Hai phóng viên của tờ Epoch Times ấn bản Hồng Kông cho biết, họ nghi mình đang bị các nhân viên an ninh theo dõi, sau khi phát hiện một người có hành vi bất thường trong những ngày gần đây.
Epoch Times ấn bản Hồng Kông là một trong số ít các hãng truyền thông độc lập tại đặc khu, trong khi hầu hết giới truyền thông tại đây đều ủng hộ Trung Quốc, hoặc có một phần được chính quyền Đại lục tài trợ.
Ngày 10/8, Sarah Liang – phóng viên của tờ Epoch Times kiêm người dẫn chương trình trên YouTube nổi tiếng ở địa phương, chuyên phỏng vấn các nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng tại Hồng Kông phát hiện, có một người đàn ông trung niên mặc vest đen đang theo dõi cô, khi cô đứng chờ qua đường gần khu dân cư Cheung Sha Wan.
Sự việc xảy ra vào lúc 2 giờ chiều, khi Liang định đi ăn trưa với bạn. Người đàn ông cùng một vài người có mặt tại con phố lúc đó, đang nói chuyện điện thoại bằng tiếng Quảng Đông, ông ta đưa mắt nhìn về hướng của Liang. Nữ phóng viên cảm thấy lo sợ khi nhận ra người đàn ông theo sau khi cô di chuyển, và vẫn tiếp tục bám đuôi dù cô đã rẽ sang phải.
Sau đó, Liang nhanh chóng vào một trung tâm thương mại gần đó để cắt đuôi, và giả vờ đang đi mua sắm. Nhìn từ bên trong ra, cô thấy người đàn ông bước vài bước về phía trước.
Nghĩ rằng kẻ này đã rời đi. Nhưng một lúc sau, khi bước ra khỏi trung tâm mua sắm, cô phát hiện người đàn ông này đang đứng ngay trước cửa ra vào trung tâm, rõ ràng là để chờ cô. Khi cô đưa mắt nhìn vào người đàn ông, hắn ngay lập tức quay mặt và nhanh chóng rời đi.
Liang đã chụp được ảnh từ phía sau của người này khi hắn rời đi.
Vào cùng ngày, một phóng viên khác sống tại Hồng Kông cũng phát hiện ra một xe cảnh sát đỗ gần khu sinh sống của mình.
Những vụ việc này xảy ra sau khi cảnh sát Hồng Kông tiến hành bắt giữ ông trùm truyền thông Lê Trí Anh, vì bị tình nghi thông đồng với các thế lực nước ngoài, vi phạm vào luật an ninh quốc gia mới của chính quyền Bắc Kinh.
Vụ bắt giữ đã thu hút được chú ý từ dư luận. Ông Lê là người sáng lập ra hãng tin tức ủng hộ dân chủ – Apple Daily tại vùng đặc khu. Sau đó, khoảng 200 sĩ quan cảnh sát đến tòa soạn của Apple Daily, cong tay và áp giải ông Lê đưa về đồn.
Chính quyền Bắc Kinh siết chặt quản lý vùng đặc khu, sau khi trực tiếp ban hành luật an ninh. Điều luật hình sự hóa các hành vi ly khai, đảo chính, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài, hình phạt nặng nhất lên đến án tù chung thân.
Phóng viên Liang cho biết, nhiều bạn bè của cô sau khi nghe được vụ bắt giữ ông Lê Trí Anh đã lập tức liên lạc để cảnh báo cô phải cẩn thận.
Nhà hoạt động dân chủ Chu Đình chia sẻ trong một bài đăng trên Facebook rằng, trong những ngày gần đây, nhiều nhóm đối tượng gồm từ ba đến bốn người đàn ông đã thay phiên nhau túc trực bên ngoài nơi ở của cô từ sáng đến tối. Điều này đặc biệt đáng chú ý vì cô sống ở vùng nông thôn.
Ngày 9/8, Chu Đình chia sẻ: “Sự việc khá sốc, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm điều mà mình tin tưởng vào”.
Ngày 10/8 vừa qua, Chu Đình cũng đã bị bắt giữ. Ngày 11/8, Chu Đình, Lê Trí Anh cùng một số nhà hoạt động dân chủ khác đã được tại ngoại.
Hoàng Chi Phong – một nhà hoạt động quan trọng trong phong trào biểu tình tại Hồng Kông cũng chia sẻ, gần đây anh bị theo dõi bởi nhiều phương tiện ô tô và xe máy đáng nghi.
Tuy phóng viên Liang cho biết, cô đã thận trọng hơn bình thường trước bối cảnh chính trị đang diễn ra hiện nay, nhưng cô vẫn sốc khi biết mình bị ai đó theo dõi.
Cô nghi ngờ rằng, đây có thể là “chiến thuật hù dọa”, nữ phóng viên khuyến cáo người dân không nên tiếp tay làm trầm trọng hóa không khí vốn đã tồi tệ như hiện nay tại Hồng Kông.
Theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của Tổ chức phóng viên không biên giới – một cơ quan giám sát truyền thông quốc tế, xếp hạng tự do báo chí của Hồng Kông đã tụt từ vị trí thứ 18 năm 2002 xuống thứ 80 vào năm 2020. Trung Quốc Đại lục đứng thứ 177 trong tổng số 180 khu vực.
Luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào đêm ngày 1/7, đánh dấu tròn 23 năm ngày thuộc địa cũ của Anh trở về dưới quyền cai trị của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố ngày 11/8, Steven Butler – điều phối viên chương trình châu Á của nhóm vận động Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, có trụ sở tại New York cho biết, điều luật có “một số điều khoản có thể gây khó dễ cho giới nhà báo”.
Một biên tập viên giấu tên của một trang tin tức Trung Quốc chia sẻ: “Thật là nực cười nếu bạn cố gắng nắm thóp được nước đi tiếp theo của chính quyền. Chúng ta dường như chẳng thể dự đoán được gì. Họ có thể giải thích điều luật theo bất kỳ cách nào họ muốn, theo bất kỳ cách nào phù hợp với mục đích của họ”.
Trong một tuyên bố ngày 11/8, tờ Epoch Times ấn bản Hồng Kông đã lên án hành vi quấy rối các thành viên của tờ báo, cho rằng vụ việc xảy ra với phóng viên Liang thể hiện sự “chà đạp nghiêm trọng đối với quyền tự do báo chí”.
Hãng tin tức cũng kêu gọi dư luận quốc tế cần để tâm hơn đến quyền tự do báo chí tại Hồng Kông, cũng như sự an toàn cá nhân của các nhà báo.
Việt Anh (Theo Epoch Times)