Tinh Hoa

Phóng viên Trung Quốc bị bắt vì bình luận về phim “Hồ Trường Tân”

La Xương Bình, một nhà truyền thông nổi tiếng của Trung Quốc, đã bị bắt vì bình luận về bộ phim “Hồ Trường Tân”. Một số ý kiến cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phải đối mặt với áp lực kinh tế và chính trị rất lớn, nên cố gắng mượn các bộ phim tuyên truyền chính trị như “Hồ Trường Tân” để chuyển hướng mâu thuẫn trong nước, bởi vậy bất kỳ tiếng nói “chia rẽ” nào đều sẽ bị chèn ép.

La Xương Bình, một nhà truyền thông nổi tiếng của Trung Quốc, đã bị bắt vì bình luận về bộ phim “Hồ Trường Tân”. (Ảnh tổng hợp)

Vào chiều ngày 8/10, La Xương Bình đã bị phân cục Cát Dương của Cục Công an thành phố Tam Á tạm giữ hình sự vì đăng một bình luận trên Weibo về bộ phim tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước” được đầu tư công phu và quảng bá rầm rộ “Hồ Trường Tân”.

Phân cục Cát Dương ra thông báo cho biết, La Xương Bình đã đăng tải những phát ngôn xúc phạm trên Weibo, nghi ngờ “xâm phạm danh dự của các anh hùng liệt sĩ”. Sau đó, Viện Kiểm sát ngoại ô thành phố Tam Á đã mở một cuộc điều tra suốt đêm đối với La Xương Bình.

Với chủ đề “chống Mỹ cứu nước”, bộ phim “Hồ Trường Tân” được đầu tư lên tới 1,3 tỷ Nhân dân tệ, là một trong những bộ phim được công chiếu trong kỳ nghỉ lễ dài 1/10 nhằm chúc mừng 100 năm thành lập ĐCSTQ.

Tính đến tối 6/10, tổng doanh thu phòng vé của bộ phim đã vượt ngưỡng 3 tỷ Nhân dân tệ. Phim phá 14 kỷ lục điện ảnh như: Tác phẩm lịch sử có doanh thu ngày đầu công chiếu cao nhất, lượt người xem nhiều nhất dịp Quốc khánh… Đồng thời, phim sẽ sớm lọt top 10 phim đứng đầu lịch sử điện ảnh Trung Quốc.

Theo Sina, “Hồ Trường Tân” (The Battle at Lake Changjin) thuộc nhóm phim được đầu tư lớn nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc với ekip hùng hậu gồm ba đạo diễn Trần Khải Ca, Từ Khắc, Lâm Siêu Hiền. Dàn diễn viên tên tuổi tham gia dự án gồm: Ngô Kinh, Dịch Dương Thiên Tỉ, Đoạn Dịch Hoành, Lý Thần, Hồ Quân, Chu Á Văn…

Hồ Trường Tân” do Ngô Kinh và Dịch Dương Thiên Tỉ đóng chính liên tục tục phá kỷ lục phòng vé sau 7 ngày công chiếu. (Ảnh: Bilibili)

Bộ phim kể về cuộc giao tranh giữa quân đội ĐCSTQ và quân đội Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu trong chiến tranh Triều Tiên tại hồ Trường Tân. Trong trận này, 120.000 quân Trung Quốc bao vây lực lượng gồm 20.000 binh sĩ của nhiều nước tại hồ Trường Tân từ ngày 27/11/1950 tới ngày 13/12/1950. Con số thương vong của hai bên đều rất cao, riêng binh lính ĐCSTQ vì không có quần áo chống rét mà chết cóng vô số, nhưng phía chính phủ ĐCSTQ lại gọi những người này là “Đại đội điêu khắc băng”.

Theo các tài liệu công khai, quân đội tham chiến của ĐCSTQ để tăng tốc độ hành quân, đã buộc các binh sĩ cởi bỏ áo khoác bông dày và các loại quần áo chống lạnh khác, cuối cùng khiến hàng chục ngàn binh sĩ bị chết cóng bởi nhiệt độ lạnh giá ở Triều Tiên.

Bộ phim yêu nước “Hồ Trường Tân” được chính quyền ĐCSTQ quảng bá rầm rộ đã gây tranh cãi trong và ngoài nước. Vào ngày 6/10, La Xương Bình đã đăng một bình luận trên Weibo nói rằng: “Nửa thế kỷ sau, rất ít người Trung Quốc suy nghĩ về tính chính nghĩa của cuộc chiến này. Cũng giống như ‘đại đội điêu khắc cát’ năm đó sẽ không hoài nghi về ‘quyết sách anh minh’ của cấp trên”.

Ông mô tả “Đại đội điêu khắc băng” trong phim thành “Đại đội điêu khắc cát”. Trong thuật ngữ mạng của Trung Quốc, “điêu khắc cát” ý tứ là ngu xuẩn, không có não. Cũng bởi vậy, La Xương Bình đã bị các quan chức ĐCSTQ và “tiểu phấn hồng” (cụm từ được dùng để chỉ những người trẻ Trung Quốc yêu nước, xem mạng xã hội như chiến trường chống lại những ai chỉ trích, nói xấu quê hương) tổng lực tấn công, Weibo của ông đã bị cấm sau đó không lâu. 

Bài đăng của La Xương Bình đã khiến các quan chức ĐCSTQ và “tiểu phấn hồng” tức giận. (Ảnh chụp màn hình)

Đối mặt với áp lực, La Xương Bình đã lên tiếng xin lỗi trên Weibo vào ngày 7/10. Cùng ngày, Weibo của ông đã hiển thị “Nội dung hiện tại không thể nhìn thấy”. Vào ngày 8/10, La Xương Bình đột nhiên bị bắt giữ và tài khoản Weibo của ông cũng đã bị chặn.

Ông Trần, một nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc, đã nói với đài Á châu Tự do (RFA) rằng, chính quyền ĐCSTQ muốn lợi dụng sử ảnh hưởng của trận chiến “Hồ Trường Tân” để chuyển hướng mâu thuẫn kinh tế, chính trị và xã hội ở trong nước, củng cố quyền lực lãnh đạo của mình.

Cho nên, trong những năm gần đây, bất cứ ai đặt câu hỏi về những bộ phim tuyên truyền “chính trị đúng đắn” này đều sẽ phải đối mặt với hàng loạt những chèn ép. Ông Trần nói: “Điều này đã trở thành cách thức quen thuộc của ĐCSTQ trong nhiều năm qua nhằm kiểm soát dư luận”.

Tờ Toutiao ngày 9/10 đưa ra thông báo nói, một số tài khoản có tích xanh của La Xương Bình đã bị cấm vì đăng bài “bôi nhọ hình ảnh anh hùng liệt sĩ”.

La Xương Bình từng là phóng viên chủ chốt của “Trung Quốc thương báo” (China Business Herald), Tổng biên tập bộ phận báo cáo chuyên sâu của tờ Tin tức Bắc Kinh (The Beijing News), và Phó Tổng biên tập tạp chí “Tài Kinh” (Caijing), từng xuất bản nhiều báo cáo điều tra liên quan đến tham nhũng của các quan chức. 

Ông từng sử dụng cụm từ “ngày giỗ cơm chiên trứng” để mô tả ngày giỗ của Mao Ngạn Anh, con trai Mao Trạch Đông. Năm đó, Mao Ngạn Anh được cho là đã chết trên chiến trường Triều Tiên, vì ăn cơm chiên trứng mà bị máy bay Mỹ ném bom trúng.

Tuệ Tâm (Theo NTDTV)