Mới đây, những phụ nữ từng là tù nhân lương tâm bị giam giữ trong mạng lưới “trại cải tạo” ở Trung Quốc đã tiết lộ thông tin gây sốc về những hành vi tra tấn, lạm dụng mà họ phải chịu đựng trong suốt thời gian ở đây, theo News.com.au.
Những người sống sót sau khi rời khỏi trại cho biết Trung Quốc đang cưỡng chế triệt sản phụ nữ, chủ yếu là các tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam cầm trong mạng lưới trại cải tạo quy mô lớn của nước này.
Một phụ nữ giấu tên từng bị giam giữ hơn một năm trong một nhà tù ở Tân Cương đã nói với kênh truyền hình Pháp France 24 rằng nhiều lần, cô đã bị các bác sĩ tiêm một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Sau khi bị tiêm, cô nhận ra mình không có kinh nguyệt nữa.
Bà Gul Gulbahar Jalilova, một cựu tù nhân khác cho biết bà cùng 50 phụ nữ khác đã bị nhồi nhét vào một buồng giam nhỏ như những miếng thịt chứ không phải con người.
Tại một hội nghị của Tổ chức Ân xá Quốc tế gần đây, một phụ nữ khác tên là Mehrigul Tursun, 30 tuổi, từng là tù nhân tại Tân Cương cũng kể lại việ c cô bị ép phải triệt sản.
Trong thời gian bị giam giữ năm 2017, cô đã bị ép uống một ly thuốc. Một tuần sau đó, cô luôn cảm thấy mệt mỏi, mất trí nhớ và chán nản. Sau vài tháng cô được thả ra và bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Sau khi đến Mỹ, các bác sĩ còn cho biết cô đã bị triệt sản.
Những phụ nữ này đều là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số bị chính quyền Trung Quốc nhắm mục tiêu đặc biệt và liệt vào danh sách “phải cải tạo”.
Ngoài việc bị triệt sản, nhiều nữ tù nhân lương tâm còn bị buộc phải phá thai, kể cả khi thai đã lớn. Theo trang Minh Huệ Net, ĐCSTQ thường xuyên cưỡng bức phá thai các nữ học viên Pháp Luân Công khi họ không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Cô Trương Hán Vân (thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây) bị cảnh sát bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3/2001 khi đã gần đến ngày sinh. Cô bị đưa vào trung tâm tẩy não tại Hán Trung. Khi họ biết cô sắp tới ngày sinh nở, họ đưa cô vào một bệnh viện để phá thai. Tuy nhiên, do bào thai quá lớn để đẩy ra theo cách thông thường, các bác sĩ đã cắt bào thai ra thành nhiều mảnh ngay trong tử cung của cô và lấy nó ra.
Một trường hợp khác là cô La Chức Tương, kỹ sư của một công ty xây dựng thuộc Tập đoàn Kinh doanh Nông nghiệp Quảng Đông. Cô đã bị bắt giữ bất hợp pháp vào tháng 11/2002 và bị đưa đến Trung tâm Giam giữ Chu Hải, lúc đó cô đang mang thai ba tháng. Sau đó cô đã bị đưa đến Bệnh viện Trung y Thiên Hà để “tiêm thuốc y tế” nhằm loại bỏ thai nhi.
Viện Nghiên cứu Dân số Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc ép buộc nữ tù nhân Tân cương triệt sản trên diện rộng. Tổ chức này cho biết, dân số hiện tại của người Duy Ngô Nhĩ chưa đến 1% tổng dân số Trung Quốc. Vì vậy, việc hạn chế và kiểm soát sự tăng trưởng tự nhiên của nhóm người với quy mô dân số như vậy không gì khác ngoài ý định diệt chủng họ.
“Do đó, chính sách kiểm soát sinh đẻ của Trung Quốc như cưỡng bức phá thai và triệt sản thực chất không phải là chính sách đảm bảo chất lượng dân số cho người Duy Ngô Nhĩ. Mà ngược lại, đó là thủ đoạn để dần dần tiêu diệt họ bằng cách áp đặt tất cả các hạn chế về chính trị, kinh tế và xã hội”.
Nghi vấn liên quan đến mổ cướp nội tạng
Trong nhiều năm gần đây, các tổ chức nhân quyền đã bày tỏ lo ngại rằng nhiều người trong số 1,5 triệu tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam giữ trong các trại cải tạo của Trung Quốc là một phần của hệ thống khai thác nội tạng người.
Tháng 6 vừa qua, một tòa án độc lập ở London đã công bố Tuyên án dài 60 trang, kết luận chính quyền Trung Quốc đã phạm tội ác Chống lại loài người khi cưỡng bức thu hoạch nội tạng tù nhân lương tâm trên quy mô lớn, trong đó chủ yếu là những người học Pháp Luân Công.
Toà cũng cho biết mặc dù họ không có bằng chứng rõ ràng, nhưng nguy cơ là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị giam giữ trong các trại cải tạo cũng có thể trở thành nạn nhân của tội ác mổ cướp nội tạng. Bộ Ngoại giao Mỹ và các chuyên gia ước tính hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các trại như vậy.
Các thành viên gia đình của người bị bắt giữ không được thông báo bất cứ thông tin gì về người thân nếu họ bị chết. Đa số trường hợp, các thi thể sẽ bị cảnh sát hỏa thiêu. Kể từ năm 2017, chính quyền ĐCSTQ đã bắt đầu xây dựng nhiều nhà hỏa thiêu tại Tân Cương. Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong lo ngại rằng những lò hỏa thiêu này được sử dụng để phi tang chứng cứ về vấn đề tra tấn, hành quyết và thu hoạch nội tạng từ người Duy Ngô Nhĩ.
Trong một sự kiện nổi tiếng vào năm 1997 tại thành phố Y Ninh, Tân Cương, 400 tới 1.600 người biểu tình đã bị bắt, nhiều người trong số họ bị tử hình. Một số nhân viên y khoa và cảnh sát đã làm chứng rằng, những thanh niên trẻ tuổi bị bắt trong vụ việc này đã bị thu hoạch nội tạng.
Tuy nhiên, mặc cho những nhân chứng, bằng chứng không ngừng được đưa ra, chính quyền Trung Quốc vẫn liên tục phủ nhận những hành vi vi phạm nhân quyền ở đất nước này.
Hồng Liên (t/h)