Kể từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát cho đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kiểm soát dư luận chặt chẽ chưa từng thấy, các bài báo từ các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin về dịch bệnh đã liên tục bị chặn, khiến nhiều phóng viên nói lên sự thật rất căm phẫn.
Bài viết nhiều lần bị chỉ trích, muốn nói sự thật cũng không được
Vào ngày 16/3, Phàn Nguy, phóng viên của cơ quan truyền thông chính thức ĐCSTQ đã đưa ra một bài báo điều tra, qua cuộc phỏng vấn với bác sĩ tuyến đầu ở Vũ Hán, Phàn Nguy đã tiết lộ những báo cáo bị che giấu trong dịch bệnh lần này. Bác sĩ Lý Văn Lượng bị đe dọa khai trừ, nhân viên y tế không được phép mặc quần áo bảo hộ, đủ các loại sự thật được gây ra bởi chủ nghĩa quan liêu. Nhưng bản thảo đã bị xóa ngay sau khi nó được xuất bản.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, trong số các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, vẫn còn một số phóng viên muốn nói sự thật, đưa tin tức thật. Nhưng dưới áp lực kiểm duyệt, họ cảm thấy rất khó xử.
Henry Jian, một phóng viên khác của truyền thông Đảng, đã đưa tin về cách các tình nguyện viên Vũ Hán phục vụ trong các cư xá, thể hiện “câu chuyện có năng lượng tích cực, ấm áp, của những con người nhỏ bé của Trung Quốc”. Anh nghĩ trong lòng, điều này chắc hẳn sẽ đáp ứng được nhu cầu của biên tập viên, nhưng cuối cùng bản thảo cũng đã “bị kẹt”.
“Ý của lãnh đạo là… không cho tuyên truyền lực lượng của người dân”, Henry Jian nói, cũng không biết viết bản thảo như thế nào, “nói sự thật… cũng không được”.
Những lời phàn nàn như vậy không ngừng xuất hiện trong các phương tiện truyền thông chính thức, Henry Jiang tự giễu, những người có năng lực thì nghỉ việc, kẻ vô dụng thì tiếp tục phối hợp với bộ máy Đảng “làm diễn viên”.
Phóng viên CindyYu cũng tự giễu nói, công việc phỏng vấn của mình “giống như là đạo diễn”.
CindyYu làm việc trong một kênh truyền thông nhà nước, lãnh đạo của cô trực tiếp yêu cầu cô giao đoạn video phỏng vấn của 5 người “tán dương ĐCSTQ”. Cô phản đối nói, “Tôi hiểu các nhiệm vụ chính trị, nhưng có thể đừng để tôi diễn kịch được không?”.
Truyền thông “phải mang ‘họ’ Đảng”
Phương Khả Thành, trợ lý giáo sư tại Trường Báo chí và Truyền thông của Đại học Hồng Kông biểu thị, sau khi chính quyền ĐCSTQ ra lệnh rõ ràng rằng các phương tiện truyền thông chính thức “phải mang họ Đảng” vào năm 2016, các bài đưa tin giám sát được coi là không trung thành với Đảng.
“Ví dụ, khi bạn đưa tin một số sự kiện thảm họa, bạn có thể chịu trách nhiệm và phản ánh sự việc ở mức độ nào? Bạn chỉ có thể truy cứu trách nhiệm đến một quan chức cơ sở? Hay là quan chức chính quyền địa phương đứng đầu? Hay là có thể truy cứu trách nhiệm và phản ánh hệ thống đằng sau nó?”
Sau năm 1980, Phương Khả Thành tốt nghiệp Trường Báo chí tại Đại học Bắc Kinh, ông nói rằng các nhà báo Trung Quốc đang chịu áp lực từ các quan chức, bạn học hay là các bài báo trên mạng đang trong tình trạng quá thận trọng.
Tuy nhiên, càng ít người dám nói sự thật, xã hội này càng trở nên nguy hiểm.
Những người làm truyền thông cùng phản kích ĐCSTQ
Tuy nhiên, cũng có nhiều người làm truyền thông ở Trung Quốc “rất tức giận” khi chính quyền chặn các thông tin thực sự về dịch bệnh, khởi động bộ máy tuyên truyền để đưa tin giả, lừa dối dân chúng. Họ đã chiến đấu chống lại ĐCSTQ, công bố nội tình của dịch bệnh bị chính phủ che giấu thông qua nhiều kênh khác nhau.
Tenney Huang, phóng viên của một tạp chí nhà nước nói rằng: “Mọi người đều ở trong trạng thái bị đè nén và ủy khuất, tự do biểu đạt là một loại cách thức mà chúng tôi phản kích”.
Ông Hoàng đã ở Vũ Hán được vài tuần, ông nói, khi sự kiểm duyệt ngày càng ngang ngược, các phóng viên đã chuyển sang chia sẻ các bài tin của họ trên các nền tảng truyền thông xã hội và các công cụ khác.
“Sự thật giống như củi”, anh nói, “Càng chất đống, khi gặp lửa, sức cháy sẽ càng lớn”.
Lý Đại Đồng, Biên tập viên ở Bắc Kinh đã nghỉ hưu nói rằng: “Lần này sự kiểm soát của chính phủ (ĐCSTQ) với quyền tự do ngôn luận đã gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích và cuộc sống của người dân. Mọi người đều biết, nếu như không nói sự thật thì sẽ xảy ra đại thảm họa”.
Tạp chí “People” đã xuất bản một bài báo “Người thổi còi” vào ngày 10/3, ghi lại trần thuật huyết lệ của bác sĩ Ngải Phân, khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Ngải Phân là đồng nghiệp của bác sĩ Lý Văn Lượng, cô kể rằng mình đã bị bịt miệng, tận mắt chứng kiến từng đồng nghiệp của mình ngã xuống, từng người dân Vũ Hán chết thảm thương vì không có bệnh viện.
Bài viết ngay lập tức bị xóa bỏ trên mạng internet. Tuy nhiên, đội quân không gian mạng của ĐCSTQ vẫn chậm hơn một bước. Cư dân mạng đã phẫn nộ tải xuống bài viết này và phiên dịch nó sang tiếng Anh, Pháp, Do Thái, Ba Tư, mã Morse, Ngôn ngữ Elvish, Klingon, đồng thời nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng quốc tế.
Phương Phương, một nhà văn Vũ Hán, người kiên quyết viết nhật ký ‘phong thành’ và tiết lộ tình hình thực sự của dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông nói rằng: “Bảo vệ nó chính là bảo vệ chính chúng ta. Đã đến bước này, quản trị mạng còn xóa được nữa sao?”.
Minh Huy (Theo NTDTV)