làm Tổng đốc.
Ông lão còn căn dặn: “Mong ngài biết trân quý bản thân, đến lúc đó tức khắc sẽ biết lời lão nói là không sai”. Sau này, Đổng Bang Đạt không còn nhìn thấy ông lão này nữa.
Lúc đầu, Đổng Bang Đạt thấy không hoàn toàn đúng, bởi vì vào các năm kể trên, ông đã từng làm quan thất phẩm, Thứ khởi sĩ, Biên tu, Trung duẫn, học sĩ dự bị, học sĩ chính thức ở bộ Hộ, rồi sau đến Thị lang Công bộ, cách gọi của các chức vị không giống nhau.
Nhưng nếu xem xét kỹ cuộc đời ông, thì có thể thấy rằng, tri huyện chính là chức quan thất phẩm bộ Hộ mà ông được làm khi mới là cống sinh; được thăng làm Đại Lý Đại huyện chính là chức Thứ khởi sĩ; Thực tế thăng thụ chính là Biên tu; Thông phán thì là Trung duẫn; Tri phủ là học sĩ dự bị; Bố chính sử là học sĩ chính thức; Tuần phủ chính là Thị lang Công bộ.
Bổng lộc của các bậc quan đó đều tương ứng, thời gian cũng tương ứng với những gì đã tiên tri, chỉ là cách gọi chức quan là không giống mà thôi.
Lúc Đổng Bang Đạt kể ra câu chuyện này là lúc ông đang làm Công bộ Thị lang, còn về chuyện “vào năm nào đó sẽ thăng làm Tổng đốc”, thì năm ấy chưa phải là năm được đoán đến. Sau này Đổng Bang Đạt đúng là đã trở thành Lễ bộ Thượng thư vào năm nào đó, mà bổng lộc của chức quan này quả nhiên là ứng với lời tiên tri “vào năm nào đó sẽ thăng làm Tổng đốc”.
Trường hợp nữ có giọng nam
Trong “Hứa phụ thính thanh biên” có ghi: “Giọng nhỏ trong cao, là cực hiền quý, giọng nói mỏng nhẹ, chắc chắn bần hàn và hay nguy khốn. Nữ mà giọng nam thì cả đời khó phát triển, chồng sẽ chết sớm, trở thành góa phụ. Nam mà giọng nữ, dễ hại vợ và sinh nhiều con trai. Nữ giọng ríu rít, ắt sẽ hại chồng”.
Ví dụ, một cô gái trẻ có giọng nói như giọng đàn ông (nữ mà giọng nam), và giọng ồm khàn, trong dân gian gọi đó là “giọng vịt đực”, những cô gái như vậy sẽ có cuộc sống hôn nhân rất trắc trở.
Hồi tôi đi làm ở nhà máy, lúc đó đang học xem tướng tay, tướng mặt. Khi đó có một số học sinh được phê là “thành phần xuất thân tốt”, sau khi tốt nghiệp được phân công đến nhà máy chúng tôi. Trong số đó có một cô gái độ 18, 19 tuổi, cô nói giọng giống như giọng đàn ông, có chút khàn khàn, do đó tôi để ý đến sự phát triển của cô sau này.
Lúc đó đang là thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa, các trường học, nhà máy khắp nơi thành lập các tổ chức Hồng vệ binh. Nhà máy chúng tôi thành lập tổ chức Cờ đỏ. Một số thanh niên bình thường hoạt bát năng nổ đã gia nhập tổ chức này, nói là “làm cách mạng”. Cô gái nói trên sau này kết hôn với một người cầm đầu tổ chức Cờ đỏ, sinh được một con gái.
Nhưng không đến 2, 3 năm sau, những người “làm cách mạng” này bị gọi là “phái tạo phản” và bị thanh toán. Chồng cô là người cầm đầu, bị xử tù 8 năm, con gái cô mới vài tuổi, cuộc sống sau đó vô cùng gian khổ.
Sau này sau khi tôi ra nước ngoài rồi, cũng lại gặp vài chuyện tương tự như vậy, hôn nhân cũng lại xuất hiện những vấn đề tương tự. Chuyện mệnh tướng linh nghiệm như vậy, có thể thấy không phải là ngẫu nhiên nữa, vận mệnh đúng là đã được định sẵn từ trước.
Cho nên, ông lão ở thôn kia khi nghe được giọng đọc sách của Đổng Bang Đạt, thì có thể biết được ngày sau của ông sẽ đại quý, nhưng lúc nào thì đại quý đến? Quý đến mức độ nào? Để có phán đoán chính xác hơn, thì cần phải xem thêm tướng mặt của ông, và cả bát tự của ông nữa, rồi mới đưa ra được lời tiên tri về vận mệnh tương lai của ông.
Những sai lầm về toán mệnh
Rất nhiều người hễ nhắc đến toán mệnh, thì đều cho rằng bất cứ điều gì cũng có thể đoán ra được, ví dụ như gần đây đã xảy ra chuyện gì? Vợ của ai đó họ tên là gì?… Thật ra đó là một hiểu biết sai lầm, nó liên quan đến vấn đề phải hiểu về Bát tự toán mệnh.
Do có rất nhiều thuật toán mệnh, mà mỗi thuật đều có thể đoán ra những chuyện nhỏ nhặt, nhưng những chuyện mang tính xa xôi thì chưa chắc có thể đoán chuẩn được. Các phương pháp toán mệnh đều có ưu điểm, sở trường riêng, đều không phải là một môn học vấn có thể thỏa mãn được tất cả vấn đề và nhu cầu của con người.
Bát tự toán mệnh khá đúng trong việc đoán ra cuộc đời một người giàu sang hay nghèo khó, chết yểu hay sống thọ, suy đoán được vận mệnh cuộc đời lên xuống như thế nào, hôn nhân tốt hay xấu cũng đều đoán được chính xác.
Nhưng liên quan đến một số chuyện cụ thể chi tiết nhỏ, thì Bát tự toán mệnh không có ưu thế. Lúc ấy có thể sử dụng Đại lục nhâm, Mai hoa dịch số, Thiết bảng thần số, Trắc tự, Bói quẻ, và công năng túc mệnh thông v.v. thì sẽ linh ứng hơn.
Cho nên, ông lão ở thôn kể trên, có thể đoán được vận mệnh của Đổng Bang Đạt đến mức độ như thế, đã cao siêu lắm rồi. Nếu như vận mệnh không phải là được định sẵn từ trước khi sinh ra, vậy thì tại sao có thể tiên tri ra được kết quả tương lai chuẩn xác như thế?
Nếu như Đổng Bang Đạt sau này chỉ trở thành một phu kéo xe, hay là một người thợ rèn mà thôi, thì mới minh chứng được rằng vận mệnh không được định sẵn, thuật đoán mệnh chỉ là một thứ lừa đảo khoác lác.
(Trích từ: “Duyệt vi thảo đường bút ký”)
Tuệ Tâm biên dịch